Từ ngày Hoàng bị bố mẹ phát hiện ra mình là người đồng tính, họ đã bày ra đủ mọi cách để lấy lại giới tính cho con trai nhưng không thành.
Hoàng (SN 1992) sinh ra tại một vùng núi cao Yên Bái. Bố Hoàng là bộ đội phục viên, còn mẹ là hiệu trưởng của một trường làng gần nhà. Cuộc đời của Hoàng là một chuỗi bi kịch mà tạo hóa “ban tặng” cho anh, những nỗi đau, nước mắt vẫn còn rỉ máu tới tận bây giờ.
Bản thân Hoàng là niềm tự hào của bố mẹ, từ nhỏ đã học rất giỏi. Là học sinh giỏi Lý cấp tỉnh, học giỏi Văn Quốc gia, cũng là người đầu tiên ở cái vùng núi cao nghèo khó này thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh.
16 tuổi, lần đầu tiên Hoàng đi xa ra đình để lên thành phố Yên Bái học trường chuyên. Cuộc sống của Hoàng thay đổi chóng mặt từ lúc đó.
Vì sĩ diện, bố mẹ ép con đến đường cùng của sự tuyệt vọng
Hoàng có dáng người nhỏ thó, toát lên vẻ đẹp nữ tính nhờ nước da trắng trẻo như con gái. Trong câu chuyện của mình, Hoàng cay đắng kể lại: “Mình biết mình ‘khác biệt’ từ nhỏ khi mình không bao giờ thích chơi với con trai hay những trò bạo lực.
Trong khi những đứa con trai khác đang leo trèo, chơi đánh giả trận hay bổ quay,… thì mình lại cùng các bạn nữ chơi đồ hàng, búp bê thậm chí chơi nhảy dây điệu đà như con gái”.
Nhưng tất cả cũng chỉ là sự ngờ ngợ về giới tính. Từ lúc đi học xa nhà, Hoàng tiếp cận với Internet. Rồi một ngày Hoàng bất chợt nhận ra con người thật của mình: “Lúc đầu mình chưa bao giờ nghĩ là con trai có thể yêu được con trai, vì ở vùng núi có biết cái gì đâu. Những vô tình một ngày mình tìm được một trang web kết bạn của người đồng tính. Từ tò mò mình chuyển sang bất ngờ”.
Rồi một ngày, Hoàng cũng bập vào tình yêu. Cái lứa tuổi dậy thì khó tránh khỏi những lời vỗ về của tình yêu, cảm xúc đầu đời của chàng trai 16- 17 tuổi khiến Hoàng như lạc vào mê cung của sự u mê, đắm chìm trong những cảm xúc ngập tràn dành cho người mình yêu.
Càng lấn vào sâu, sức học của Hoàng càng giảm sút. Đến một ngày, Hoàng bỏ trường, bỏ lớp để đi theo tiếng gọi của tình yêu: “Năm đó mình học lớp 11, mình bỏ KTX lên Hà Nội để gặp người đó. Anh ấy hơn mình 1 tuổi, người Hà Nội, đẹp trai, ăn nói có duyên và cũng là người đầu tiên mình làm quen sau cái webside của người đồng tính đó”, Hoàng cho hay.
Trong cái rét của mùa đông của Hà Nội, Hoàng khẽ rùng mình khi nhắc lại quá khứ đau buồn của mình: “Khi mình trở lại trường là cùng lúc bố mẹ được giáo viên mời lên gặp vì mình bỏ học.
Việc đầu tiên là bố mẹ kiểm tra điện thoại, xui xẻo thay là mình không xóa đi những tin nhắn mùi mẫn mà người đó nhắn cho mình trước đó vì thói quen giữ lại kỉ niệm”.
Tiếp lời Hoàng tâm sự: “Mình biết là bố mẹ rất sốc trong chuyện này. Nhưng ông bà vẫn bình tĩnh xin phép cô giáo cho mình được nghỉ vài hôm và ra ngoài gọi điện cho người yêu mình răn đe đủ kiểu. Tới mức anh ấy không bao giờ dám gặp lại mình, cho tới tận bây giờ cũng thế”.
