Giá cà phê trong nước đầu tuần này tiếp tục sụt giảm, phản ánh xu hướng đi xuống của thị trường thế giới khi nguồn cung dần được cải thiện. Dù giá có dấu hiệu giảm tốc, giới chuyên gia nhận định đây là sự điều chỉnh cần thiết sau giai đoạn tăng nóng, và người nông dân vẫn đang hưởng mức lợi nhuận cao.

Giá giảm theo xu hướng toàn cầu
Theo ghi nhận trong sáng 19/5, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên – khu vực sản xuất trọng điểm của cả nước – dao động từ 123.800 đồng/kg đến 124.700 đồng/kg. So với cuối tuần trước, giá đã giảm khoảng 500 đồng/kg và giảm tới 1.700 đồng/kg so với phiên giao dịch ngày 15/5.
Giá cà phê Robusta trong nước sụt giảm chủ yếu do tác động từ thị trường thế giới. Sàn giao dịch London ghi nhận giá cà phê Robusta kỳ hạn giảm mạnh xuống còn 4.865 USD/tấn, mất tới 361 USD/tấn so với tuần trước – mức giảm mạnh nhất trong hơn một tháng. Tương tự, tại sàn New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7 cũng lao dốc 22,10 cent xuống còn 365,65 cent/pound.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các thị trường tiêu dùng đón nhận thông tin tích cực về nguồn cung từ quốc gia xuất khẩu hàng đầu là Brazil. Trong khi Brazil chuẩn bị thu hoạch vụ mới với sản lượng dự báo cao kỷ lục.
Cơ quan Cung ứng Mùa vụ Brazil (Conab) mới đây đã nâng dự báo sản lượng cà phê năm 2025 của nước này lên mức 55,7 triệu bao (loại 60kg), tăng 7,5% so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 1 và cao hơn 2,7% so với vụ mùa 2024. Đây là con số kỷ lục đối với một năm “mất mùa” trong chu kỳ hai năm một lần của cây Arabica.
Đồng thời, lượng tồn kho cà phê do các sàn giao dịch quốc tế giám sát cũng tăng đáng kể. Cụ thể, tồn kho Robusta trên sàn ICE (London) đạt 4.308 lô – mức cao nhất trong một tháng vào ngày 8/5. Tồn kho Arabica trên sàn ICE (New York) cũng tăng lên 844.473 bao – mức cao nhất trong gần ba tháng.
Ngoài Brazil, các thị trường xuất khẩu lớn khác như Indonesia và Uganda cũng chuẩn bị đưa cà phê vụ mới ra thị trường, góp phần làm tăng áp lực nguồn cung trong thời gian tới.
Tại Việt Nam: Giá điều chỉnh nhưng lợi nhuận nông dân vẫn cao
Tại Việt Nam, cà phê nhân từng lập đỉnh giá 134.000 đồng/kg vào cuối tháng 4/2024. Tuy nhiên thời gian qua, thị trường bắt đầu ghi nhận các đợt điều chỉnh giảm. Hiện giá giao dịch tại Tây Nguyên dao động quanh mức 123.800 đồng/kg đến 124.700 đồng/kg.
Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex – cho biết: “Giá cà phê từ mức 30.000 – 40.000 đồng/kg đã tăng vọt lên hơn 130.000 đồng. Đây là mức giá trong mơ đối với nông dân. Giá đã tăng 3–4 lần, thì việc điều chỉnh giảm là tất yếu và phù hợp với quy luật thị trường”.
Theo ông Nam, ngay cả khi giá giảm như hiện tại, người nông dân vẫn thu được lợi nhuận cao, gấp 2–3 lần so với chi phí sản xuất. Đặc biệt, cà phê là cây lâu năm, ít chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan nên hiệu quả đầu tư vẫn vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác.
Thực tế cũng cho thấy, với mức giá hiện tại, nông dân vẫn có tâm lý tích cực. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu lại thận trọng hơn: “Giá đã ở đỉnh nên doanh nghiệp không dám trữ hàng. Hầu hết đều áp dụng chiến lược ‘mua đến đâu, bán đến đó’ để tránh rủi ro”, ông Nam chia sẻ.
Theo phân tích của giới chuyên gia, thị trường cà phê hiện đang bước vào chu kỳ điều chỉnh sau một đợt tăng giá mạnh kéo dài từ năm 2023 đến quý I/2025. Đây là diễn biến phù hợp với quy luật cung – cầu và chu kỳ tăng – giảm hình sin đặc trưng của nhiều mặt hàng nông sản.
“Giá đã lên đỉnh thì tất yếu sẽ có giai đoạn điều chỉnh. Vấn đề là mức độ giảm đến đâu và chiến lược ứng phó của các bên như thế nào. Nhưng nhìn chung, giá hiện vẫn đang ở vùng cao và đảm bảo lợi ích cho người nông dân”, một chuyên gia từ Bộ Công Thương nhận định.
Thị trường cũng ghi nhận sức tiêu thụ có dấu hiệu chững lại do giá cà phê tăng quá nhanh trong thời gian qua, khiến các nhà nhập khẩu và rang xay dè dặt hơn trong việc tích trữ hàng. Điều này góp phần gia tăng tồn kho và tạo áp lực giảm giá ngắn hạn.
Xuất khẩu cà phê 2025 hướng tới mốc 7 tỷ USD
Bất chấp sự điều chỉnh về giá trong tháng 5, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn đạt kết quả ấn tượng. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2025, cả nước đã xuất khẩu 665.900 tấn cà phê, thu về 3,8 tỷ USD. Dù lượng xuất khẩu giảm 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch lại tăng mạnh tới 51,8% nhờ giá bán tăng cao.
Với đà này, ngành cà phê Việt Nam kỳ vọng đạt kim ngạch xuất khẩu 7 tỷ USD trong cả năm 2025 – con số cao kỷ lục từ trước tới nay, tiếp tục khẳng định vị thế là quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta hàng đầu thế giới.
Giá cà phê giảm những ngày qua là tín hiệu cho thấy thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh sau thời gian tăng nóng. Tuy nhiên, mặt bằng giá hiện tại vẫn được đánh giá là rất tích cực đối với người trồng cà phê. Thị trường thế giới vẫn cần cà phê, và khi giá về ngưỡng hợp lý hơn, sức tiêu thụ có thể sớm khởi sắc trở lại.
Trong bối cảnh đó, việc theo dõi sát diễn biến nguồn cung toàn cầu, đặc biệt là từ Brazil và Indonesia, cùng với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và hiệp hội ngành hàng sẽ đóng vai trò quan trọng giúp cà phê Việt Nam giữ vững vị thế và tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Nguyễn Huyền / Thị trường tài chính tiền tệ