Trong tập 10 của của Series Why Call Me By Fire?, những phần tập luyện và tổng duyệt đầy căng thẳng của các Anh Tài cho Công diễn 4 được chương trình lần đầu công bố. Vì mỗi Nhà phải chuẩn bị 3 tiết mục cho đêm Công diễn này nên sự mệt mỏi và những “chông gai” là điều không thể tránh khỏi.
Bùi Công Nam khuyên Kay Trần đừng nên cố gắng hát “đẹp” mà phải hát thật cảm xúc
Tiết mục song ca Chuyện nhà bé thôi, con đừng về (st: Kai Đinh) của Kay Trần, Bùi Công Nam ở Nhà Chín Muồi đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả và các Anh Tài khi đã khơi lên giá trị, tình cảm to lớn của gia đình qua cách kể chuyện xúc động.
Với kinh nghiệm đã sáng tác và hát nhiều ca khúc về chủ đề gia đình, Bùi Công Nam khuyên Kay Trần đừng cố gắng hát “đẹp” mà phải hát thật cảm xúc. “Về phần hát, không quan tâm đến chuyện phải hát cho đẹp mà bạn phải là nhân vật của câu chuyện đó. Đôi lúc không cần phải ngân rung giọng cho đẹp câu chữ. Đôi khi bạn hụt hơi cũng được nhưng mà nó phải cảm xúc”, Bùi Công Nam bày tỏ.
Chia sẻ thêm về những khó khăn trong tiết mục song ca này, Kay Trần bày tỏ vì đây là một bài hát thiên về cảm xúc nên phần dàn dựng sẽ rất đơn giản, chính vì đơn giản quá lại là cái khó cho biên đạo và chính bản thân anh. Anh nói: “Thật ra thì bài này cũng nghiêng về cảm xúc nên tất cả mọi thứ dàn dựng sẽ khá đơn giản nhưng mà càng đơn giản lại càng khó. Tại vì phải chân thật, phải nhiều cảm xúc, cũng là một bài toán khá khó dành cho biên đạo với bản thân mình”.
Khác với lo lắng của Kay Trần ở phần biên đạo và dàn dựng tiết mục, Bùi Công Nam lại cảm thấy rất tự tin vì những động tác trong tiết mục này không làm khó được anh. “Lần nhảy đương đại này thì Nam cảm thấy cũng không quá khó với Nam. Ví dụ nhảy những động tác nhanh mà phải đều thì lại khó. Nhẹ nhàng, dịu dàng uyển chuyển hơi popping thì mình dễ học hơn”, Bùi Công Nam bộc bạch.
Ở tiết mục song ca của Nhà Trẻ, 2 “anh chàng độc thân” Quốc Thiên và Rhymastic đã cho khán giả thưởng thức một không gian cảm xúc mới của Đêm cô đơn (st: Trung Kiên) với không khí vui tươi và “tưng bừng” hơn so với bản gốc có nhịp điệu chậm rãi, mang nhiều nỗi buồn thường thấy.
Quốc Thiên chia sẻ vì là lần đầu hát thể loại nhạc này nên anh khá lo lắng. Còn Rhymastic thì lại “tá hỏa” vì thời gian trôi quá nhanh, khiến anh và Quốc Thiên không có nhiều thời gian để tập luyện vũ đạo.
“Gần đến sát nút rồi thì mới tá hỏa lên, thấy thời gian trôi hơi nhanh so với mình tưởng. Hai anh em cuống cuồng, gấp rút để tập luyện, tập cả vũ đạo và dàn dựng. Khi mà đã hoàn thiện về phần âm nhạc thì bọn mình cảm thấy đây là một tiết mục rất ưng ý đối với hai anh em và chỉ cần 2 người thể hiện phần âm nhạc tròn trịa, toàn bộ thời gian còn lại chủ yếu để hai anh em tập trung dàn dựng về vũ đạo, làm những điệu nhảy chung, làm những động tác cùng nhau rồi tuyến đi cho đồng đều, đồng bộ”, Rhymastic lo lắng nói.
12H03 (st: APJ) là tiết mục song ca của Cường Seven và (S)TRONG Trọng Hiếu đến từ Nhà Cá Lớn. Cường Seven đã bày tỏ anh và (S)TRONG Trọng Hiếu có vài điểm trái ngược nhau khi làm việc, nhưng chính những điều này khi dung hòa với nhau lại giúp cho cả 2 tốt lên.
