Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2023giữ ổn định về phương thức như năm 2023. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (sau đây gọi tắt là Kỳ thi) được tổ chức vào các ngày 28,29/6/2023.
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH, PHỐI HỢP
Bộ GDĐT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 29/5/2023 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023; thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, phân công trách nhiệm cho các thành viên Ban Chỉ đạo; ban hành đầy đủ, kịp thời hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi. Bộ cũng đã chủ động gửi công văn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành và cơ quan liên quan thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chỉ đạo chuẩn bị, tổ chức tốt Kỳ thi. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh và các văn bản hướng dẫn; xây dựng kế hoạch tổ chức thi sát thực tế, bảo đảm rõ người, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm và thời gian thực hiện.
Ngay sau khi kết thúc ngày thi đầu tiên, Bộ GDĐT đã ban hành Công điện số 1111/CĐ-BGDĐT về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn Kỳ thi gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường phòng chống, việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử.
2. Bộ GDĐT đã rà soát ma trận đề thi, xây dựng và công bố đề thi tham khảo, giúp giáo viên, học sinh các cơ sở giáo dục học tập, ôn luyện chuẩn bị tham gia Kỳ thi đạt kết quả tốt; hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi phục vụ ra đề thi cho kỳ thi; rà soát, hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thi và tuyển sinh bảo đảm phục vụ tốt công tác quản lý, tổ chức Kỳ thi.
3. Bộ GDĐT đã tổ chức các Hội nghị tập huấn để quán triệt quy chế thi, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra, kiểm tra thi; sử dụng phần mềm quản lý thi. Đồng thời hướng dẫn và yêu cầu các địa phương triển khai tổ chức tập huấn nghiệp vụ thường xuyên, đầy đủ và kỹ lưỡng cho các đối tượng thí sinh và những người tham gia tổ chức thi, thanh tra, kiểm tra Kỳ thi; đề nghị Bộ Công an phối hợp, hỗ trợ công tác tập huấn kỹ năng phát hiện các thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử, nghiệp vụ coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra.
4. Các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Công an, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã tích cực phối hợp triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các khâu tổ chức Kỳ thi và các hoạt động liên quan đến Kỳ thi.
5. Dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương đã đồng hành với ngành Giáo dục tích cực đưa tin, phản ánh kịp thời các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ GDĐT và công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tại các địa phương; giải đáp các băn khoăn thắc mắc và đăng tải kịp thời những thông tin cần thiết để tạo được sự đồng thuận của xã hội và giúp giáo viên, học sinh yên tâm tham dự Kỳ thi.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Thực hiện nghiêm túc việc hoàn thành chương trình kế hoạch năm học 2022-2023 và tổ chức ôn tập cho học sinh
Các địa phương chỉ đạo hoàn thành chương trình lớp 12 và tạo mọi điều kiện cho thí sinh từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn chuẩn bị dự thi với nhiều phương thức như hỗ trợ thí sinh ôn tập. Đây là những việc làm thể hiện tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các thầy cô giáo đối với việc chuẩn bị các điều kiện tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh.
2. Tổ chức đăng ký dự thi thuận lợi, kịp thời
Kỳ thi năm nay, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023, với gần 95% số lượng thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến. Trong các ngày đăng ký dự thi, hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định; việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra bình thường, cơ bản thuận lợi, bảo đảm cơ sở dữ liệu thi chính xác, góp phần quan trọng để tổ chức Kỳ thi khách quan, công bằng.
3. Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát
a) Hoạt động kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi: Công tác kiểm tra chuẩn bị thi được các lãnh đạo Bộ GDĐT đã được triển khai sớm, thực hiện liên tục, xuyên suốt từ ngày 12/6 đến ngày 27/6/2023. Công tác thanh tra, kiểm tra quá trình chuẩn bị, tổ chức thi được tăng cường với tinh thần phối hợp, cộng đồng trách nhiệm để bảo đảm tổ chức Kỳ thi nghiêm túc, an toàn. Các địa phương đã thành lập các đoàn thanh tra/kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại địa phương. Đã thành lập 05 Đoàn của Ban Chỉ đạo và Lãnh đạo Bộ làm việc tại các địa phương, đại diện vùng, miền. Cùng với các đoàn này, Bộ GDĐT đã thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 tỉnh. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã xây dựng để triển khai Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu tổ chức Kỳ thi tại địa phương. Thông qua hoạt động kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi, lãnh đạo Bộ GDĐT đã chỉ đạo các địa phương, các Hội đồng thi khắc phục kịp thời những bất cập, thiếu sót để bảo đảm thực hiện nghiêm túc Quy chế, quy định trong tổ chức Kỳ thi, nhất là tạo mọi điều kiện cho các thí sinh tham gia Kỳ thi đạt kết quả tốt nhất.
