Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tổ chức các cuộc hội đàm khẩn cấp tại Paris (Pháp) vào ngày 17/2 trong khi các quan chức Mỹ và Nga chuẩn bị gặp nhau tại Arab Saudi để thảo luận về việc chấm dứt chiến sự ở Ukraine mà không có sự tham gia của châu Âu hoặc Ukraine.
Châu Âu họp khẩn cấp
Ngoại trừ cuộc gọi ngắn vào ngày 17/2 giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Mỹ Donald Trump, các nhà lãnh đạo châu Âu đã bị gạt sang một bên khi bắt đầu một tuần quan trọng đối với an ninh của châu lục này.
Trọng tâm trong tuần sẽ là các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga tại thủ đô Riyadh của Arab Saudi, nơi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sẽ ngồi lại với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Ông Lavrov cho biết cuộc thảo luận sẽ nhằm mục đích chấm dứt “giai đoạn bất thường” trong quan hệ giữa hai “cường quốc”. Những cuộc đàm phán đó có thể đặt nền tảng cho một cuộc gặp tiềm năng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trước viễn cảnh sự hiện diện của Mỹ tại châu Âu giảm sút, cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu tập trung vào khả năng triển khai quân đội châu Âu tới Ukraine và sự sẵn lòng của các đồng minh châu Âu trong việc tăng chi tiêu quốc phòng.
Thủ tướng Anh Keir Starmer, người gọi cuộc họp tại Paris là khoảnh khắc “có một không hai” đối với an ninh quốc gia của châu lục, sau đó cho biết ông “sẵn sàng cân nhắc triển khai lực lượng Anh, cùng với các lực lượng khác, nếu có một thỏa thuận hòa bình lâu dài”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu khác cũng đề xuất hành động theo nhiều cách khác nhau.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte nói với CNN rằng các cuộc đàm phán tại Paris là cơ hội để các nhà lãnh đạo châu Âu vạch ra chiến lược về cách tốt nhất có thể để hỗ trợ tiến trình hòa bình, bao gồm các cuộc thảo luận về nhiều bên “muốn đưa quân vào Ukraine sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình”.
Ông Rutte nói thêm rằng “điều rất quan trọng là Mỹ sẵn sàng cung cấp lực lượng dự phòng để thực hiện những nỗ lực như vậy”.
“Điều đó có nghĩa là người châu Âu sẵn sàng hành động, tích cực tham gia, sẵn sàng giúp đỡ Ukraine sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình, bao gồm cả việc triển khai quân đội nếu cần thiết, nhưng rõ ràng là phải có sự hỗ trợ của Mỹ – bởi vì cần làm rõ rằng biện pháp răn đe đã được triển khai hoàn toàn và Tổng thống Nga Putin sẽ không bao giờ thử lại nữa”, ông Rutte cho biết.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói chuyện với Tổng thống Pháp Macron sau hội nghị thượng đỉnh Paris, nhắc lại lời kêu gọi về các đảm bảo an ninh “mạnh mẽ và đáng tin cậy” cho Ukraine, ông cho biết trong một bài đăng trên X.
Sự thống nhất đang tan rã
Trong 3 năm chiến sự ở Ukraine, châu Âu và Mỹ vẫn duy trì sự thống nhất đáng kể trong lập trường đối với Nga. Nhưng chỉ hơn 3 tuần sau nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump, phần lớn sự thống nhất đó đã tan vỡ.
Chính quyền ông Trump đã giáng một loạt đòn vào châu Âu và Ukraine vào tuần trước. Đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth cho biết tư cách thành viên NATO của Ukraine không phải là kết quả thực tế của một giải pháp đàm phán, và an ninh châu Âu không còn là ưu tiên của Mỹ.
Sau đó, ông Trump đã có một cuộc điện đàm dài với Tổng thống Nga Putin, về cơ bản chấm dứt chính sách của phương Tây là “không có gì liên quan đến Ukraine mà không có Ukraine”. Sau đó, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã chỉ trích các nhà lãnh đạo châu Âu trong một bài phát biểu gay gắt tại Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần trước.
“Mối đe dọa mà tôi lo ngại nhất đối với châu Âu không phải là Nga. Điều tôi lo lắng là mối đe dọa từ bên trong”, ông Vance nói với các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ tham gia Hội nghị An ninh Munich.
Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết Ukraine sẽ không tham gia các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga tại Arab Saudi, mặc dù đang ở nước này để họp riêng. Ông cho hay bất kỳ cuộc thảo luận nào “về Ukraine mà không có Ukraine” sẽ không mang lại kết quả, và rằng Kyiv sẽ từ chối một thỏa thuận được đàm phán mà không có sự tham gia của Kyiv.
Tuy nhiên, ông Zelensky đã bày tỏ sự cởi mở khi ký một thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận các khoáng sản đất hiếm của Ukraine, nếu đổi lại Washington cung cấp bảo đảm an ninh cho Kyiv.
“Câu hỏi không phải là Ukraine có thể cho gì, mà là Ukraine có thể nhận được gì?”, ông Zelensky phát biểu ngày 17/1.
Về phía Nga, khi được CNN hỏi liệu Nga có sẵn sàng thỏa hiệp hay không, Ngoại trưởng Nga Lavrov nhấn mạnh rằng nước này sẽ có cách tiếp cận cứng rắn trong các cuộc đàm phán.
Theo CNN
Theo Hải Đăng / Vietnamfinance.vn