Cường Seven chia sẻ: “Mình thích làm cái mới nhưng mà mình thích sự chắc chắn. Cường tính theo timeline từ lúc đưa ra idea cho đến lúc thực hiện có khả thi hay không. Ưu điểm của (S)TRONG là có thể thay đổi ngay tức khắc. Có nghĩa là (S)TRONG yêu cầu động tác khó, (S)TRONG muốn đổi luôn, mai diễn cũng được mà phải đổi thử. Hai cái đấy dung hòa với nhau vô hình chung giúp cho Cường tốt lên và (S)TRONG cũng tốt lên. Mình phải vượt qua được giới hạn của bản thân mình. Mình bỏ qua được những cái chắc chắn thì nó sẽ sáng tạo”.
Chia sẻ thêm về “tham vọng” khi mang đến một tiết mục đúng nghĩa performance trên sân khấu Công diễn 4 của chương trình, (S)TRONG Trọng Hiếu nói: “Chúng mình muốn tạo ra một phần trình diễn đỉnh cao về hát và nhảy. Tạo ra một phần trình diễn khi mà chúng mình già đi, có cháu, có chắt thì mình sẽ kể cho các cháu, các chắt nghe”.
BB Trần: ‘Dòng nhạc dân gian rất khó. Khi mình muốn trình diễn hoặc muốn hát, mình phải tìm hiểu về nó’
Đến với các tiết mục nhóm, tiết mục Chiếc khăn piêu (nhạc: Phát triển dân ca Xá, lời: Doãn Nho) mang đậm chất dân ca vùng núi Tây Bắc của Nhà Cá Lớn với sự hỗ trợ của nghệ sĩ sáo mèo Đinh Nhật Minh đã thổi một màu sắc mới hào hùng hơn nhưng vẫn giữ được cái hồn tình tứ đậm đà phong vị Tây Bắc của ca khúc.
SOOBIN dành nhiều lời khen và sự ngưỡng mộ cho vị khách mời trẻ tuổi này. Anh nói: “Vì Đinh Nhật Minh còn trẻ cho nên hòa nhập với anh em rất dễ. Về khả năng của bạn ấy thì quá đỉnh rồi. Bạn ấy thổi những nốt đầu tiên là mình đã rất mê. Mình rất yên tâm về phần chuyên môn. Mình chỉ lo về phần dàn dựng. Dù là nghệ nhân nhưng họ vẫn phải được tôn trọng. Mình cũng hơi lo vì không biết Minh sẽ trình diễn như thế nào có fit vào đội hình 8 người của anh em cùng với vũ công hay không”.
Điểm nhấn trong tiết mục Chiếc khăn piêu chính là hình ảnh Thanh Duy và Jun Phạm “bay lượn” trên cao mà không đeo bất kỳ đai bao hộ nào. Chia sẻ về quyết định mạo hiểm này, Thanh Duy bày tỏ cả hai đều bị thương ở cổ tay khi dây lụa siết chặt. NSND Tự Long đã rất lo lắng cho phần trình diễn mạo hiểm này của cả hai.
“Khác với những đu bay khác, mọi người có đai bảo hộ, dây cáp rất chắc chắn. Duy với Jun sẽ quấn một cái lụa vào trong tay và kéo bay ở trên. Nó siết vào cổ tay mình và mình sẽ bị treo trong hết cái đoạn hát đó rồi mình mới đáp xuống. Duy với Jun không có nhiều thời gian để tập luyện kỹ nên 2 đứa đều bị thương. Hôm qua lúc chạy sân khấu thì phần đu của Duy không được suôn sẻ cho lắm. Anh Tự Long cũng rất lo lắng cho 2 đứa. Anh cũng bày ra những chi tiết để việc bay của 2 đứa hợp lý hơn”, Thanh Duy tâm sự.
Với tiết mục Mưa trên phố Huế (st: Minh Kỳ, Tôn Nữ Thụy Khương), Nhà Chín Muồi nỗ lực hết mình để mang đến không gian đậm chất Huế như kết hợp nghệ thuật múa chén, Nhã nhạc cung đình Huế, hình ảnh nón lá, tà áo dài thướt tha…
Mưa trên phố Huế trở thành thử thách với nhóm Anh Tài ở độ tuổi 9x, khi mà trong thời gian ngắn, các nam nghệ sĩ trẻ này phải luyện hát sao cho ra đúng chất giọng của người Huế. Không chỉ vậy, việc dàn dựng sân khấu cũng là một trong những bài toán khó của Nhà Chín Muồi.
