Những ngày đầu xuân cần chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường ăn rau quả, hạn chế thịt và phủ tạng động vật, hải sản, rượu bia, bánh kẹo ngọt.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Minh Nguyệt, Tết là dịp gia đình, bạn bè đoàn tụ, mọi người có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi thư giãn, vui chơi, tiệc tùng thoải mái sau những ngày làm việc vất vả. Tuy nhiên, khoảng thời gian “thả ga” này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu không biết cách duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt với một số đối tượng dễ bị ảnh hưởng như trẻ em, người già, mắc các bệnh mạn tính.
Thường vào dịp này, hầu hết các gia đình đều trữ đầy ắp thức ăn, từ thịt, cá, chả giò, thịt đông, bánh chưng, bánh tét, bánh mứt, đến ruợu, bia, nước ngọt. Kể cả những gia đình nghèo vẫn phải có bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành. Nhiều nơi còn giữ phong tục thăm hỏi nhau ngày đầu năm, đến nhà ai cũng được tiếp đón nồng nhiệt, phải nâng cốc cạn chén, ăn miếng bánh lấy may. Nhìn chung chế độ ăn uống của mọi người trong dịp Tết có nhiều thay đổi nhiều khả năng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Đáng lo ngại nhất là tình trạng tăng cân hoặc sụt cân, gia tăng tái phát các bệnh mạn tính sau Tết.
Bác sĩ Nguyệt lý giải: Nguy cơ tăng cân là do trong khoảng thời gian này mọi người nghỉ ngơi nhiều hơn, giảm thời lượng làm việc và lao động chân tay. Lúc này, nhu cầu năng lượng về cơ bản ít hơn so với ngày thường. Tuy nhiên trên thực tế, việc cung cấp năng lượng thì ngược lại, các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp Tết lại giàu năng lượng, chế độ ăn nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật từ thịt cá, ít rau xanh chính là thủ phạm cho việc tăng cân, gia tăng tái phát bệnh mạn tính.
Bánh chưng, bánh tét không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết nhưng lại là món cung cấp năng lượng rất lớn. Một miếng bánh chưng nhỏ 50 g cung cấp khoảng 150 kcal, bằng lưng chén cơm. Mỗi ngày một người chỉ cần ăn 2-3 miếng thì năng lượng khẩu phần đã tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, còn rất nhiều loại bánh, kẹo, chocolate, mứt, rượu bia cũng là những món giàu năng lượng lại dễ dùng lai rai cả ngày khi tiếp khách, hàn huyên với bạn bè, chòm xóm láng giềng.
Ăn uống trong dịp Tết thường không được điều độ, không đúng bữa, số bữa ăn nhiều hơn, nhiều món hơn, trong đó lại nhiều thịt cá, ít rau, do vậy mức tiêu thụ thịt động vật tăng lên rất nhiều so với bữa ăn hàng ngày dẫn đến khẩu phần mất cân đối. Chế độ dinh dưỡng này rất nguy hại đối với những người mắc bệnh gút, tăng huyết áp…
Đặc biệt, rượu bia là đồ uống không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Bác sĩ cảnh báo nếu dùng quá nhiều, cứ nâng cốc là phải cạn chén thì ảnh hưởng đến sức khỏe không hề nhỏ. Bên cạnh nguy cơ tai nạn khi tham gia giao thông, bia rượu còn là nguyên nhân của bệnh tim mạch, gút, tăng huyết áp, đái tháo đường…
Sở thích tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt trong ngày Tết hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, gây người thừa cân béo phì, tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường. Ăn nhiều bánh kẹo ngọt khiến trẻ dễ thừa cân béo phì, một số bé đã gầy lại bị mất cảm giác ngon miệng khi đến bữa chính hoặc bị rối loạn tiêu hóa gây sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết.
Để mỗi dịp Tết đến, xuân về thực sự có ý nghĩa, bác sĩ Nguyệt khuyên mỗi người cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và các thành viên của gia đình. Nên duy trì ăn uống đa dạng, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm và cân đối các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Đối với người thừa cân béo phì, bị bệnh hoặc có nguy cơ bị các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, gút… cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ điều trị.
“Để tránh bị ngộ độc, cũng cần chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết. Thực hiện ăn chín uống sôi đồng thời cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên ăn tăng cường rau quả, hạn chế thịt, phủ tạng động vật, hải sản, rượu bia, bánh kẹo ngọt”, bác sĩ khuyên.
Thi Trân
Theo Vnexpress