Tay vợt người Nga trải lòng trên The Players’ Tribune về quãng thời gian bị cấm thi đấu với những dằn vặt, ngờ vực nhưng không kém phần kiên định.
Trước lần đầu trở lại với mặt sân và tấm lưới, tôi cảm tưởng mọi người xung quanh chỉ muốn biết một điều: Tôi có cảm giác gì. Dù là bạn bè, gia đình hay thậm chí là truyền thông, trong quá trình tôi sửa soạn cho giải, câu hỏi tôi nhận được nhiều hơn cả là: “Maria, cô cảm thấy thế nào?”.
Và câu trả lời của tôi luôn là: “Tôi không biết”.
Tôi thực sự thành thật đấy. Tôi không có ý niệm gì! Tôi sẽ cảm thấy lo lắng? Phấn khích? Tự tin? Thận trọng? Vui vẻ? Buồn rầu? Thân ái? Ghét bỏ? An tâm? Sợ sệt? Một mặt, câu hỏi đó thật đơn giản. Vấn đề chỉ là mô tả, hay dự đoán một thứ cảm xúc. Mặt khác, tôi hoàn toàn mông lung. Cảm tưởng mọi cung bậc cảm xúc trên thế giới này đều hiện diện, chen chúc trong tâm trí tôi trong buổi tối hôm đó ở Stuttgart – nơi tôi trở lại sau 15 tháng vắng mặt vì án phạt.
Bản năng thúc giục tôi phải sẵn sàng khi cảm xúc ập đến. Ban đầu, tôi nghĩ: “Được rồi, tôi sẽ phản ứng như thế nào nếu cảm thấy thế này, hay thế kia”. Cứ thế và cứ thế. Đó là lẽ hiển nhiên với tôi. Bạn biết đấy, công việc của tôi là vậy – chuẩn bị cho mọi trận đấu, tự luyện để đạt cấp độ cao nhất.
Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng bất cứ sự chuẩn bị nào cũng là thừa thãi cho câu hỏi đó – vì nó chỉ là một trong rất nhiều vấn đề. Dù cố gắng bao nhiêu, tôi cũng chẳng có cách nào sẵn sàng cho những gì sắp đến. Tôi có thể cố gắng đoán, tưởng tượng, nặn ra mọi kịch bản trong đầu. Sau cùng, chẳng có cách nào để biết được tất cả. Tôi nhận ra mình chẳng có lựa chọn nào. Tôi chỉ chờ bước ra sân, hít một hơi thật sâu, trong khi mơ hồ về những gì sắp xảy ra.
Tôi sẽ phải dấn thân vào vô định.
Có những sự bất ổn mà tôi không lý giải được. Là một tay vợt – hay nhiều công việc khác, tôi luôn phải đứng giữa trò kéo co của hiển nhiên và ngẫu nhiên. Có những thứ hiển nhiên thường ngày, tôi làm không ngừng nghỉ như: gym, tập luyện, du lịch, ngủ xa nhà, lái xe 30 phút đến sân tập trong khi nghe những bài hát quốc tế ngẫu nhiên, hay cuốn lịch đã hoàn tất một vòng khi bạn chưa kịp nháy mắt.
Nhưng cũng có những thứ ngẫu nhiên, theo cách dị thường: Mỗi giải sử dụng một loại bóng riêng, mỗi giải có mặt sân khác nhau, mỗi ngày là một đối thủ mới, mỗi ngày có một tiết trời riêng. Làm sao bạn có thể sẵn sàng cho tất cả? Bạn có phải họp báo không và nó diễn ra như thế nào? Trận đấu tiếp theo của bạn là gặp ai? Giải kế tiếp của bạn là gì? Bạn đang ở đâu so với mục tiêu thực tại? Còn nhiều yếu tố ngẫu nhiên lắm.
Và sau 15 năm với những hiển nhiên và ngẫu nhiên, tôi biết nói sao đây? Thời gian đó dài kinh hoàng. Kỳ lạ nhất là đồng hồ, thời gian biểu và lịch, cùng câu hỏi tại sao chúng không bao giờ dừng lại. Nhưng mỗi khi nhìn vào lại cảm thấy như chúng luôn bắt đầu từ số không.
