Các tỉnh Bắc Trung Bộ được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, ẩm thực phong phú. Với những đổi mới về chất lượng dịch vụ cùng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, du lịch nông nghiệp, nông thôn, nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn để du khách thỏa sức khám phá và trải nghiệm trong mùa hè này.
Sẵn sàng đón du khách đến chơi Festival
Đầu tháng 6, “Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024” với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” đã diễn ra.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc, các chương trình trong “Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024” rất đặc sắc và thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng như cộng đồng du khách.
Hiện, các doanh nghiệp lữ hành cũng triển khai quảng bá, giới thiệu để khai thác các dịch vụ bổ sung, kết hợp để khách vừa trải nghiệm các chương trình của Festival Huế với các dịch vụ, sản phẩm du lịch thế mạnh sẵn có của địa phương. Điều này sẽ làm dày lịch trình và tăng trải nghiệm cho khách, kéo dài thời gian lưu trú của khách.
Được biết, năm nay, Huế đóng vai trò là trưởng nhóm liên kết phát triển du lịch 5 địa phương Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Bình – Quảng Trị, nên các thông tin về Festival Huế 2024 cũng được xúc tiến quảng bá đến các đơn vị lữ hành tỉnh bạn.
Đặc biệt, thời điểm khai mạc “Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024” (ngày 7/6) cũng gần với thời điểm khai mạc lễ hội bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 (ngày 8/6), vì thế các địa phương, các doanh nghiệp đã có kế hoạch liên kết để du khách có nhiều trải nghiệm thú vị ở nhiều điểm đến.
Tại Quảng Trị, chỉ còn một thời gian ngắn nữa sẽ diễn ra “Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024” – một sự kiện lớn được tổ chức lần đầu tại địa phương này. Đến nay, công tác tổ chức, chuẩn bị cơ sở hạ tầng vật chất phục vụ du khách đã cơ bản hoàn thành.
Cũng như nhiều doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Du lịch lữ hành Việt Hà (Việt Hà Travel) đã xây dựng kế hoạch bài bản nhằm góp phần thu hút khách du lịch đến với Quảng Trị trước, trong và sau lễ hội.
Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch lữ hành Việt Hà, chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của Lễ hội Vì Hòa bình rất ý nghĩa, nhân văn mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Đây là cơ hội tốt để quảng bá, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm danh thắng ở Quảng Trị. Do đó, công ty đã chủ động làm mới sản phẩm du lịch, thiết kế tour mới gắn liền với sự kiện để tạo sức hút cho du khách… đồng thời, liên kết với các nhà cung ứng dịch vụ khách sạn, xe, nhà hàng để có giá tốt nhất cho du khách. Bên cạnh đó, chúng tôi xúc tiến việc liên kết với các đơn vị tỉnh bạn để bán các sản phẩm tour kết nối các tỉnh Bình – Trị – Thiên, hay kết nối di sản miền Trung…”
Dự kiến lễ hội sẽ đón khoảng hơn 100 ngàn lượt khách tham dự. Tuy nhiên, hiện nay số lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Để đảm bảo nơi lưu trú cho du khách đến với Quảng Trị trong thời gian này, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo thống kê toàn bộ cơ sở lưu trú trên địa bàn, đồng thời tính phương án huy động các ký túc xá, homestay…
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh tham gia cung cấp dịch vụ kinh doanh lưu trú tạm thời trong khuôn khổ lễ hội. Theo đó, các hộ gia đình chỉ cần đáp ứng các điều kiện như có nhà ở, có phòng cho khách du lịch thuê đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật tối thiểu phục vụ khách lưu trú, đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn thực phẩm…
Phát triển du lịch cộng đồng
Bên cạnh việc tập trung phát triển loại hình du lịch biển, thời gian gần đây các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng quan tâm đầu tư, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Tại Thanh Hóa, đã có nhiều mô hình du lịch phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách như: nông trại sinh thái Linh Kỳ Mộc, công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam – Thanh Tam BamBoo Ecopark, nông trại Ánh Dương, nông trại dâu tây và các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hữu cơ, công nghệ cao kết hợp với du lịch tham quan, mua sắm tại một số địa phương Thọ Xuân, Như Xuân, Thạch Thành… Điển hình nhất phải kể đến khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (thuộc huyện Bá Thước và Quan Hóa) – khu bảo tồn thiên nhiên có quy mô hơn 17.600ha nay đã trở thành địa chỉ nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Với lợi thế đa dạng cảnh quan, nhiều di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề truyền thống, văn hóa cộng đồng giàu bản sắc, tại Hà Tĩnh, loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn đang được tỉnh và các địa phương “khơi dòng” bằng nhiều chính sách và hành động cụ thể.
Bà Võ Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh) cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất xây dựng thí điểm 1 mô hình du lịch cộng đồng cấp trung ương là mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa và cây trồng bản địa theo hướng phát triển xanh, bền vững tại thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn); xây dựng 2 mô hình du lịch cộng đồng thí điểm cấp tỉnh ở bản Phú Lâm (xã Phú Gia, Hương Khê) và thôn Hoa Thị (xã Thọ Điền, Vũ Quang). Đồng thời, Sở cũng tổ chức nhiều cuộc tập huấn, các chuyến khảo sát học tập các mô hình du lịch cộng đồng thành công trên cả nước cho cán bộ, các chủ homestay ở 3 địa phương nói trên.
Bà Võ Thị Thu Hiền cũng cho biết thêm, từ ngày 28/5 đến 7/6 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các địa phương và chuyên gia du lịch như ông Dương Minh Bình – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty CBT Travel (người được mệnh danh là “phù thủy” trong tư vấn xây dựng nhiều mô hình du lịch cộng đồng nổi tiếng cả nước) tiến hành khảo sát tại 90 địa điểm của 13 huyện, thị, thành trên toàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng đã đề xuất các giải pháp để xây dựng phát triển bền vững loại hình du lịch cộng đồng như nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch; đào tạo nguồn nhân lực lao động phục vụ du lịch; đầu tư cơ sở vật chất, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch theo hướng đáp ứng nhu cầu của du khách…
Tuy nhiên, để phát triển mô hình này hiệu quả, yếu tố quyết định vẫn là người dân địa phương. Khi người dân thấy được lợi ích của phát triển du lịch, biến khuôn viên nhà mình là nơi đón khách đến lưu trú, trải nghiệm với cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt thường ngày, mang lại nguồn thu nhập lớn… thì họ sẽ có động lực để đầu tư tiền bạc, công sức vào du lịch.
Hoài Thương / Vietnamfinance