Ngoài vốn ngân sách, quỹ nhà ở quốc gia sẽ huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển nhà ở xã hội cho thuê, không hỗ trợ xây nhà ở xã hội để bán.
Tại hội thảo: “Đầu tư phát triển nhà ở xã hội: Bối cảnh mới, cơ hội mới” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức chiều 27/5, bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết việc hình thành Quỹ nhà ở quốc gia ban đầu thiên nhiều về chính sách tài chính, nhưng sau đó quan điểm cho rằng quỹ này không đơn thuần làm nhiệm vụ cho vay, hỗ trợ vốn, hình thành nguồn tài chính…

“Nếu theo hướng này thì sẽ trùng lặp các chính sách hỗ trợ tài chính trong Luật Nhà ở hiện hành. Trong khi nguyên tắc dùng nguồn vốn Nhà nước là không trùng lặp nhiệm vụ chi. Do đó, một chính sách mà dự tháo Nghị quyết cần hướng đến và làm rõ là có nguồn lực để xây dựng quỹ nhà ở xã hội và nhà ở dành cho các đối tượng công chức, viên chức, người lao động, trong đó hướng tới một số đối tượng như lực lượng nhân lực trẻ dưới 35 tuổi”, bà Hạnh cho hay.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Quỹ nhà ở này ban đầu trình lên dành để cho thuê và cho thuê mua, song theo tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư và thảo luận tại hội trường của các Đại biểu quốc hội, đã hướng đến quỹ nhà ở xã hội do quỹ Nhà ở Quốc gia tạo lập ra và đầu tư xây dựng và chỉ nhắm đến một đối tượng cho thuê. Đây là phiên bản mới nhất Chính phủ gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quỹ Nhà ở sẽ dùng luân phiên, nếu đối tượng hưởng chính sách đáp ứng thì hưởng và thuê nhà ở, khi đủ điều kiện mua nhà ở thương mại thì chuyển ra ngoài và căn nhà đó dành cho đối tượng khác.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đã dành nhiều thời gian đề cập đến mô hình quỹ nhà ở trên thế giới để Việt Nam tiếp thu, áp dụng.
Theo ông Lực, thứ nhất, Chính phủ phải đóng vai trò tạo lập và quản lý Quỹ, giao cho một cơ quan thuộc Chính phủ vận hành; dẫn dắt, định hướng, quy định cách thức hoạt động của Quỹ (tạo lập nguồn vốn hoạt động, quy chế hoạt động, phân bổ nguồn vốn, đối tượng hỗ trợ…).

Thứ hai, vai trò của Quỹ là hỗ trợ nguồn lực tài chính (thông qua cho vay, bảo lãnh, giúp tiếp cận nhà ở với giá rẻ cho: xây dựng các dự án nhà ở giá phải chăng; thuê/mua nhà ở của người dân có nhu cầu; chi phí xây dựng hạ tầng…).
Thứ 3, nguồn vốn hoạt động đến từ 2 nguồn chính: vốn ngân sách Nhà nước với vai trò là “vốn mồi”, là nguồn vốn ban đầu; từ các chủ thể được hưởng lợi từ hoạt động của Quỹ (doanh nghiệp BĐS, người dân có nhu cầu mua nhà ở…).
Thứ 4, loại hình nhà ở được hỗ trợ là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá phải chăng (nếu đáp ứng một số tiêu chí nhất định). Xét theo mục đích sử dụng, Quỹ tài trợ cho cả nhà ở để bán và nhà ở cho thuê.
Thứ 5, đối tượng được hỗ trợ. Về phía cung, hỗ trợ các DN đầu tư xây dựng các dự án nhà ở (NOXH, nhà ở thương mại giá phải chăng), gồm cả các DN do Nhà nước thành lập và DN tư nhân; về phía cầu, hỗ trợ người dân có nhu cầu mua/thuê NOXH, nhà ở giá phải chăng (tập trung vào người yếu thế trong xã hội (thu nhập thấp…); người trẻ tuổi (mới tốt nghiệp, dưới 35 tuổi, độc thân, vợ chồng mới kết hôn…); người chưa có nhà ở…
Theo TS. Cấn Văn Lực, thiếu quỹ chuyên biệt cũng là một nguyên nhân khiến nguồn cung NOXH còn rất hạn chế (ngoài những nguyên nhân như quy trình, thủ tục, giá nhà ở tăng cao…)
Từ đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng Nhà nước cần khẳng định vai trò dẫn dắt, kiến tạo của Nhà nước trong mọi hoạt động của Quỹ như tạo lập nguồn vốn, định hướng hoạt động, quản lý quỹ.
Nghi Xuân / Vietnamfinance.vn