“Phần dàn dựng là một trong những cái mà Minh cảm thấy không chỉ thương tất cả các anh trong nhóm mà thương cả biên đạo. Lần này phần nhạc vô cùng phức tạp. Bài này mới đầu vô nó trầm, xong rồi nó nhanh, rồi lại trầm. Cái khó đó nó dẫn tới việc phải có rất nhiều sự thay đổi. Đạo cụ cũng rất nhiều: đàn, chén, múa lụa… Trong cuộc chơi này, chông gai của chúng tôi ngày càng tăng lên”, Thiên Minh chia sẻ.
Bên cạnh đó, để có thể đưa dòng nhạc dân gian đến gần với các khán giả trẻ hơn, Nhà Chín Muồi cũng phải làm lại nhạc, khi kết hợp những giai điệu hiện đại vào bản phối mới của bài hát này nhưng vẫn phải giữ được tinh thần của bài hát. “Bài Mưa trên phố Huế là một bài đã quá quen thuộc rồi. Lãng mạn, một xíu buồn man mác. Chín Muồi muốn mang đến một năng lượng hiện đại hơn để mình có thể giao thoa mới hơn và gần gũi hơn với giới trẻ hiện nay, nên Nhà Chín Muồi có sự kết hợp với âm nhạc hiện đại mà vẫn giữ được tinh thần dân tộc, dân gian”. Kay Trần nói.
Cũng cùng suy nghĩ như các anh em trong nhóm. BB Trần nhận định dòng nhạc dân gian rất khó hát và khó để có thể truyền tải trọn vẹn ý nghĩa và cảm xúc của bài hát. “Dòng nhạc dân gian rất khó. Khi mà mình muốn trình diễn hoặc muốn hát, mình phải tìm hiểu về nó. Tìm hiểu về xuất xứ, cách người ta trình diễn, lúc đó mình mới tập luyện theo”, BB Trần tâm sự.
Kiếp nạn của Nhà Chín Muồi còn nằm ở việc thổi sáo khi các Anh Tài lần lượt bỏ cuộc vì không thể chinh phục được nhạc cụ “khó nhằn” này. “Có một cái rất tréo ngoe, ban đầu Neko chọn thổi sáo, nhưng mà tập xong thì Neko bỏ cuộc tại vì nó khó quá, thì thôi chắc để BB làm. Tập được 1 ngày, BB nói là không có khả năng, đó là điều không thể. Violin mình bỏ ra 2 tháng chỉ tập một đoạn 15-20 giây thôi. Còn thổi sáo tập trong 3 ngày làm sao mà tập được. BB thổi tới mức chóng mặt, xây xẩm, nhức đầu vẫn không thổi được. Bùi Công Nam thấy BB bỏ cuộc rồi Bùi Công Nam cũng thử sức với sáo và kết quả Bùi Công Nam chọn đàn nguyệt chứ không thổi sáo được. BB
nghĩ thật ra khó không có nghĩa là không làm được, nhưng mình phải có thời gian. Nếu như cho BB 1 tuần hoặc 2 tuần BB có thể làm được”, BB Trần kể lại “chông gai” của nhà Chín Muồi.
Trong quá trình tập luyện tiết mục “Đào liễu”, Duy Khánh đã dễ dàng vượt qua được “chông gai” mang tên vũ đạo khi có sự giúp sức của thủ lĩnh Đinh Tiến Đạt. Anh bày tỏ nhờ có sự hướng dẫn của nam rapper mà những động tác khó anh có thể chinh phục được.
“Trong nhóm Khánh có một nhóm trưởng rất tuyệt vời đó là anh Đinh Tiến Đạt. Có những cái biên đạo rất khó để trình bày cũng như chia sẻ để mình hiểu được những cái động tác, những cái biên độ đó thì anh Đinh Tiến Đạt: ‘Rồi ok anh nắm rồi, để anh hướng dẫn lại’. Anh hướng dẫn là mình hiểu liền, anh Tiến Đạt ngoài là rapper, ca sĩ thì anh còn có thêm khả năng sư phạm. Cũng nhờ anh Đinh Tiến Đạt nên mình không cảm thấy ‘khoai’ lắm trong phần nhảy nhót”, Duy Khánh dành nhiều lời khen cho Đinh Tiến Đạt.
Tập 11 của chương trình truyền hình thực tế Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai 2024 sẽ tiếp tục lên sóng vào lúc 20g trên VTV3, 20g30 trên Youtube YeaH1 Entertainment ngày 21/09/2024.
Ly Ly / Văn Hoá