Mặc dù GDP của Việt Nam tăng trưởng ổn định trên 5% so với cùng kỳ năm ngoái, thị trường việc làm trong nước trong sáu tháng đầu năm 2024 vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng. Tuy nhiên, hiệu suất kinh tế trong quý đầu tiên của năm đã được cải thiện tại các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, kéo theo xu hướng tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong các lĩnh vực bán hàng và tiếp thị cho ngành Công nghiệp, cũng như các chuyên gia quản lí chất lượng và sản xuất trong ngành Sản xuất và Cung ứng.
Theo số liệu tuyển dụng từ Adecco Việt Nam, nhiều lĩnh vực như Sản xuất và Xuất khẩu đã có sự cải thiện với nhu cầu tuyển dụng tăng nhẹ ở mức 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, số lượng vị trí tuyển dụng trong ngành Công nghệ và Tài chính lại giảm 10%.
Công nghệ và chuyển đổi số dẫn dắt thị trường việc làm
Tuy nhu cầu tuyển dụng có giảm so với cùng kỳ 2023 nhưng lĩnh vực Công nghệ vẫn tiếp tục là động lực mạnh mẽ thúc đẩy thị trường việc làm. Theo bà Trương Thiên Kim, Phó Giám đốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng, Adecco Việt Nam: “Chuyển đổi số đã tạo ra sự gia tăng các vai trò liên quan đến công nghệ trong nhiều ngành nghề khác nhau. Nhu cầu cho các vị trí như Kỹ sư Dữ liệu, Kỹ sư Trí tuệ nhân tạo (AI), và Lập trình viên đang ngày càng cao. Với sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng dựa trên AI, mối lo ngại về bảo mật dữ liệu cũng gia tăng, kéo theo nhu cầu ngày càng lớn đối với các vị trí Chuyên gia an ninh mạng.”
Việt Nam đang củng cố vai trò là trung tâm Sản xuất và chế tạo, dẫn đến nhu cầu lao động có tay nghề cao trong lĩnh vực này gia tăng. Số lượng vị trí tuyển dụng trong ngành này mà Adecco Việt Nam tiếp nhận đã tăng 10% so với nửa đầu năm 2023. Đáng chú ý, việc tìm kiếm các chuyên gia và vị trí cấp cao về quản lý chất lượng, nguồn cung ứng và tối ưu hóa quy trình trong lĩnh vực sản xuất cũng trên đà tăng trưởng. Khi Việt Nam hướng tới trở thành một trung tâm sản xuất xanhi và tạo điều kiện xuất khẩu các sản phẩm “made-in-Vietnam” sang các thị trường phát triển, nhu cầu đối với Kỹ sư Môi trường cũng tăng cao.
Ngành Y tế & Chăm sóc sức khỏe tiếp tục là trọng điểm trong kế hoạch 5 năm của chính phủ Việt Nam (2021-2025)ii. Hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe thông minh với việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và thanh toán điện tử đã thúc đẩy quá trình số hóa trong cả khu vực Y tế tư nhân và nhà nước, làm gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân tài cho các giải pháp công nghệ số. Các vị trí như chuyên gia Ứng dụng Kỹ thuật số và chuyên gia Kinh doanh Giải pháp đang được tuyển dụng nhiều, trong khi các vai trò truyền thống trong ngành dược phẩm như Quản lý Y tế, Quản lý Sản phẩm và Quản lý Account khách hàng vẫn duy trì ổn định.
Nguồn vốn đầu tư đáng kể từ các tập đoàn khổng lồ như Intel, Samsung và Qualcomm đã thúc đẩy cơ hội việc làm trong ngành Công nghệ Bán dẫn. Kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ Việt Nam nhằm đào tạo 50.000 kỹ sư vào năm 2030 càng làm nổi bật tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực nàyiii. Các vị trí trong thiết kế chip bán dẫn đang được săn đón sôi nổi, tạo ra “cuộc chiến” giành nhân tài giữa các doanh nghiệp toàn cầu và nước ngoài trên thị trường Việt Nam, với nhu cầu rất cao đối với các kỹ sư lành nghề.
