Dựa theo dấu mốc lịch sử có thật tại Hàn Quốc, “Bước Chân Thép” (Road to Boston) mang đến cho khán giả một góc nhìn khác lạ về thời huy hoàng đã trôi vào hoài niệm. Bởi cái hay của bộ phim chính là nguồn cảm hứng sống mạnh mẽ và ý chí vươn lên mà bất kỳ ai cũng cần có trong đời.
“Bước Chân Thép” lấy bối cảnh những năm 1936 – 1947 tại Hàn Quốc. Đây là thời điểm xứ sở Kim Chi vẫn chưa được định danh trên bản đồ thế giới, mà thuộc quyền cai trị của Nhật Bản. Đây cũng là thời điểm người dân Hàn Quốc thể hiện ý chí vươn lên và không ngừng tìm kiếm cơ hội khẳng định giá trị khác biệt cho đất nước của mình. Vào năm 1936, người dân Hàn Quốc chứng kiến một niềm vinh quang trong bóng tối, mà ai từng trải cũng mang trong lòng một cảm xúc xen lẫn giữa phấn khởi và đau lòng. Đó là người anh hùng với những bước chân thép mang tên SON Kee-chung.
“Bước Chân Thép” là thước phim khắc họa rõ nét hành trình khẳng định hào quang chiến thắng của con người Hàn Quốc trong thời bị trị.
Bộ phim dựa trên câu chuyện cuộc đời của SON Kee-chung (HA Jung-woo thủ vai), vận động viên giành huy chương vàng marathon Thế vận hội Berlin năm 1936. Từng được xem là viên ngọc quý trong làng thể thao Hàn Quốc, nhưng thành công đầu đời lại khiến cho SON Kee-chung mang trong lòng một nỗi ám ảnh về bộ môn marathon. Năm 1936, dù nhận huy chương vàng, vượt qua hàng trăm vận động viên toàn cầu, nhưng ông được cả thế giới ngả mũ dưới cái tên Nhật Bản là SON Kitei. Khi đứng trên bục sáng vinh quang, SON Kee-chung nhận thức được sự khao khát mạnh mẽ bên trong mình và thể thao chính là thể hiện tài năng, cũng như khẳng định tiếng nói của con người Hàn Quốc. Sự đấu tranh cho đất nước mình đã khiến SON Kee-chung lọt vào danh sách cấm tham dự thế vận hội và các cuộc thi thể thao trong suốt 10 năm tiếp theo.
Từ một người đầy hy vọng vào cuộc sống, SON Kee-chung đã có 10 năm sống thật khó khăn khi tự mình chối bỏ sứ mệnh của bản thân trong thể thao.
Khoảnh khắc bước ngoặt thay đổi cuộc đời của SON Kee-chung và đất nước Hàn Quốc chính là cuộc gặp gỡ giữa ông, người bạn thi đấu cùng thời NAM Seung-ryong (BAE Seong-woo) và hậu bối SUH Yun-bok (YIM Si-wan). Từ một người đầy kinh nghiệm trong bộ môn Marathon, SON Kee-chung nhìn thấy được tài năng thiên bẩm của hậu bối từ chính những trải nghiệm cuộc sống, cũng như ý chí cố gắng đầy mạnh mẽ của Nam Sung-yong. Tại quê nhà, SON Kee-chung lựa chọn trở thành huấn luyện viên môn Marathon và cùng hai người bạn đồng hành phát triển tài năng sẵn có. SON Kee-chung biết rằng hào quang từng bị lấp mờ cần được vụt sáng nhờ những thế hệ hậu bối có cùng sứ mệnh và lý tưởng sống như ông.
Những giọt mồ hôi và cố gắng của cả ba vận động viên Marathon Hàn Quốc đã thắp đầy ngọn lửa nhiệt huyết khi được cả đất nước đồng lòng ủng hộ tham gia Boston Marathon năm 1947. Đây cũng chính là năm Hàn Quốc tiếp tục giành được ngôi vị cao nhất và bộ ba SON Kee-chung, Nam Sung-yong và SUH Yun-bok trở thành một tượng đài thép của cả thế giới trong bộ marathon.
Theo dõi “Bước Chân Thép”, những hơi thở và giọt mồ hôi khiến khán giả thấm đẫm ý nghĩa về cuộc sống của người trưởng thành.
Tưởng chừng là một bộ phim lịch sử kén người xem, “Bước Chân Thép” lại mang đến nhiều điểm thu hút hơn trong lòng khán giả. Điểm sáng đầu tiên chính là khả năng phục dựng bối cảnh khiến Hàn Quốc thời xưa giữ nguyên vẹn sự hào hùng của thiên nhiên, sự chất phác trong mỗi con người. Chúng ta có thể thấy được chính mình của những giây phút khó khăn cùng hai bàn tay trắng. Sự nỗ lực và niềm tin tích cực vào ngày mai khiến cho con người có thể vui vẻ mỉm cười mà sống tốt, cũng như lau khô nước mắt và mồ hôi mà trưởng thành mạnh mẽ hơn mỗi ngày.
Bên cạnh đó, câu chuyện về hào quang chiến thắng của SON Kee-chung và SUH Yun-bok cho khán giả cảm xúc tích cực hơn, đặc biệt là những ai đang chùn bước trước những khó khăn trong sự nghiệp, theo đuổi ước mơ. Chúng ta dễ dàng buộc tội chính bản thân và quên mất những nỗ lực, sự cố gắng mà mình từng trải. Nhưng hơn ai hết, chỉ riêng chúng ta hiểu rõ bản thân đã cố gắng đến mức nào và cảm xúc bên trong mình ra sao. Ba anh hào thể thao của xứ sở Kim Chi xuất hiện trên màn ảnh rộng không chỉ là nhân vật lịch sử, mà còn là chúng ta của những lần vấp ngã trong đời mà rơi vào bế tắc. Hào quang cuối cùng được công nhận trong bộ phim chỉ để cho khán giả một thông điệp đơn giản nhưng đắt giá về sự thất bại. Đó chính là, những điều chúng ta muốn nhưng không có được ngày hôm qua, không phải vì chúng ta không xứng đáng, mà là vì chúng ta đang chờ đợi một điều xứng đáng hơn trong tương lai.
Khó khăn và thất bại trong cuộc sống, mỗi người đều khác nhau nhưng chắc chắn cảm xúc là điều dễ dàng thấu cảm.
Thấu cảm cho nhân vật trong bộ phim “Bước Chân Thép” chính là lúc khán giả có thể dễ dàng soi chiếu và cho mình động lực sống mạnh mẽ hơn.
“Bước Chân Thép” đang là bộ phim lịch sử Hàn Quốc nhận được nhiều lời khen và sự công nhận từ khán giả quốc tế. Các nhà phê bình, trang đánh giá phim ảnh hàng đầu ở toàn cầu cũng không ngớt lời khen ngợi và ghi nhận giá trị nhân văn mà “Bước Chân Thép” mang đến. Khán giả Việt Nam có thể trải nghiệm bộ phim tại các cụm rạp trên toàn quốc từ ngày 20.10.2023.
Hương An / Điện Ảnh