Câu chuyện xăng dầu giảm giá, cước vẫn neo cao như đang thách thức các cơ quan quản lý. Các doanh nghiệp vận tải lãi lớn chưa từng có, còn người dân phải đối mặt với những chuyến xe “dù”, nhồi nhét và tăng giá vô tội vạ dịp Tết Nguyên đán.
Doanh nghiệp vận tải lãi lớn
Sau nhiều lần lực lượng chức năng thanh kiểm tra, hô hào doanh nghiệp vận tải đường bộ giảm cước, nhưng mức giảm vẫn không tương xứng với giảm giá xăng dầu.
Tìm hiểu ở một doanh nghiệp vận tải cỡ vừa chạy tuyến Hà Nội-Thanh Hóa cho thấy: Với xe loại 47 chỗ chạy tuyến này trung bình hết 1 triệu đồng tiền mua diezel/chuyến. Trong năm 2015, hãng xe này giảm 5.000 đồng/vé; tính trung bình, mỗi chuyến có 30 khách, số tiền giảm giá vé ở mức 150.000 đồng/chuyến. Trong khi đó, giá diezel từ đầu năm 2015 đến nay đã giảm 30%; đồng nghĩa, hãng xe này giảm được 300 nghìn đồng/chuyến, gấp đôi chi phí giảm giá vé nêu trên. Trong khi, hãng xe này chạy hơn 30 chuyến/ngày; thu lợi từ việc giảm giá dầu hiện lên đến 4,5 triệu đồng (150 nghìn đồng x 30 chuyến)/ngày.
Như vậy, mỗi tháng, doanh nghiệp này lãi thêm 135 triệu đồng/tháng từ việc xăng dầu giảm. Đó là chưa tính tới nguồn lợi từ giá cước hàng hóa, bưu phẩm… trên mỗi chuyến xe (ước tính còn lãi hơn vận chuyển hành khách rất nhiều. Tính cả năm, doanh nghiệp này có thêm hàng tỷ đồng nhờ giá nhiên liệu giảm. Nếu tính các doanh nghiệp lớn, chạy tuyến dài, lợi nhuận tăng càng lớn.
Trả lời Tiền Phong ngày 6/1, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Đường bộ, phụ trách mảng vận tải cho hay: Ngay khi xăng dầu giảm giá gần nhất (ngày 4/1), Tổng cục Đường bộ, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) và Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tổ chức họp để thống nhất. Theo đó, 3 cơ quan này sẽ tiếp tục lập đoàn thanh tra liên ngành để thúc ép các doanh nghiệp vận tải đường bộ giảm giá cước.
Bà Hiền thừa nhận: “Lập đoàn kiểm tra chỉ là giải pháp nhất thời được triển khai khi vấn đề giá cước gây bức xúc xã hội. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng thành quy định pháp luật để điều chỉnh”.
Quy định được bà Hiền đề cập là dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 152/2014 của liên Bộ GTVT và Tài chính hướng dẫn về thực hiện giá cước vận tải đường bộ. Theo đó, dự thảo này được soạn thảo theo hướng: Khi xăng dầu giảm ở mức độ nào đó, doanh nghiệp bắt buộc phải kê khai giảm giá cước. Ngoài ra, dự thảo cũng hướng đến quy định: Khi doanh nghiệp kê khai lại giá có thể triển khai giảm giá ngay, không cần chờ chấp thuận của cơ quan nhà nước như hiện nay.
Bất hợp lý
Chiều 6/1, trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết: Cục Quản lý Giá yêu cầu sở tài chính các tỉnh phối hợp với sở GTVT và các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn. Cùng với đó, các địa phương phải thường xuyên tổng hợp báo cáo Cục Quản lý Giá về diễn biến tình hình giảm giá cước và kết quả thanh tra, kiểm tra giá cước vận tải bằng ô tô tại địa phương trong các báo cáo định kỳ về tình hình giá cả thị trường theo quy định.
Địa phương cần có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng để tăng giá ở mức cao mà không thực hiện việc kê khai, niêm yết; công bố công khai đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, giá cước vận tải hành khách bằng ô tô hiện có sự cạnh tranh lớn, cơ quan quản lý nên bỏ thủ tục đăng ký, kê khai giá vừa gây mất thời gian lại không đúng với xu thế thị trường. Ông đưa ra ví dụ, đối với các hãng vận tải taxi, hành khách tuyến cố định, khi giá xăng dầu tăng, các hãng lập tức kê khai đòi tăng giá cước, nhưng khi nhiên liệu giảm giá, thì ì ạch không chịu kê khai.
“Theo tính toán, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng trên dưới 30%, năm qua xăng dầu đều giảm giá trên dưới 60%, mà các hãng vẫn lãi hàng nghìn tỷ đồng trong khi người dân vẫn chịu mức giá không đổi thì bất hợp lý cho xã hội. Vì thế, bộ chức năng cần điều chỉnh lại mức giá trần buộc doanh nghiệp giảm giá. Đó mới là biện pháp hữu hiệu”, ông Long nói.
Sỹ Lực – Tuấn Đức
Theo Tiền Phong