Lĩnh vực Tiếp thị & Truyền thông vẫn ghi nhận yêu cầu tuyển dụng ổn định, với các vị trí như Quản lý Account và Trưởng nhóm Sáng tạo vẫn được duy trì. Đáng chú ý, ngành này đang chịu ảnh hưởng ngày càng lớn từ công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), khi AI có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ như viết nội dung, phát triển kịch bản, lập kế hoạch, đưa ra ý tưởng và sản xuất sáng tạo.
Ngành Tài chính & Ngân hàng, cũng như ngành Dịch vụ nói chung, đang đối mặt với giai đoạn giảm tuyển dụng do ảnh hưởng từ nhiều biến động thị trường. Các ngân hàng cấp 2 tại Việt Nam đang đẩy mạnh mở rộng đội ngũ ngân hàng số, theo xu hướng đã được các ngân hàng lớn cấp 1 tiên phong trong những năm trước đây. Riêng lĩnh vực Bảo hiểm đang trải qua tình trạng sa thải và cắt giảm nhân sự.
Giai đoạn cấp thiết để nâng cao năng lực nhân tài trong nước
Thị trường Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho lao động quốc tế, với ngày càng nhiều chuyên gia nước ngoài, cụ thể là từ Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, đến tìm kiếm cơ hội. Để nâng cao và duy trì tính cạnh tranh, nhân tài Việt cần chú trọng và khẩn trương phát triển các kỹ năng phù hợp với yêu cầu thị trường hiện nay.
Bên cạnh một số ngành chuyên môn đặc thù, xu hướng tuyển dụng gần đây đang dần được “bản địa hóa”, khi nhiều doanh nghiệp và tập đoàn đa quốc gia ưu tiên tuyển dụng và phát triển nhân tài trong nước cho các vị trí Giám đốc hoặc Trưởng phòng. Trong giai đoạn Việt Nam thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, nhu cầu tuyển dụng nhân sự thông thạo tiếng Anh và các ngôn ngữ khác (đặc biệt nổi trội gần đây là tiếng Trung) để tăng cường kết nối với đối tác quốc tế ngày càng gia tăng.
Các xu hướng mới nổi cho thấy tầm quan trọng của việc thông thạo kỹ năng kỹ thuật số và sử dụng các công nghệ tiên tiến như AI, khoa học máy tính và blockchain để thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của thị trường hiện nay. Các nhà tuyển dụng ngày càng ưa chuộng những ứng viên vừa sở hữu kỹ năng chuyên môn và tư duy kinh doanh, vừa có khả năng làm việc độc lập với sự hỗ trợ của các công cụ kỹ thuật số. Khả năng thích ứng linh hoạt và làm chủ tình huống trong môi trường thay đổi nhanh cũng được đánh giá cao.
Nắm bắt cơ hội trong giai đoạn chuyển đổi
“Thị trường lao động đang dịch chuyển từ các công việc truyền thống ít đòi hỏi kỹ năng sang các vị trí chuyên môn hóa cao. Nhà tuyển dụng có kỳ vọng cao hơn và ứng viên cũng có được nhiều lợi ích từ các chế độ phúc lợi nâng cao mà doanh nghiệp cung cấp. Để nắm bắt những cơ hội tốt, nhân lực Việt cần liên tục phát triển kiến thức và kỹ năng, duy trì sự cạnh tranh trong thị trường lao động đang trải qua giai đoạn chuyển đổi quan trọng. Bí quyết để thành công trong thời đại này là sự linh hoạt, thích nghi và tâm thế sẵn sàng với những cơ hội mới.”, ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Giám đốc toàn quốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng, Adecco Việt Nam chia sẻ.
P.V / Thị Trường Giao Dịch