Ngay cả trong khoảnh khắc đặc biệt – chuẩn bị cho trận đầu sau 15 tháng – tôi vẫn có cảm giác đó. Một phần trong tôi đã được trải nghiệm điều này. Tôi từng phải phẫu thuật vai năm 2008 và vật lộn với những bài tập dài hơi. Trải nghiệm đó giúp tôi tự tin hơn, sẵn sàng trích thời gian dài để nghỉ ngơi và tìm lại bản ngã.
Nhưng một phần khác trong tôi nhận thức rằng có gì đó dị kì ở quãng nghỉ này. Câu trả lời nằm ở án đình chỉ thi đấu – với những phán quyết, sự dò xét ảnh hưởng tới cảm xúc. Không dễ để so sánh với bất cứ gì khác. 15 tháng qua khiến tôi nhận ra mình phải tìm lại hai yếu tố. Thể lực là đương nhiên, nhưng còn cả trí lực.
Tôi phải đối mặt với cả hiển nhiên và ngẫu nhiên. Tôi cần trở lại, song, cũng phải tin vào sự trở lại.
Một đêm tháng 4 trước trận tái xuất, tôi tâm sự với mẹ.
Bà thường vi vu cùng tôi, dù không bao giờ đến sân xem. Nghiêm túc đấy, mẹ tôi có lẽ chỉ xem khoảng ba trận của tôi suốt 10 năm qua. Nguyên do không có gì xấu. Tôi chỉ nghĩ bà không hợp không khí giải, hay ngồi theo dõi trên khán đài. Các bà mẹ thường có quy tắc riêng. Dù sao đi nữa, đêm trước trận đánh đó, chúng tôi cũng tán gẫu những câu chuyện thường thấy ở hai mẹ con. Khi cả hai đã thư thái và tôi chuẩn bị trở về phòng ngủ, tôi buột miệng hỏi mẹ: “Mẹ này, mai mẹ có đến xem không?”
Tôi không chắc điều gì thúc đẩy tôi hỏi vậy. Đó là khi bạn hoàn toàn không hiểu mình nói gì, nhưng vẫn thao thao bất tuyệt, thậm chí còn không mảy may nghĩ ngợi cho đến khi nói xong.
Mẹ tôi nghĩ ngợi vài giây, rồi nhìn tôi và nói: “Con biết sao không? Có, mẹ sẽ đến”.
Và tôi đáp: “OK ạ!”
Khoảnh khắc đó ngắn ngủi, thậm chí không thể coi là một đoạn hội thoại. Nhưng khi xảy ra, tôi thấu tường điều đó có ý nghĩa với mình biết bao. Tôi đã nhận thấy khác biệt giữa trận này so với bất cứ trận nào khác trước đây. Thay vì trốn chạy, tôi bỗng quyết định sẽ đương đầu trực diện với nó. Kiểu như: “Được rồi, trận này có vẻ khác biệt. Nhưng ít nhất nó khác biệt do chính tôi”.
Tôi nói chúc mẹ ngủ ngon và gặp mẹ vào ngày mai. Sau bao nhiêu năm, tôi mới lại có giấc ngủ an lành đến thế.
Tôi sẽ bật mí một điều: Tôi thích mình có một chút gì đó thần bí. Tôi chưa bao giờ muốn được tất cả biết tới, yêu mến hay thậm chí là hiểu rõ tôi. Đôi khi tôi tự hỏi liệu mình có già đời quá, có cổ hủ quá không. Có một điều tôi bắt đầu để ý gần đây, trong phòng thay đồ các tay vợt. Gần như mọi người đều có thói quen giống nhau sau trận: Rời sân đấu, vào phòng thay đồ và ngay lập tức chộp lấy điện thoại khi còn chưa thay đồ hay tắm rửa, để vào Twitter và tìm những lời bình về họ.
