Các nhân viên Cơ quan Mật vụ Mỹ luôn sát cánh bên cạnh tổng thống, sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ ông chủ Nhà Trắng.
Khi nhắc tới Cơ quan Mật vụ, người ta thường nghĩ đến một lực lượng phản ứng nhanh tập hợp những đặc vụ tinh nhuệ với số lượng giới hạn. Tuy nhiên, thực tế, họ có khoảng 6.500 người, chưa kể những mật vụ làm việc cho các đơn vị bảo vệ cá nhân, theo BrightSide. Ảnh: AP.
Tất cả mật vụ Mỹ đều thành thạo các kỹ năng sơ cứu cơ bản và được huấn luyện để giữ bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh nguy hiểm nhằm trợ giúp nhiều người nhất có thể trước khi xe cứu thương tới hiện trường. Mọi tuyến đường mà tổng thống Mỹ đi qua đều được tính toán kỹ lưỡng nhằm đảm bảo bệnh viện không nằm cách quá 10 phút lái xe.
Một số mật vụ Mỹ luôn mang theo bên mình túi máu chứa nhóm máu của tổng thống để đề phòng trường hợp khẩn cấp. Họ luôn sẵn sàng sử dụng các kỹ năng y tế và truyền máu nếu cần thiết. Ảnh: BrightSide.
Trên các bộ phim, nhân viên mật vụ Mỹ thường xuất hiện lạnh lùng, giấu ánh mắt dưới chiếc kính đen. Song ở ngoài đời thực, họ thường ít khi sử dụng kính đen trong lúc làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo tầm nhìn luôn rõ ràng, tránh bỏ sót những chi tiết quan trọng.
Trong ảnh, các nhân viên mật vụ tháp tùng gia đình Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày ông nhậm chức. Ảnh: AP.
Các nhân viên mật vụ kiểm tra tất cả những bức thư, kể cả email lẫn thư tay, gửi cho tổng thống Mỹ nhằm ngăn ngừa mọi mối đe dọa tiềm tàng. Họ cũng có một cơ sở dữ liệu chứa thông tin về hàng nghìn loại mực khác nhau để giúp công việc kiểm tra trở nên dễ dàng hơn.
Nhân viên mật vụ luôn cố gắng sử dụng nhiều camera nhất có thể. Sau vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy, Cơ quan Mật vụ Mỹ quyết định phải có một chiếc xe riêng chịu trách nhiệm ghi hình ông chủ Nhà Trắng. Ảnh: Wikipedia.
Các tân mật vụ chưa thể lập tức ra ngoài làm nhiệm vụ. Họ phải làm công việc bàn giấy trong ba năm trước khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổng thống và các yếu nhân, thường trong thời gian 4-7 năm. Sau giai đoạn này, họ sẽ được đánh giá để được đề bạt lên cấp cao hơn hoặc trở về với công việc bàn giấy. Ảnh: Reuters.
Mật vụ Mỹ được huấn luyện để sẵn sàng lao ra đỡ đạn và sống sót khi ở dưới nước.
Trước bất kỳ sự kiện quan trọng nào, các nhân viên mật vụ cũng sẽ hình dung và diễn tập phản ứng với mọi kịch bản tấn công. Họ sử dụng một loại đạn đặc biệt dành riêng cho huấn luyện. Cứ mỗi 8 tuần, các đặc vụ lại tham gia một khóa học nâng cao kỹ năng. Ảnh: Secret Service.
Cơ quan Mật vụ Mỹ có quy định rằng tổng thống không bao giờ nên ở một mình. Nhưng nếu ông chủ Nhà Trắng muốn có không gian riêng bên trong Phòng Bầu dục, họ có thể dễ dàng theo dõi mọi di biến động và phát hiện ra mối đe dọa nhờ các cảm biến chuyển động gắn dưới sàn nhà.
Để đảm bảo nguyên tắc trên, các nhân viên mật vụ thậm chí còn tham gia cùng tổng thống Mỹ trong những hoạt động thường ngày như chạy bộ, leo núi hay trượt tuyết. Ảnh: Wikipedia.
Tổng thống Mỹ còn không thể ở một mình với bác sĩ. Các nhân viên mật vụ luôn theo sát họ, tới tận phòng khám. Ảnh: White House.
Cơ quan Mật vụ có mật danh riêng cho từng tổng thống. Họ thường đặt tên với chữ cái đầu giống nhau cho tất cả các thành viên trong gia đình tổng thống. Ví dụ, ông Barack Obama có mật danh là Renegade, vợ ông là Renaissance, hai con gái là Radiance và Rosebud. Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay được đặt mật danh là Mogul. Ảnh: Wikipedia.
Ngoài tổng thống và đệ nhất phu nhân, Cơ quan Mật vụ Mỹ còn có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho các cựu tổng thống và cựu đệ nhất phu nhân cũng như những vị khách của tổng thống, hay bất kỳ ai mà ông chủ Nhà Trắng muốn họ bảo vệ. Ảnh: AP.
Ban đầu, Cơ quan Mật vụ được thành lập với mục tiêu chính là xử lý các vụ án giả mạo, gian lận tài chính. Thực tế, ngày nay, họ vẫn giải quyết những vụ việc kiểu này. Ảnh: Wikipedia.
Trụ sở chính của Cơ quan Mật vụ Mỹ nằm bên trong một tòa nhà ở Washington nhưng không có bất kỳ dấu hiệu nhận dạng nào. Thậm chí, họ còn không cho phép để thùng rác xung quanh trụ sở để tránh nguy cơ chúng bị cài bom. Tòa nhà nằm trên một con phố có tên rất ngắn: Đường H. Ảnh: Wikipedia.
Đến nay mới chỉ có một đặc vụ thiệt mạng khi làm nhiệm vụ là Leslie Coffelt. Ông hy sinh vào ngày 1/11/1950 trong lúc bảo vệ Tổng thống Harry Truman. Ảnh: Wikipedia.
Nếu một đặc vụ hy sinh mạng sống cho tổng thống Mỹ, họ làm điều đó hoàn toàn tự nguyện.
Vũ Hoàng/VNE