Các băng nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á đang mở rộng các hoạt động lừa đảo sinh lời của mình ra toàn cầu để đối phó với làn sóng trấn áp ngày càng gia tăng của chính quyền, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc được công bố ngày 21/4.
Trong nhiều năm qua, các khu phức hợp lừa đảo đã gia tăng mạnh ở Đông Nam Á, đặc biệt là tại các khu vực biên giới của Campuchia, Lào và Myanmar, cũng như ở Philippines. Các băng nhóm này thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động để luôn đi trước lực lượng cảnh sát một bước.

Các mạng lưới tội phạm này đã chiếm đoạt hàng tỷ USD từ nạn nhân thông qua các chiêu trò lừa đảo tình cảm, lời mời gọi đầu tư giả và các chương trình cờ bạc phi pháp. Gần đây, chúng đã mở rộng hoạt động đến tận châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Theo báo cáo do Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) công bố, các tổ chức tội phạm châu Á đang ngày càng đẩy sâu hoạt động vào các khu vực hẻo lánh với mức độ thực thi pháp luật lỏng lẻo, dễ trở thành mục tiêu bị thâm nhập.
UNODC ước tính rằng hàng trăm trung tâm lừa đảo với quy mô lớn đã thu về lợi nhuận hàng năm gần 40 tỷ USD.

Các trung tâm lừa đảo do người châu Á điều hành đã bị phát hiện hoạt động ở châu Phi, Nam Á, Trung Đông và một số đảo Thái Bình Dương, cùng với các hoạt động liên quan như rửa tiền, buôn người và tuyển dụng bị phát hiện ở châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ.
Tại Châu Phi, Nigeria đã trở thành một “điểm nóng”, với các cuộc đột kích của cảnh sát vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025 dẫn đến nhiều vụ bắt giữ, bao gồm cả công dân Đông Á và Đông Nam Á bị tình nghi tham gia vào các vụ lừa đảo tiền điện tử và tình cảm.
Zambia và Angola cũng đã triệt phá các đường dây lừa đảo mạng có liên quan đến các nhóm châu Á.

Ở khu vực Mỹ Latinh, Brazil đang nổi lên là một quốc gia đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến gian lận công nghệ cao, cờ bạc trực tuyến và rửa tiền – với nhiều đầu mối liên kết đến các nhóm tội phạm hoạt động tại Đông Nam Á.
Báo cáo cũng ghi nhận vào cuối năm 2023, tại Peru, hơn 40 công dân Malaysia đã được giải cứu sau khi bị một băng đảng có trụ sở tại Đài Loan (được biết đến với tên gọi Red Dragon) buôn bán người và ép buộc tham gia các hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập đến các chiến dịch trấn áp nhắm vào những trung tâm lừa đảo do người châu Á điều hành ở Trung Đông và một số đảo Thái Bình Dương.
Đáng báo động là ngay cả khi các nhóm do người châu Á cầm đầu đang mở rộng phạm vi hoạt động về mặt địa lý, thì sự tham gia của các tổ chức tội phạm từ các khu vực khác trên thế giới cũng đang ngày một gia tăng.

Các thị trường trực tuyến mới, mạng lưới rửa tiền, dữ liệu bị đánh cắp, phần mềm độc hại, trí tuệ nhân tạo và công nghệ deepfake đang đặt nền móng cho sự trỗi dậy của hình thức “tội phạm mạng như là một dịch vụ” (Cybercrime as a Service – CCaaS). Những đổi mới công nghệ này đang giúp các tổ chức tội phạm vận hành dễ dàng hơn và thích nghi nhanh chóng trước các cuộc truy quét.
Ông Benedikt Hofmann, đại diện khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của UNODC, nhận định: “Sự hội tụ giữa tốc độ tăng trưởng và mức độ chuyên nghiệp hóa của các hoạt động này, cùng với việc mở rộng địa lý sang các khu vực mới trong và ngoài khu vực, đã tạo ra một mức độ và cường độ mới trong ngành công nghiệp tội phạm – điều mà các chính phủ cần sẵn sàng để đối phó.”
Theo Fortune
Quang Đăng / Vietnamfinance.vn