Việc đầu tiên mà Hoàng về nhà là những trận đòn thừa sống, thiếu chết của bố, là những câu ai oán, miệt thị của mẹ, là cái nhìn ghẻ lạnh, kì thị từ đứa em gái. Lúc đó, Hoàng đau lắm, những nỗi đau thể xác không bằng nỗi đau về tinh thần khi không được cảm thông.
Sau những trận đòn roi, Hoàng bị nhốt trong những căn phòng tối tăm, bị bỏ đói trong 4 bức tường lạnh lẽo. Cho dù Hoàng có van xin thế nào đi chăng nữa cũng chỉ nhận được những giọt nước mắt của mẹ.
Trong kí ức của Hoàng, anh không bao giờ quên được câu nói của mẹ văng vẳng bên tai: “Mày bị ma nó làm rồi, mày bị điên rồi chứ đàn ông ai lại đi yêu đàn ông hả con”.
Ngày qua ngày, cho đến khi mẹ Hoàng mời một bà đồng về. Hoàng kể lại: “Bà đó cứ ép em phải nói là ‘Tao là người mình thường, tao là đàn ông, tao yêu đàn bà’. Nhưng lúc đó em cũng lì, bao nhiêu nỗi uất ức em nói ra hết ‘con không thích con gái’. Không biết là em nhắc đi, nhắc lại bao nhiêu lần.
Vì lúc đó em quá mệt, em lịm đi nhưng trong cơn mê man em vẫn cảm nhận được cái lắc đầu bó tay của bà đồng”, Hoàng tủm tỉm cười kể lại.
Mời thầy về yểm bùa không được, bố mẹ Hoàng đưa con lên bệnh viện chữa bệnh… “tâm thần”. Hoàng tưởng rằng, ở bệnh viện sẽ có những người hiểu mình, sẽ có vị bác sĩ nói cho bố mẹ anh biết là “đông tình không phải là bệnh, và con cũng không bị điên”. Nhưng không, bản thân vị bác sĩ đó phán Hoàng bị… “tâm thần dạng nhẹ” và “cần phải uống thuốc điều trị bệnh tâm thần”.
Hoàng khóc khi nhắc tới đây. Anh thổ lộ rằng mình bị mắc chứng bệnh sợ bệnh viện, sợ những viên thuốc tây do bố mẹ Hoàng hành hạ anh trong quá khứ. Lúc đó, mỗi ngày Hoàng phải uống 4 viên thuốc điều trị tâm thần cùng 1 viên thuốc ngủ. Bố mẹ Hoàng muốn anh ngủ để quên đi mình là người đồng tính, quên luôn đi những kí ức, cảm xúc mà trở lại làm người bình thường.
“Lúc đầu em không biết đâu, nhưng có một lần bác em vào thăm em, lúc đó em lờ mờ tỉnh dậy thì nghe thấy mẹ em nói ‘Em muốn nó ngủ vì khi nó thức em nhìn thấy nó em đau lắm, em muốn nó ngủ đi để quên luôn đi nó là người đồng tính’. Lúc đó em sốc, sốc lắm, em không thể tưởng tượng nổi mẹ em có thể làm như thế với em. Sau khi biết chuyện đó em cự tuyệt uống thuốc của mẹ đưa nhưng không được. Bố em bóp mồm em nhét thuốc vào mồm ép em uống thế là em lại chìm vào trong cơn mê ở trong bốn bức tường bệnh viện lạnh ngắt”.