Tôi bắt đầu chú ý với cái nếp này từ vài năm trước, và cứ nghĩ mãi. Thể như nó là thứ ma thuật khiến mọi người răm rắp nghe theo. Biết đâu do tôi đã bỏ lỡ gì đó. Biết đâu thói quen đó rất thú vị. Nhưng dù sao tôi cũng không phải mẫu người như vậy.
Tôi có muốn mọi người nhắc tới, bàn tán, quan tâm hay đến xem tôi thi đấu hay không? Dĩ nhiên là có. Tôi muốn thừa nhận rằng tôi nỗ lực chăm chỉ để đạt được như hiện tại. Sự nổi tiếng là một phần trong đó. Tôi luôn muốn thi đấu vào giờ vàng, và nhận được sự chú ý đỉnh điểm. Tôi không bao giờ chấp nhận một trận trên sân số 18. Sân trung tâm mới là nơi tôi cảm thấy như ở nhà. Nhưng công nhận điều đó không có nghĩa là chú tâm đến nó. Tôi không cần quan tâm họ nói gì về mình, chỉ cần biết họ đang nói về mình, thế là đủ.
Còn một điều khiến tôi để tâm, đó là khi có người nghĩ tôi kì bí và luôn thích ở trong vùng an toàn. Tôi ngày càng nghĩ nhiều hơn về nhận định đó. Bởi sự thật là tôi luôn cảm thấy dễ bị tổn thương, không khác gì mọi người. Và những bức tường tôi dựng lên quanh mình, không hẳn là không thể bị xâm nhập như họ nghĩ. Có những thứ vẫn xuyên qua và khiến tôi có những cảm giác nhất định.
Tôi nhìn nhận chúng dưới hai góc độ khác nhau.
Thứ nhất, tôi không hề vô tâm. Tôi nhận thức được rằng nhiều đồng nghiệp đã nói về tôi, chỉ trích tôi trước dư luận. Nếu bạn là con người với một trái tim còn đập bình thường, bạn không thể lờ đi hoàn toàn những câu nói đó. Và tôi cũng không nghĩ có thể vượt qua chúng mà không bị tổn thương.
Nhưng tôi cũng luôn cố giữ thái độ rộng lượng với những chỉ trích, dù nó đến từ đâu và khi nào. Tôi không bao giờ muốn đối xử tệ với ai đã xỉ vả mình. Điều này rất quan trọng với tôi. Tôi luôn muốn phản hồi bằng vẻ thanh nhã như tôi đã học được từ mẹ – một trong những người phụ nữ thanh tao và thùy mị nhất tôi biết. Tôi luôn muốn đương đầu với chỉ trích bằng cao thượng. Tôi muốn mọi người thấy rằng cư xử cao thượng cũng là một lựa chọn.
Lựa chọn đó không dễ dàng. Tin tôi đi, dễ dàng phải là làm ngược lại. Tôi có thể đơn giản bước vào họp báo, ngồi xuống đón nhận câu hỏi về những lời chỉ trích các đồng nghiệp đã nhằm vào tôi. Sau đó tôi phản hồi bằng việc phê bình, với những cú đấm, thọc và dìm họ xuống vũng bùn. Và khi cơn cuồng nộ trong tôi trỗi dậy, mọi người sẽ phải bất ngờ. Nhiều người không biết rằng tôi nghiện quyền Anh. Khi còn rất nhỏ, đó là môn tôi hứng thú nhất, bên cạnh quần vợt. Khi tôi xem quyền Anh trên tivi, hay thượng đài cho bài tập cardio, phần tôi thích nhất là bước lên võ đài. Tôi cảm thấy cực kỳ bình thản, nhưng cũng rất căng thẳng, điệu bộ nhịp nhàng mà oai phong. Tôi trộm nghĩ, sẽ dễ dàng biết bao nếu tôi tưởng tượng khi bước vào họp báo, giống như khi cúi người trườn qua những sợi dây thừng để bước lên võ đài. Tôi sẽ chạy quanh, tung ra những cú thọc, hay những đòn phối hợp và kết thúc trận đấu.
