
Hà Nội dự kiến thành lập phường Hồng Hà, đơn vị hành chính đặc biệt ven sông Hồng, hợp nhất từ 5 quận nội thành, với quy mô hơn 16km2 và 126.000 dân.
UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi các quận, huyện, thị xã trên địa bàn để lấy ý kiến nhân dân và tổ chức kỳ họp HĐND các cấp liên quan đến phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất thành lập phường Hồng Hà – đơn vị hành chính cơ sở mới, được hình thành từ việc sáp nhập toàn bộ hoặc một phần diện tích và dân số của nhiều phường ven sông Hồng, thuộc địa bàn 5 quận nội thành.
Theo phương án do thành phố xây dựng, phường Hồng Hà sẽ có diện tích hơn 16km2 và quy mô dân số khoảng 126.000 người. Đây là phường có quy mô dân số và diện tích lớn, trải dài từ cầu Nhật Tân đến cầu Vĩnh Tuy, và là một trong những phường có vị trí địa lý đặc biệt khi phần lớn diện tích nằm ngoài đê sông Hồng – khu vực trước đây chưa được tổ chức thành một đơn vị hành chính riêng biệt.
Cụ thể, đơn vị hành chính phường Hồng Hà sẽ bao gồm toàn bộ diện tích và dân số của các phường Chương Dương, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình); phần lớn diện tích và dân số của các phường Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ), Bạch Đằng, Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng); cùng một phần diện tích và dân số của các phường Phú Thượng, Quảng An (quận Tây Hồ), Ngọc Thụy và Bồ Đề (quận Long Biên).

Việc thành lập phường Hồng Hà là một phần trong kế hoạch tổng thể của TP. Hà Nội nhằm sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã, theo đúng chủ trương và định hướng chỉ đạo của Trung ương. Toàn thành phố hiện có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn. Theo phương án sắp xếp mới, Hà Nội sẽ tổ chức lại 526 đơn vị hiện tại thành 126 đơn vị hành chính cấp xã mới, trong đó có 47 phường và 79 xã.
Đối với các đơn vị hành chính cấp xã mới, trong đó có phường Hồng Hà, TP. Hà Nội dự kiến tổ chức bộ máy hành chính với 4 phòng chuyên môn gồm: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Kinh tế (đối với xã) hoặc Phòng Kinh tế – Hạ tầng – Đô thị (đối với phường); Phòng Văn hóa – Xã hội; Trung tâm phục vụ hành chính công. Biên chế tối đa không quá 40 cán bộ, công chức, tập trung cho các vị trí công tác xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội và công tác chính quyền. Ngoài chỉ tiêu biên chế theo quy định, TP. Hà Nội cũng kiến nghị Trung ương cho phép áp dụng hệ số “k” (từ 1,5 đến 2 lần) để tính thêm biên chế phù hợp với đặc thù quy mô dân số và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.
Theo lộ trình triển khai, việc lấy ý kiến nhân dân tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 21/4. Sau đó, UBND cấp huyện sẽ tổng hợp ý kiến và tổ chức kỳ họp HĐND các cấp để thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính trước ngày 26/4. Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội sẽ xem xét, thông qua chủ trương thành lập các đơn vị hành chính mới trước ngày 28/4, để HĐND thành phố ban hành Nghị quyết tán thành vào ngày 29/4. Hồ sơ hoàn chỉnh sẽ được trình Chính phủ trước ngày 1/5.
Việc sáp nhập, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã được kỳ vọng sẽ giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy tiềm năng phát triển đô thị của những khu vực đặc thù như vùng ngoài đê sông Hồng – nơi có nhiều thách thức về quy hoạch nhưng cũng sở hữu tiềm năng lớn về không gian và cảnh quan đô thị. Trong đó, phường Hồng Hà chính là một thử nghiệm mang tính đột phá, thể hiện định hướng tổ chức lại không gian đô thị theo hướng hiện đại, hiệu quả và gắn kết hơn.
Anh Linh / Vietnamfinance.vn