Tháng 2/2024, nhiều ngân hàng tiếp tục để mức lãi suất cho vay mua nhà ở “đáy”, thấp nhất chỉ còn 5%/năm.
Cụ thể, theo biểu niêm yết mới nhất về lãi suất cho vay mua nhà tháng 2/2024, ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) hiện có mức lãi suất cho vay mua nhà thấp với 5%/năm, không đổi so với tháng trước. Tuy nhiên, hết thời gian ưu đãi, lãi suất cộng thêm biên độ 2%/năm.
Đứng sau BVBank là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 5,9%/năm, cũng giữ nguyên so với tháng 1/2024.
Tiếp sau là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIVD) và Ngân hàng UOB với 6%/năm. Trong đó, lãi suất tại UOB không đổi so với tháng 1 còn tại BIDV, lãi suất giảm sâu từ 6,5% xuống 6%/năm.
Cũng có mức lãi suất cho vay mua nhà khá thấp là Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) với 6,25%/năm. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đứng thứ tư với 6,4%/năm.
Trong khi đó, 6,5%/năm tới 7%/năm là mức lãi suất được nhiều nhà băng áp dụng như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Sacombank) với 6,5%/năm, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) với 6,5%/năm, Shinhan Bank với 6,6%/năm, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với 6,7%/năm…
Ở chiều ngược lại, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) là đơn vị hiếm hoi có lãi suất cho vay mua nhà trên 10%/năm với mức 10,5%/năm. Sau thời gian ưu đãi, mức thả nổi là 3%.
Đứng sau Techcombank trong danh sách những ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà cao nhất gồm HSBC với 9,75%/năm, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) với 9,29%/năm, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) với 8,5%/năm…
Trong đầu tháng 2/2024, các nhà băng khá trầm lắng trong việc điều chỉnh lãi suất cho vay mua nhà. Ngoài BIDV, đa phần các đơn vị còn lại đều giữ nguyên biểu niêm yết.
Có thể thấy, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mai đã liên tục giảm lãi suất huy động để hỗ trợ cho vay tiêu dùng và hạn chế tình trạng dư thừa nguồn tiền trong các nhà băng.
Hiện sau nhiều lần điều chỉnh, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã xuống mức thấp kỷ lục, dao động quanh mức 5%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, con số này thấp hơn mức lãi suất trong giai đoạn dịch COVID-19.
Việc lãi suất huy động giảm được kỳ vọng sẽ kích thích dòng tiền trong dân cư đổ vào bất động sản, một kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây cho thấy, dòng tiền vẫn chưa quay trở lại thị trường bất động sản, đặc biệt là đối với các sản phẩm có giá trị lớn.
Theo đánh giá của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (Vars), lượng giao dịch trên thị trường đang chủ yếu tập trung vào sản phẩm có giá dưới 3 tỷ đồng từ khách hàng có sẵn tiền mặt. Trái lại, sản phẩm đầu tư giá trị cao vẫn tồn kho do cơ chế và điều kiện vay vốn phức tạp, chặt chẽ, khiến nhiều người không muốn đầu tư vào bất động sản có giá trị lớn.
Ngoài ra, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và tiền vay vẫn cao, khiến nhiều người dân lo ngại về việc vay vốn do khả năng lãi suất tăng trở lại. Thậm chí sau khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN giảm lãi suất, thủ tục vay vẫn phức tạp và chi phí phát sinh lớn, khiến nhiều người e ngại.
“Để kích thích và phục hồi đầu tư, lãi suất cho vay cần giảm thêm khoảng 2%/năm và cần có các điều kiện, thủ tục linh hoạt hơn”, Vars nhấn mạnh.
CHÂU ANH / VTC News