b) Hoạt động kiểm tra công tác coi thi: Tại các địa phương, tổ chức 63 đoàn thanh tra công tác coi thi tại các điểm thi. Bộ GDĐT đã chuẩn bị lực lượng cán bộ, viên chức của cơ sở giáo dục đại học với tổng số 135 cơ sở giáo dục đại học, 6562 người tổ chức được tập huấn đầy đủ và kiểm tra đạt yêu cầu để bố trí tham gia các đoàn kiểm tra của Bộ GDĐT theo đúng hướng dẫn số 2158/BGDĐT-TTr ngày 15/5/2023 của Bộ GDĐT hướng dẫn thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trên cơ sở đó, Bộ GDĐT đã thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi tại 63 Sở GDĐT và Hội đồng thi. Các đoàn kiểm tra coi thi đã xây dựng kế hoạch tiến hành kiểm tra và phân công cán bộ kiểm tra theo đúng quy định, tiến hành kiểm tra tại tất cả các điểm thi trên toàn quốc. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đoàn kiểm tra đã kịp phát hiện những bất cập, hạn chế và vi phạm, báo cáo Tổ trực thanh tra của Bộ để xin ý kiến Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia xử lý theo quy định.
Trong những ngày diễn ra công tác coi thi, các Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo và của Bộ trưởng GDĐT đã đi kiểm tra trực tiếp tại các địa phương.
c) Hoạt động thanh tra/kiểm tra công tác chấm thi: Tại các địa phương, tổ chức 63 đoàn thanh tra công tác chấm thi tại các Hội đồng chấm thi. Bộ GDĐT đã chuẩn bị lực lượng cán bộ, viên chức 76 cơ sở giáo dục đại học và 63 Sở GDĐT với số lượng 158 người được tổ chức tập huấn đầy đủ và kiểm tra đạt yêu cầu để bố trí tham gia các đoàn kiểm tra công tác chấm thi tại 63 Sở GDĐT và Hội đồng thi, trong suốt quá trình chấm thi. Hiện các đoàn đã xây dựng kế hoạch tiến hành kiểm tra và đang chuẩn bị sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ ngay sau khi công tác coi thi kết thúc và theo lịch chấm thi của các địa phương.
4. Công tác ra đề và in sao, vận chuyển, giao nhận, bảo quản và sử dụng đề thi đúng quy định bảo đảm bảo mật, an toàn
Hội đồng ra đề thi thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GDĐT hiện nhiệm vụ đúng kế hoạch, ra đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi được bảo mật từ khâu ra đề thi đến in sao bảo quản. Đề thi gốc được bàn giao cho các Hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời, rõ ràng, bảo đảm số lượng. Các Sở GDĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác in sao, vận chuyển, bàn giao đề thi để tổ chức thi tại địa phương. Việc bảo quản và sử dụng đề thi tại các Điểm thi bảo đảm an toàn, bảo mật theo đúng quy định.
5. Công tác phòng chống gian lận công nghệ cao
Công tác phòng chống gian lận công nghệ cao đã được quán triệt tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT và là một trong những nội dung trọng tâm được tập huấn từ Trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình coi thi, cá biệt còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi. Trong đó có việc 02 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề thi. Hình ảnh sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội và báo chí. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ GD ĐT đã đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ xác minh làm rõ và đình chỉ 02 thí sinh trên. Hiện Cục An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục làm rõ những vấn đề khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức Kỳ thi.
6. Hỗ trợ thí sinh tham dự Kỳ thi
Ban Chỉ đạo các cấp đặc biệt quan tâm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh , Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở các địa phương đã tích cực triển khai chương trình “Tiếp sức mùa thi”, tham gia đảm bảo an ninh, an toàn và hỗ trợ thí sinh dự thi.
