Cảnh sát chống bạo động và lính cứu hỏa Pháp hoạt động hết công suất ở thủ đô Paris vào giờ cao điểm ngày 26-1 (giờ cao điểm) khi hàng ngàn tài xế taxi kéo ra đường biểu tình, kiểm soát không lưu sân bay đình công và giáo viên một số trường học nghỉ việc.
Ít nhất 2.100 tài xế taxi phẫn nộ trước sự cạnh tranh không công bằng của các dịch vụ vận chuyển mới nổi như Uber đã châm lửa đốt hàng chục chiếc lốp xe và ném bom khói ở phía Tây giao lộ thuộc vành đai Paris. Nhiều chiếc lốp được ném từ trên cao xuống mặt đường, trong khi những chiếc khác được xếp dưới lòng đường để cản xe cộ qua lại.
Một tài xế Uber ngán ngẩm chỉ chiếc xe của mình bị dính đầy trứng và bị người biểu tình đập phá. Cánh tài xế taxi truyền thống cho biết trước khi Uber gia nhập thị trường, mỗi ngày họ chạy 10-12 “cuốc” xe nhưng giờ chỉ còn 5-6 “cuốc”. Theo thống kê, doanh thu của các công ty taxi tại thủ đô Paris đã sụt giảm 20-30%.
Cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ khoảng 20 người biểu tình, hầu hết ở phía Tây Paris. Thủ tướng Pháp Manuel Valls cảnh báo những hành vi phạm pháp sẽ bị điều tra và trừng phạt. “Mọi người có thể phản đối trong khi Pháp ban hành tình trạng khẩn cấp (sau vụ khủng bố Paris 13-11) nhưng bạo lực thì không thể chấp nhận” – ông Valls nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo bày tỏ thông cảm với cánh tài xế taxi truyền thống, đồng thời an ủi họ rằng vấn đề Uber không chỉ của riêng Pháp mà còn gây chú ý trên toàn cầu.
Năm ngoái, Pháp cấm dịch vụ giả rẻ UberPOP của Uber nhưng cho phép dịch vụ chính tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, vài tháng sau khi nhận quyết định, Uber vẫn duy trì UberPOP làm nổ ra các cuộc biểu tình bạo lực hồi tháng 6-2015.
Uber cũng gây ra các cuộc biểu tình tương tự ở London – Anh, New Delhi – Ấn Độ… và dẫn đến tranh chấp pháp lý tại một số quốc gia châu Âu.
Cuộc biểu tình của tài xế taxi Pháp hôm 26-1 trùng với cuộc đình công của nhân viên một số trạm kiểm soát không lưu ở Paris, buộc các hãng hàng không cắt giảm 20% số chuyến bay nội địa và tới Ý, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha. Vấn đề chính gây bất mãn là chế độ lương, thưởng và điều kiện làm việc của người làm công.
Hãng Ryanair thông báo hủy hơn 200 chuyến, EasyJet (35 chuyến) và Air France cắt gần 20% số chuyến bay tầm ngắn và trung ở Pháp cũng như châu Âu.
Cùng ngày, Bộ Giáo dục Pháp cho biết hơn 12% giáo viên tiểu học biểu tình đòi tăng lương, 22% giáo viên trung học phản đối cải cách giáo dục cho học sinh trong độ tuổi từ 11-15.
Người nông dân cũng thất vọng vì giá nông sản bèo bọt nên lái máy kéo chặn đường ở các khu vực nông thôn ở Paris. Công đoàn yêu cầu nhà phân phối và công ty thực phẩm nâng giá thu mua sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất và chăn nuôi.
Khoảng 120 cuộc biểu tình diễn ra trên toàn nước Pháp hôm 26-1, bao gồm các thành phố Toulouse, Marseille, khu vực Aix-en-Provence (miền Nam) và TP Lille (miền Bắc). Tính chung có khoảng 5,6 triệu công chức, viên chức, y bác sĩ, nhân viên kiểm soát không lưu, tài xế và nông dân tham gia.
P.Nghĩa (Theo Reuters)
Theo Người Lao Động