Hiện TP. HCM có khoảng 42.200 nhà trọ cho thuê kiểu chung cư mini. Hiểm họa cháy nổ ở một số chung cư dạng này rất lớn khiến câu chuyện quản lý đầu tư, xây dựng và vận hành loại hình này được đặt ra.
Cận cảnh nỗi lo “bà hỏa”
“Qua lời giới thiệu tìm người ở ghép, tôi tìm đến một khu trọ nằm trên Đường số 5 (P.Tân Tạo, Q. Bình Tân) tìm thuê. Công trình này là một ngôi nhà 6 tầng kiểu ống. Mỗi một lầu được chủ nhà chia thành 7 phòng và hiện có hơn 100 con người cùng chung sống. Với mức giá chỉ 2 triệu đồng ở ghép thì tôi cũng đành chấp nhận dù rất lo cháy nổ”, chị Minh Hòa, một công nhân ở quận Bình Tân tâm sự.
Còn anh Cao Hồng, ở phường An Lạc, quận Bình Tân cho hay, anh đã ở thuê vài năm nay trong khu nhà dạng này. Dù rất lo sợ nhưng phần lớn các chung cư mini cho thuê ở đây đều có thiết kế giống nhau đó là chỉ có một lối ra vào duy nhất là một cánh cửa rộng chừng 1,5m, luôn trong tình trạng chật kín xe cộ. Còn lại bốn bề của các khu trọ bị vây kín bởi tôn và lưới sắt B40, không có khoảng hở. Chỉ cần phát sinh sự cố hỏa họa, việc thoát hiểm đối với cư dân sẽ trở nên khó hơn bao giờ hết.
Khảo sát của phóng viên VietnamFinance cho thấy, hiện nay, tại TP. HCM, khu vực tập trung nhiều căn nhà trọ cho thuê kiểu chung cư mini là ở Quận Bình Thạnh (khu vực các phường 25, 26, 27…), Quận 4, Quận Tân Bình, Quận Bình Tân và Quận 12.
Các khu nhà ở cho thuê này là những căn nhà phố thông thường, được chủ kinh doanh cơi nới, đục phá, ngăn lại thành nhiều phòng ở mỗi tầng và trang trí đẹp mắt để cho thuê với mức phí cao hơn. Quan sát dễ dàng cho thấy, chủ nhà có mục tiêu xây cao tầng, mỗi tầng nhiều phòng để cho thuê.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn về PCCC đối với loại hình trên dường như lại không được chủ cơ sở và người thuê trọ thật sự quan tâm khi lối di chuyển giữa các tầng bên trong nhà trọ bị bít bùng bởi đồ đạc, xe cộ. Tầng hầm tối và hẹp, thiếu thiết bị PCCC.
Tệ hơn, một số khu chung cư cũ ở đường Ngô Gia Tự, đường Trần Nhân Tôn với toàn bộ các căn nhà gần như bị bịt kín bởi những lớp rào sắt như “chuồng cọp”. Khi sự cố hỏa hoạn xảy ra, “chuồng cọp” sẽ trở thành rào cản để người gặp nạn thoát thân và lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường.
Tại khu vực Quận 7, các khu nhà cho thuê dạng chung cư mini có vẻ được xây dựng cao cấp hơn. Tuy nhiên, mật độ xây dựng mỗi tầng khá cao, khoảng 10 phòng/tầng và có chiều cao 5-9 tầng. Đáng lo ngại là hàng trăm người ăn, ngủ, sinh hoạt, nấu nướng trong một không gian hẹp, chứa nhiều vật dụng gia đình dễ bắt cháy, đồng thời hầm để xe quá tải và thiếu kiểm soát, không bảo đảm an toàn PCCC cũng là nguyên nhân của nhiều vụ cháy tại chung cư mini dạng này.
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, hiện TP có khoảng 42.200 nhà trọ cho thuê kiểu chung cư mini. Loại hình này tương đương với mô hình nhà trọ xây dựng từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, lối đi, cầu thang chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng cho các hộ gia đình.
Xây chung cư cho thuê phải lập dự án đầu tư?
“Nút mở” cho chung cư mini bắt đầu bằng Luật Nhà ở 2014 cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị trong được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.
Nghị định 99/2015/NĐ-CP, tiếp tục quy định: “Đối với nhà ở riêng lẻ được xây dựng có từ hai tầng trở lên và tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng có từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng), có diện tích sàn tối thiểu mỗi căn hộ từ 30 m2 trở lên và nhà ở này đáp ứng các điều kiện về nhà chung cư quy định tại Khoản 2 Điều 46 của Luật Nhà ở thì được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.
Theo quy định của Luật Xây dựng 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì công trình nhà ở riêng lẻ được cấp Giấy phép xây dựng khi đáp ứng các điều kiện: Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất; Bảo đảm an toàn cho công trình; Đáp ứng yêu cầu về môi trường, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật; Có thiết kế tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong quá trình sử dụng…
Theo Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA), thời gian trước đây, Hiệp hội đã có đề xuất cần có sự thay đổi trong văn bản luật, liên quan tới chung cư mini.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đã từng gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở 2014, theo hướng sử dụng công cụ quy hoạch để hạn chế phát triển loại nhà ở đơn lẻ có nhiều phòng kiểu “chung cư mini”, “chung cư hộp diêm” tại khu vực nội thành.
Bên cạnh đó, pháp luật nên quy định các trường hợp xây dựng nhà riêng lẻ theo kiểu nhà “chung cư mini” nhằm mục đích kinh doanh, thì phải lập dự án đầu tư xây dựng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu xây dựng, cải tạo nhà ở riêng lẻ không nhằm mục đích kinh doanh thì không phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Đến nay, HoREA vẫn tiếp tục kiến nghị, tại Điều 57 trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định đối với nhà chung cư do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng trên nền nhà ở riêng lẻ, có từ 20 căn hộ trở lên thì mới lập dự án đầu tư. Nội dung này cần được bãi bỏ và không quy định số lượng căn hộ.
Ông Lê Hoàng Châu đề nghị: “Chúng tôi đề nghị tất cả nhà ở riêng lẻ được xây dựng thành nhà chung cư để bán, cho thuê hoặc thuê mua thì đều phải lập dự án đầu tư. Bởi vì nhà chung cư là một trong những đối tượng là nguồn nguy hiểm cao theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy vì đây là nơi tập trung đông người”.
Đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị tuân thủ quy định căn hộ nhỏ dưới 45m2 trong dự án nhà chung cư chỉ nên chiếm 25%. Tất cả nhà ở riêng lẻ đã được xây dựng chung cư mini đều phải lập thành dự án đầu tư để được quản lý một cách chặt chẽ từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư cho đến cấp phép xây dựng, công trình hạ tầng kỹ thuật… Như vậy mới có thể đảm bảo an toàn và các cơ quan chức năng dễ dàng kiểm tra, giám sát, tránh hiện tượng biến tướng.
Nam Phương / Vietnamfinance