Các địa phương đều có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong các ngày thi; đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau, không tự viết bài được cũng đã được tạo điều kiện để có thể tham dự Kỳ thi. Các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo, vũng bị ngập lụt đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia Kỳ thi.
7. Số liệu chung của Kỳ thi
a) Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là: 1.024.063. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 968.160, chiếm 94,42%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.104, chiếm 5,58%. Tổng số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 47.769, chiếm 4.66%. Tổng số thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 34.155, chiếm 3.33%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Tự nhiên là 323.187, chiếm 31,52%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Xã hội là 566.921, chiếm 55,30%.
b) Tổng số Điểm thi: 2.272; tổng số phòng thi: 43.032. Các Điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.
c) Tổng số thí sinh dự thi: 1.012.398 đạt tỷ lệ 98,86% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, môn Ngữ văn: 99,65 %; Toán: 99,63%; Khoa học Tự nhiên: 99.72%; Khoa học Xã hội: 99,62% ; Ngoại ngữ: 99.61%;
d) Số thí sinh vi phạm Quy chế thi: 41 thí sinh bị đình chỉ thi (Ngữ văn: 12 thí sinh, Toán: 4 thí sinh; Khoa học tự nhiên: 11 thí sinh; Khoa học xã hội: 11 thí sinh; Ngoại ngữ: 03 thí sinh. Trong đó có 01 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi).
đ) Số cán bộ coi thi dừng thực hiện nhiệm vụ: 06 cán bộ.
e) Cán bộ, thí sinh chủ động phát hiện các thiết bị công nghệ cao (điện thoại, đồng hồ thông minh…): 40 trường hợp. Đặc biệt, có 01 thí sinh tại Vĩnh Phúc đã phát hiện và báo giám thị về 01 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.
8. Công tác coi thi được thực hiện nghiêm túc bảo đảm trật tự, an toàn
Theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi của Kỳ thi tại tất cả các Điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Số liệu thống kê theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả Kỳ thi có 41 thí sinh vi phạm Quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không có cán bộ nào vi phạm Quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
9. Đánh giá sơ bộ
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các Điểm thi bảo đảm nghiêm túc, đúng Kế hoạch.
Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng có sự phân hóa phù hợp đạt mục đích làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp phổ thông và cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh.
Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các Điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỳ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi. Do Kỳ thi được triển khai trên diện rộng, với sự tham gia của hơn một triệu thí sinh nên không tránh khỏi những tình huống phát sinh cần xử lý. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của Quy chế thi, bảo đảm tính nghiêm minh của Kỳ thi.
III. CÔNG VIỆC THỜI GIAN TỚI
1. Bộ GDĐT:
a) Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nghiệp tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành Giáo dục Mầm non năm 2023.
b) Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và các đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GDĐT sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở các Hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra hoạt động này để tăng cường tính nghiêm minh của công tác chấm thi.
2. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GDĐT, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.
b) Tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng; đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi.
c) Triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh bảo đảm đúng quy chế; trong đó, tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
3. Các cơ sở giáo dục đại học:
a) Tiếp tục phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các khâu chấm thi của Kỳ thi theo kế hoạch và điều động của Bộ GDĐT.
b) Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh ngay sau kết thúc Kỳ thi: Cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh của trường; kịp thời hỗ trợ thí sinh trong việc giải đáp các thông tin liên quan đến tuyển sinh; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho công tác xét tuyển; vận hành tốt các phần mềm tuyển sinh; xây dựng các giải pháp phù hợp với thực tế của đơn vị để tuyển sinh thuận lợi và hiệu quả.
Kết quả bước đầu trong công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có được nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành: Công an, Y tế, Thanh tra Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự vào cuộc đưa tin chính xác, kịp thời của các cơ quan truyền thông, báo chí.
Trong thời gian tới, ngành Giáo dục mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo; đồng thời, tiếp tục nhận được sự đồng thuận và tham gia, phối hợp cùng trách nhiệm, giám sát của toàn hệ thống chính trị để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức thành công, đáp ứng mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện hiệu quả lộ trình đổi mới thi, đánh giá chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế./.
P.V / Thị Trường Giao Dịch