Vì nghỉ học quá nhiều, cô giáo có gọi điện về thông báo với phụ huynh là sẽ bị đuổi học nếu nghỉ nhiều như thế, Hoàng mới tạm thoát ra khỏi cái “địa ngục trần gian” do chính bố mẹ đẻ của mình tạo nên. Hoàng tủm tỉm cười: “Bố mẹ mình sống, chết ở thể diện vì ở quê miệng lưỡi thiên hạ đồn thổi ghê lắm, không như ở thành phố đâu. Cả xã nhà nào cũng biết nhau vì thưa dân. Ở quê bố mẹ mình không giầu nhưng được coi là “đức cao vọng trọng” vì cả nhà đều học cao hiểu rộng. Ở cái vùng sơn cước đó, học đến lớp 3 còn ít chứ đừng nói là học trường chuyên, lớp chọn hay hiệu trưởng, giáo viên. Tuy nhiên, ở quê thì không ai biết mình ‘bê đê’, họ chỉ biết mình bị bệnh về thần kinh đang được điều trị ở bệnh viện”.
Chính vì cái thể diện mà Hoàng được đi học trở lại vì sợ xã hội dị nghị con mình bị bệnh tâm thần những Hoàng biết trong thâm tâm bố mẹ mình ép mình đến bước đường cùng như thế cũng chỉ là “sợ mất thể diện vì con mình đồng tính”.
Tuy nhiên hậu quả của nó để lại cho Hoàng rất lớn. Trong một thời gian dài, Hoàng bị mắc chứng trầm cảm nặng, thậm chí anh còn phải tìm đến những viên thuốc ngủ để có thể an giấc. Thậm chí, từ lúc đó tới nay anh chưa bao giờ được ngủ một giấc trọn vẹn: “Em ngủ rất hay vị giật mình, có khi là giật đùng đùng luôn á. Và có một đặc điểm khi ngủ em vẫn mở mắt. Từ đầu em không biết đâu, nhưng mấy đứa bạn trong kí túc xá sợ quá hỏi em bị làm sao mà ngủ cứ giật như thế hoặc là ngủ tại sao không khép mắt”. Hoàng thở dài.
Khi quá khứ bị bỏ rơi để tiếp tục sống tiếp
Ngày đầu tiên Hoàng vào Đại học trên Hà Nội, bố Hoàng đã phải cấm không cho đi học tiếp nhưng được mẹ can ngăn. Ngày tiễn Hoàng ra bến xe, mẹ Hoàng chỉ khóc nấc lên từng hồi khuyên con trai đừng như thế nữa, đừng làm mẹ đau lòng. Hoàng cũng tự đặt mục tiêu của đời mình: “Lúc đó em chỉ nghĩ ra đi càng xa bố mẹ càng tốt. Để em có thể làm lại cuộc đời”.
Ngày bước chân vào cổng trường Đại học, Hoàng tìm được những người giống mình. Những cuộc gặp gỡ, chia sẻ của những người đồng tính đã giúp cho hoàng thêm nghị lực để được sống. Tới bây giờ, khi Hoàng đã có chỗ đứng trong xã hội, anh vẫn không quên những người bạn giúp đỡ anh vượt qua những khó khăn trong cuộc đời.
“Sau đó em tham gia vào một câu lạc bộ của những người đồng tính. Được các anh chị giúp đỡ, chia sẻ rất nhiều. Rồi được tham gia các buổi đào tạo về giới tính, tình dục an toàn và sau đó, trở thành các đồng đằng viên để chia sẻ cuộc sống của mình cho những người kém may mắn khi không được gia đình thừa nhận khác. Có những câu chuyện còn bi thảm hơn em nhiều, nhưng chính vì vậy em mới cảm nhận cuộc sống được tốt hơn”.
Nhưng khi nhắc đến gia đình Hoàng vẫn buồn: “Từ lúc đó tới nay cũng gần 10 năm rồi còn gì, em cũng rất ít khi về quê vì ngại chạm mặt bố mẹ. Nhưng em biết bố mẹ vẫn chưa nguôi ngoai những chuyện trong quá khứ, cho dù bây giờ họ dường như lờ đi chuyện em “đồng tính” hay không. Thi thoảng em về quê vẫn bắt gặp tiếng thở dài của mẹ, không biết bao giờ họ có thể hiểu được cho em”, Hoàng thở dài.
Tiểu Lâm
Theo Người Đưa Tin