Nhưng tôi hoàn toàn không muốn cư xử như thế. Quần vợt là nơi người chiến binh trong tôi trỗi dậy. Tôi đã quyết định sẽ gắn chặt với nó, khi còn là cô gái trẻ. Tâm lý tiêu cực bên ngoài sân không phải là thứ tôi sở hữu. Không dễ để tôi lý giải, và càng khó hơn cho mọi người hiểu. Đó là nét riêng trong tâm khảm tôi. Dù sao đi nữa, tôi thực lòng tôn trọng và ngưỡng mộ bất cứ đồng nghiệp nào, ngay cả những người đã buông lời chỉ trích mình.
Thậm chí tôi mong họ sẽ thay đổi quan điểm, có chung ý niệm giống tôi.
Còn góc nhìn thứ hai về sự mỏng manh mà tôi thấm thía nhiều tháng qua. Không liên quan đến chỉ trích, không có sự can dự của đồng nghiệp, mà về những người hâm mộ tôi.
Tôi không phải người cởi mở với các CĐV, thậm chí không tin vào khái niệm ấy. Không phải tôi không tôn trọng các CĐV của mình, dĩ nhiên ngược lại mới đúng. Tôi yêu mến họ và biết tầm quan trọng của họ đối với thành công của tôi. Tôi biết hết chứ.
Nhưng có sự khác biệt giữa biết và hiểu.
Tôi hy vọng các bạn không trách tôi khi tôi nói rằng phải đến sau đợt vắng mặt vừa qua, và trở lại, tôi mới bắt đầu hiểu thấu người hâm mộ có ý nghĩa như thế nào với tôi. Đó không chỉ là một khái niệm, mà ở mức độ sâu sắc hơn. Đó là nhân sinh quan.
Khi nói “nhân sinh quan”, tôi muốn ám chỉ đến lòng trung thành. Đối với tôi, trung thành là một đặc tính quan trọng. Trong các mối quan hệ, trung thành có thể quyết định mọi thứ. Khi bạn phải vượt qua bất hạnh, cũng là lúc bạn nhận ra những ai trung kiên. Không ít người ở bên khi bạn đứng trên đỉnh, sẽ quay lưng với bạn nếu nghịch cảnh xồ tới. Nhiều người cho rằng trung thành hiện diện nhiều hơn ở tình bạn, quan hệ làm ăn hay đại loại vậy. Thật thú vị khi những người trung thành với tôi nhất suốt hai năm qua lại là CĐV của tôi.
Sau khi tin sốc được công bố, họ ở bên tôi. Sau án phạt, họ đồng hành cùng tôi. Suốt quá trình chịu án phạt, họ vẫn ở đó. Và khi tôi quay lại sân đấu… Tôi thực sự không thể quên khoảnh khắc ấy.
Trước mỗi giải, tôi thường có mặt sớm. Nhưng trong lần đầu trở lại này, tôi không gặp may. Vì án phạt của tôi chấm dứt vào đúng ngày diễn ra vòng một, tôi không thể tập luyện trên sân đấu cho đến ngày khởi tranh. Tức là buổi tập chính đầu tiên của tôi – trên sân trung tâm – chỉ được phép diễn ra vài giờ trước trận đấu. Tức là sẽ có rất nhiều phóng viên theo dõi tôi tập vào buổi sáng. Tức là mọi thứ sẽ rất căng thẳng.
Cuối cùng, mọi chuyện đều ổn. Lần đầu tôi thấy nhiều phóng viên quây tụ lại một sân tập như thế, dù buổi tập sáng trôi qua ổn thỏa. Nhưng tôi cảm tưởng như đang trong cuộc đấu của hai phe. Tôi không thể nào vui vẻ khi không khí vừa căng thẳng, vừa đầy ắp lời xì xào, chỉ trỏ từ đám đông.
Chiều hôm đó, tôi tiếp tục tập ở một sân nhỏ hơn, cố gắng thả lỏng và làm nóng với vài cú đánh. Buổi tập chỉ kéo dài 25 phút ngắn ngủi, không có gì to tát. Nhưng khi đến sân… tôi không thể nói thành lời. Giống như một khoảnh khắc… mà cảm xúc chực tuôn trào… tôi không thể lý giải được. Họ nhìn thấy tôi ngay tức khắc. Đó là số đông CĐV xuất hiện quanh sân để xem buổi tập. Họ mang theo những lá cờ Nga, với dòng khẩu hiệu lớn do họ tự làm: “CHÀO MỪNG TRỞ LẠI, MARIA”. Và họ cứ vỗ tay, cứ hò hét, cứ cổ vũ cho tôi, cho đến khi kết thúc.
