Nokia vừa công bố thay đổi nhận diện thương hiệu lần đầu tiên sau gần 60 năm và “trình làng” logo mới. Đây được cho là cột mốc đánh dấu thời kỳ phát triển mới của nhà sản xuất thiết bị viễn thông, hướng tới tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Logo mới của Nokia.
Ngày 26/2, trước thời điểm Đại hội Thế giới Di động (MWC) hàng năm khai mạc tại Barcelona, Nokia đã công bố bộ nhận diện thương hiệu mới.
Theo đó, hãng đã từ bỏ logo cũ với kiểu chữ in đậm và font màu “yale blue” đặc trưng, để thay bằng một thiết kế mới đầy màu sắc và bao gồm năm hình dạng khác nhau tạo thành từ NOKIA. Theo công ty, giao diện mới hiện đại và có tính kỹ thuật số hơn bộ nhận diện cũ.
Giám đốc điều hành Pekka Lundmark nói với Bloomberg: “Trong suy nghĩ của hầu hết mọi người, chúng tôi vẫn là một thương hiệu điện thoại di động thành công, nhưng đây không phải là mục tiêu của Nokia. Chúng tôi muốn ra mắt một thương hiệu mới tập trung rất nhiều vào mạng và số hóa công nghiệp, đây là điều hoàn toàn khác với hãng điện thoại di động cũ”.
Trong thông báo được đăng tải trên website của công ty, Nokia cho biết hãng đang cập nhật chiến lược của mình. Điều này thể hiện mục tiêu của hãng là phát triển hoạt động cung cấp dịch vụ, bán thiết bị cho các công ty viễn thông và bán thiết bị cho các doanh nghiệp khác.
CEO Nokia Lundmark thì cho biết doanh nghiệp này đã có mức tăng trưởng 21% vào năm ngoái trong lĩnh vực kinh doanh, chiếm khoảng 8% doanh thu của hãng, tương đương khoảng 2,11 tỷ USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thay đổi nhận diện thương hiệu dường như cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới hãng, dù dòng chữ Nokia cổ điển đã trở thành một phần quen thuộc với quá nhiều khách hàng. Bởi lẽ, hoạt động kinh doanh điện thoại của Nokia không còn là một phần của hãng kể từ khi Microsoft công bố ý định mua lại bộ phận thiết bị và dịch vụ của công ty trị giá 7 tỷ USD vào năm 2014.
Mặc dù sau đó “gã khổng lồ” công nghệ Microsoft đã từ bỏ thương vụ này vào năm 2016 và HMD Global (một công ty được thành lập bởi các cựu giám đốc điều hành của Nokia) đã giành được quyền sử dụng thương hiệu Nokia cho điện thoại thông minh và máy tính bảng và đã tự kinh doanh kể từ đó.
Được biết, Nokia đang xem xét lộ trình tăng trưởng của các mảng kinh doanh khác nhau và xem xét các giải pháp thay thế, bao gồm cả việc thoái vốn. Việc Nokia hướng tới tự động hóa nhà máy và trung tâm dữ liệu cũng được đánh giá là có thể dẫn tới tình trạng họ phải cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn, chẳng hạn như Microsoft và Amazon.
“Sẽ có nhiều trường hợp, đôi khi họ sẽ là đối tác của chúng tôi, là khách hàng và chắc chắn sẽ có những tình huống họ là đối thủ cạnh tranh”, ông Lundmark nhấn mạnh.
Minh Ý / Vietnamfinance
Theo Bloomberg, Reuters