Vừa qua, Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Du lịch Thành phố tổ chức hội nghị Tổng kết 5 năm công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự và nâng cao chất lượng quản lý du lịch tại thành phố.
Tính đến tháng 9/2020, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 836 doanh nghiệp (DN) lữ hành quốc tế, 148 DN lữ hành nội địa, 71 chi nhánh – văn phòng đại diện tỉnh khác, 76 đại lý lữ hành, 14 công ty liên doanh và 20 văn phòng đại diện du lịch nước ngoài.
Từ năm 2016 đến nay, tình hình người nước ngoài tạm trú và lợi dụng du lịch có hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố có dấu hiệu gia tăng; nhất là thời gian gần đây phát hiện nhiều người mang quốc tịch Trung Quốc cư trú quá hạn, nhập cảnh trái phép đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Tú, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2016, mỗi năm có trung bình hơn 3,5 triệu lượt khách nước ngoài khai báo tạm trú trên địa bàn Thành phố. Tình hình người nước ngoài tạm trú và lợi dụng du lịch vi phạm pháp luật trên địa bàn có dấu hiệu gia tăng. Cụ thể, năm 2016, Công an đã xử lý vi phạm hành chính, buộc trục xuất 58 đối tượng với hành vi phổ biến là quá hạn thị thực du lịch; năm 2017 là 148 vụ, năm 2018 là 98 vụ. Đến năm 2019, Công an Thành phố đã bắt giữ, xử lý 315 đối tượng người Đài Loan – Trung Quốc, 133 đối tượng có quốc tịch các nước châu Phi, 93 đối tượng quốc tịch Hàn Quốc và 140 đối tượng các quốc tịch khác có các hoạt động vi phạm phổ biến là tổ chức cá cược ăn tiền trái phép, tổ chức sàn chứng khoán online, tổ chức cá cược thể thao, trò chơi qua mạng, gọi điện giả danh Công an, Viện Kiểm sát để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vận chuyển trái phép chất ma túy…
Trong giai đoạn 2016 – 2020, Công an Thành phố và Sở Du lịch đã phối hợp phát hiện 940 vụ xâm hại tài sản người nước ngoài, điều tra khám phá 484 vụ, bắt 297 đối tượng có liên quan, đang xác minh điều tra 61 vụ. Về công tác bảo vệ các sự kiện, lễ hội trong hoạt động du lịch, quá trình phối hợp hai đơn vị đã kịp thời phát hiện và xử lý một số gian hàng có các ấn phẩm, tài liệu có nội dung trái với chủ trương của Đảng, Nhà nước nhất là những vấn đề liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao kết quả công tác phối hợp giữa ngành Công an và ngành Du lịch. Theo ông Nguyễn Phát Việt, Đội trưởng Đội Bảo vệ khách sạn Nikko Sài Gòn, trong thời gian qua, khách sạn Nikko Saigon nhận được sự hỗ trợ rất tốt từ Công an phường Nguyễn Cư Trinh. Khi nhận được tin báo từ khách sạn, Công an phường cùng lực lượng dân phòng có mặt rất nhanh và rất nhiệt tình hỗ trợ giải quyết vụ việc. Với thái độ làm việc tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm, các cơ quan chức năng đã góp phần xây dựng hình ảnh về du lịch của Thành phố, về tình hình trật tự xã hội của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, ông Việt cũng đề nghị, do thời gian khách lưu trú tại Thành phố không dài (trung bình từ 2-3 ngày), Cơ quan Công an cần hỗ trợ tích cực, giải quyết nhanh các trường hợp khách du lịch trình báo bị cướp giật tài sản, rút ngắn thời gian xác minh vụ việc.
Còn theo ông Nguyễn Minh Thu, Phó Giám đốc Saigontourist, Thành phố Hồ Chí Minh cần có một số tổng đài điện thoại trực 24/7 để tiếp nhận, xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn cho du khách khi tham quan du lịch tại Thành phố. Số tổng đài điện thoại này cần được đưa vào ấn phẩm du lịch, quảng bá, tuyên truyền cho du khách biết.
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh và bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố đã đánh giá cao kết quả quy chế phối hợp giữa hai đơn vị và sự cần thiết của việc phối hợp công tác này, góp phần đảm bảo an ninh trật tự nói chung và nâng cao chất lượng quản lý du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục phát huy kết quả đó, Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Du lịch Thành phố đã ký kết Quy chế phối hợp về công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự và nâng cao chất lượng quản lý du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới. “Mong quy chế phối hợp giữa hai đơn vị sẽ trở thành một điểm tựa làm đòn bẩy phát triển ngành du lịch, tạo nên sức bật để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” – Thiếu tướng Lê Hồng Nam nhấn mạnh.
Theo Thiếu tướng Lê Hồng Nam, trong thời gian tới, Công an Thành phố tiếp tục tham mưu cho Thành ủy, UBND Thành phố về đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực du lịch; tập trung công tác hướng dẫn, bảo vệ, xây dựng và thực hiện tốt chế độ, nội quy bảo vệ an ninh, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ nội bộ; thực hiện có hiệu quả phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về an ninh trật tự trong lĩnh vực du lịch.
Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các Phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện nâng cao tinh thần trách nhiệm, không để xảy ra tình huống đột xuất bất ngờ làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của Việt Nam với quốc tế. Các cán bộ, chiến sỹ nâng cao năng lực, trình độ về pháp luật, ngoại ngữ, công nghệ thông tin,… nhằm đáp ứng nhiệm vụ thực tiễn trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Các đơn vị chủ động xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ tại các địa bàn, tuyến, điểm du lịch để đảm bảo an ninh trật tự, môi trường lành mạnh, bình yên cho các hoạt động, lễ hội du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
P.V / Thị Trường Giao Dịch