Tôi thường giống như một chùm laze, tức là chỉ tập trung vào buổi tập, đặc biệt là khi trận đấu đến gần. Nhưng ở khoảnh khắc đó, tôi phải thừa nhận đã bị đứng hình một chút. Tôi không thể ngừng nghĩ rằng họ vẫn chọn ủng hộ tôi chứ không phải ai khác, sau tất cả những gì đã xảy ra… vẫn dành thời gian để làm khẩu hiệu, để di chuyển tới đây – một sân tập nhỏ… vẫn bên tôi và cho tôi hiểu rằng họ đang ở đó. Tôi vẫn vung vợt, nhưng những thứ đang xảy ra trong đầu tôi là hình ảnh những cô gái ấy, đang ở nhà, tìm đúng loại keo dán, chất tạo màu óng ánh, bút lông và chọn đúng khẩu hiệu. Họ làm vậy vì tôi. Tôi không biết diễn tả sao cho đúng, nhưng điều họ đã làm bỗng thành quá nhiều, khiến tôi thực sự xúc động. Đó là lời nhắc nhở – trái với buổi tập đầu trước những chiếc camera – rằng tôi thực sự chơi quần vợt vì ai.
Giờ đến lượt tôi đền đáp họ. Điều tôi mong muốn hơn cả ở chương tiếp theo của sự nghiệp, chính là trở thành tay vợt đáng được cổ vũ, vì những CĐV đó đã quá trung thành với tôi và reo hò vì tôi vô điều kiện.
Mọi người có thể nghĩ về tôi như một người có tất cả, nên không dễ để làm tôi hạnh phúc. Nhưng tôi sẽ tiết lộ một khoảnh khắc quý giá diễn ra gần đây, khiến tôi thực sự mãn nguyện.
Đó là một buổi sáng giữa tháng 5. Tôi đang đánh ở Italy Mở rộng, và thắng trắng vòng một. Đây là giải thứ ba từ khi tôi trở lại và tôi dần tìm lại được tự tin. Hồi tưởng lại, có vẻ dự ba giải liên tiếp sau 15 tháng không thi đấu là sai lầm. (Thực ra không phải “có vẻ”, mà là “Maria, mày nghĩ sao mà làm vậy”?) Nhưng tôi thực sự phấn khích khi trở lại. Đã bao giờ bạn thức thâu đêm chỉ để làm gì đó vui vẻ, và bạn không muốn màn đêm đóng lại? Đó cũng là cảm giác của tôi khi đấu ba giải liền, trong khi cơ thể tôi có thể không chịu được chỉ riêng kích thích này. Dù sao, sau hai set đầu ở Rome, tôi vẫn thấy rất tuyệt.
Trận vòng hai của tôi diễn ra buổi tối, giờ vàng theo kiểu Italy: 19h30. Do vậy, tôi sẽ dành buổi sáng để thư giãn một chút. Tôi dậy muộn hơn thường lệ, ăn sáng ngay khách sạn. Phòng tôi nhìn ra khung cảnh đẹp như tranh, từ một cái đồi có thể thấy cả thành phố. Tòa thánh Vatican, đấu trường Colosseum, tất cả đều ở đó. Cảm tưởng tôi có thể chạm vào chúng được. Thời tiết cũng dễ chịu, tháng năm ở Italy cơ mà. Chim cũng hót líu lo. Quan trọng hơn cả, tôi chờ quyết định về việc tôi có được đặc cách dự Pháp Mở rộng hay không. Quyết định có thể đến bất cứ lúc nào, và tôi thấy rất tự tin.
