Đại học Harvard đã chính thức khởi kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump sau khi Bộ An ninh Nội địa Mỹ tuyên bố chấm dứt chứng nhận chương trình Sinh viên và Trao đổi Sinh viên (SEVP) của trường từ năm học 2025–2026. Quyết định này đe dọa quyền học tập của hơn 7.000 sinh viên quốc tế tại Harvard và được cho là một phần trong chiến dịch rộng lớn của chính quyền Tổng thống Trump nhằm kiểm soát các thể chế giáo dục độc lập.
Theo giờ địa phương ngày 23/5, thẩm phán liên bang Allison Burroughs, người được bổ nhiệm dưới thời Tổng thống Barack Obama, đã ban hành lệnh cấm tạm thời, ngăn chặn chính quyền Tổng thống Trump thực thi quyết định thu hồi quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế của Đại học Harvard.
Trong đơn kiện gửi lên Tòa án Liên bang tại Boston, Đại học Harvard mô tả hành động của chính phủ là “một sự vi phạm trắng trợn” Hiến pháp Mỹ và luật liên bang, gây ra “tác động tức thì và tàn khốc” cho trường đại học danh tiếng này.
Trường đại học Mỹ nhấn mạnh: “Chỉ với một nét bút, chính phủ đã cố xóa sổ một phần tư sinh viên của Harvard – những sinh viên quốc tế đóng góp to lớn cho trường và sứ mệnh của trường”.
Vụ kiện được Harvard đệ trình chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem công bố việc chấm dứt SEVP của Harvard. Bà Noem ra điều kiện Harvard có thể phục hồi chứng nhận nếu trong vòng 72 giờ cung cấp thông tin chi tiết về sinh viên quốc tế, bao gồm cả video hoặc bản ghi âm các hoạt động biểu tình của họ trong 5 năm qua.
Phía Harvard gọi điều kiện này là “đỉnh cao của sự tùy tiện” và phản bác rằng chính phủ đang lạm dụng quyền lực để trấn áp quyền tự do học thuật.

Quyền hiệu trưởng Alan Garber cũng lên tiếng chỉ trích quyết định của Nhà Trắng. Ông cho rằng: “Việc thu hồi này là một phần của chuỗi hành động trả đũa từ chính phủ nhằm buộc Harvard phải từ bỏ tính độc lập học thuật và phục tùng sự kiểm soát phi pháp của chính phủ liên bang đối với chương trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên và sinh viên Harvard”.
Theo giới quan sát, động thái của chính quyền Mỹ không chỉ nhắm vào Harvard mà còn là một phần trong chiến dịch sâu rộng nhằm buộc các tổ chức có truyền thống độc lập như các trường đại học, hãng luật và tòa án phải tuân theo chương trình nghị sự mang màu sắc chính trị của ông Trump.
Trước đơn kiện và những cáo buộc từ phía Đại học Harvard, người phát ngôn Nhà Trắng Abigail Jackson đã nhanh chóng bác bỏ đơn kiện của Harvard, tuyên bố: “Nếu Harvard quan tâm đến việc chấm dứt chủ nghĩa chống Mỹ, bài Do Thái và khủng bố trong khuôn viên trường, họ đã không rơi vào tình cảnh này”.
Bà nói thêm: “Harvard nên tập trung tạo ra môi trường học tập an toàn thay vì lãng phí thời gian vào những vụ kiện vô căn cứ”.
Tuy nhiên, nhiều hãng luật lớn như WilmerHale, Susman Godfrey, Paul Weiss và Skadden Arps đã lên tiếng ủng hộ Harvard. Một số hãng còn cam kết hỗ trợ pháp lý miễn phí để bảo vệ quyền tự do học thuật và sinh viên quốc tế.
Vụ kiện giữa Harvard và chính quyền Tổng thống Trump đang trở thành biểu tượng cho cuộc đối đầu giữa quyền lực hành pháp và nền giáo dục độc lập. Trong bối cảnh bầu không khí chính trị ngày càng căng thẳng và phân cực, kết quả của vụ kiện sẽ không chỉ quyết định số phận của hàng ngàn sinh viên quốc tế, mà còn đặt ra tiền lệ quan trọng cho quyền tự chủ học thuật và tự do học thuật tại Mỹ.