Có thể tôi đã kể hơi quá đà khoảnh khắc này. Sự thực là đó không phải một sáng dị thường trong tour WTA. Bạn thức giấc ở một thành phố nước ngoài, ăn sáng và sẵn sàng tập luyện. Chẳng có gì khác. Nhưng hôm đó, ngay những thói quen cũng khiến tôi thấy đặc biệt. Đột nhiên, tôi không nghĩ rằng mình đã thi đấu suốt 15 năm. Thay vào đó, tôi cảm thấy như lần đầu trải nghiệm giây phút này. Thật xúc động khi được ở trong khách sạn, thật tự hào khi bước vào vòng hai, cộng thêm kỳ vọng về tấm vé đặc cách. Chuỗi cảm xúc đó đã không hòa tan trong tôi suốt thời gian dài.
Tôi nhớ thức dậy sáng tôi đó, thấy hạnh phúc vì mọi thứ. Cảm giác rằng đó là một địa điểm, một thời khắc tuyệt vời để sống.
Và rồi, ánh sáng nhanh chóng bị dập tắt. Khi ngày hôm đó kết thúc: Tôi thua trận (bỏ cuộc vì chấn thương), bị loại khỏi Rome, bị loại khỏi Pháp Mở rộng và – dù tôi không biết đúng lúc ấy – bị loại khỏi Wimbledon. Thực tế, thứ duy nhất tôi lọt vào là chiếc máy MRI, để phát hiện ra tôi đã bị rách cơ hông cấp độ ba. Cuộc sống đôi khi thật hài hước, nhỉ? Tôi không còn nghe thấy chim còn hót hay không.
Tôi thực sự chán nản sau hôm đó. Thật là tàn nhẫn bởi sau 15 tháng rời xa sân đấu, tôi trở lại vẻ như đã tiến thêm một bước, nhưng lại bị đẩy về sau hai bước. Khi đó, tôi phải từ biệt Pháp và Wimbledon trong hai năm liên tiếp, bị loại khỏi một giải WTA lần nữa. Thể như ai đó cố chơi đểu tôi. Chắc chắn có những người chỉ trích tôi, khi đọc đến đây sẽ nghĩ: Quả báo. Họ được phép nghĩ vậy, nhưng chắc chắn tình thế đó – với cơn đau và máy MRI – không phải quả báo. Tối hôm đó… tôi chỉ muốn thi đấu. Kết cục thật tồi tệ.
Và tôi còn tiếp tục đau khổ trong một thời gian nữa.
Rồi trong tôi chợt ánh lên điều tốt đẹp. Tất nhiên không phải về chấn thương mà là sau đó, khi tôi khám phá ra – có thể chỉ là xác nhận lại – một điều về bản thân. Cái cảm giác mông lung trong mọi tình huống, không ngừng dấn thân vào vô định lại khiến tôi thích thú.
Tôi nhận ra rằng tôi mong chờ những điều tốt đẹp, thói quen đời thường của một tay vợt. Nhưng tôi còn ao ước đối mặt những lo toan, điều ngẫu hiên hơn. Tôi khao khát cái cảm giác khi quần vợt mang đến những thứ khắc nghiệt như cô lập bạn, rút hết sức của bạn, quật ngã bạn và thử thách khả năng hồi phục của bạn theo cách hung bạo nhất có thể. Nhưng nếu bạn vượt qua, phần thưởng bạn đạt được sẽ đáng giá hơn bất cứ thứ gì. Nếu bạn thực sự yêu quần vợt, đến cuối cùng, bạn cũng nhận lại được tình cảm ấy.
Dù hai năm qua thực sự gian khổ hơn cả sự tưởng tượng của tôi, niềm đam mê của tôi với banh nỉ chưa từng dao động, thậm chí còn lớn dần.
Tôi sẽ nỗ lực hết sức có thể. Chắc chắn tôi có thắng, có thua. Chắc chắn hàng tá chỉ trích sẽ ập đến, nhưng hàng nghìn CĐV của tôi cũng sẽ xuất hiện. Khi nói đến quần vợt, dù tích cực hay tiêu cực, tôi chỉ dám chắc chắn một điều.
Rằng tôi nhớ nó.
Xuân Bình (theo The Players’ Tribune)/VNE