Sức khỏe yếu đến mức bác sĩ khuyên nên bỏ một thai nhưng vợ chồng chị Nữ (Quảng Ngãi) kiên quyết giữ lại cả ba con.
Xóm nghèo Phú Tài (Trà Bồng, Quảng Ngãi) hai năm trở lại đây có con đường đẹp phẳng lì. Ba bé trai 4 tuổi nhà chị Nữ rất thích được bố mẹ dẫn đi dạo trên con đường này. Nhưng chúng toàn phải chờ đợi.
Anh Thành (35 tuổi) – bố của lũ trẻ – làm cơ khí ở nhà máy mía đường tận Gia Lai, cách nhà tới 400 km. Tiết kiệm tàu xe nên vài tháng anh mới về một lần. Còn chị Nữ (30 tuổi) làm cấp dưỡng cho một trường miền núi, chỉ được bên con vào cuối tuần.
Video: Vẻ ngộ nghĩnh của ba bé trai sinh cùng trứng
Vào tháng 11/2012, khi mang thai ở tuần thứ 9, lần đầu tiên chị Nữ biết đến từ “tam thai”. Chị sợ nên giấu tất cả mọi người. Anh Thành cũng không khá hơn vợ, chưa biết mở lời với gia đình thế nào.
Mấy bữa sau, khi cô em chồng hỏi, chị Nữ lấy can đảm nói ra mình đang mang trong bụng ba bé. Gia đình ai cũng lo lắng và quyết định để chị về nhà ngoại chăm sóc khi chồng đi làm xa.
Xuất phát điểm chỉ có hơn 40kg, mang thai chị Nữ lại nghén tới mức không thể nạp được gì vào bụng. Đến ba tháng, sức khỏe chị càng yếu, bị hở eo cổ tử cung. Đi vào Từ Dũ nhưng đến Quy Nhơn chị đã ngất, phải nằm viện tại đây trước khi có người nhà chạy xe từ Quảng Ngãi vào đón về.
Anh cả Thành Lâm, em út Thành Phi và anh giữa Thành Nam từ trái sang. |
Nghỉ ngơi thêm một tuần, anh Thành lại đưa vợ vào Từ Dũ. Huyết áp thấp, lại không ăn được gì nên mẹ yếu, ba thai nhi cũng kém phát triển. Các bác sĩ đều khuyên nên bỏ một thai. “Bác sĩ phân tích những nguy cơ mang bầu đa thai với sức khỏe của vợ tôi. Nhưng cô ấy kiên quyết không bỏ thai nào”, anh Thành kể.
Hai vợ chồng lại khăn gói về nhà ngoại.
Qua 4 tháng, chị Nữ có thể ăn được không nôn. Khi thai lớn, da bụng căng hết cỡ làm chị phải gọi người mỗi khi muốn xoay mình. Mờ tối một ngày khi được 28 tuần, chị bị ra máu. Lúc tới được Bệnh viện Đà Nẵng đã nửa đêm. Các bác sĩ thăm khám xong đều lắc đầu lo ngại.
“Tôi và mẹ được gọi vào phòng. Bác sĩ nói vợ tôi đã mở 2 phân mà thai nhi còn chưa được 6 tháng. Tính mạng cả mẹ cả con đều nguy hiểm”, anh Thành nhớ lại. Lúc đó anh chỉ biết khóc.
Các bé khi sinh được 2 tháng. Vì đẻ non nên thời gian đầu phải dùng hoàn toàn sữa non từ bệnh viện, vô cùng tốn kém. |
Từ thời điểm này, chị Nữ phải nằm bất động trên giường. Mỗi ngày tiêm 9 ống thuốc, 2-3 bình dịch để tăng cường sức khỏe và giữ thai. Siêu âm các bé đều chưa được một kg. Các bác sĩ động viên chị cố gắng giữ thai đến 34 tuần.
“Tôi bị tiêm nhiều sợ đến mức phải xin bác sĩ nghỉ một tối. Nhưng đêm hôm đó tôi vỡ ối, đến 3h sáng phải mổ luôn”, chị kể.
Ca mổ vào ngày 7/5/2013, khi thai nhi mới hơn 32 tuần và là trường hợp sinh ba cùng trứng cực hiếm. Do bị nhiễm trùng máu, vàng da, suy hô hấp, ba bé phải nằm lồng kính. Lúc này, gia đình chỉ biết cầu xin thêm một phép màu.
May mắn ba bé chịu tiếp nhận sữa, cơ thể hồng hào lên trông thấy. 15 ngày sau sinh các con được xuất viện. Sự tiến triển của ba đứa trẻ khiến các bác sĩ cũng phải kinh ngạc.
Giai đoạn sơ sinh là khoảng thời gian thử thách nữa đối với anh chị. Không có một khoản tiết kiệm nào, đồng lương 6 triệu đồng của anh Thành cũng không thể đủ. May nhờ nội ngoại yêu thương mới tạm đủ bỉm sữa cho các bé.
Ba “hoàng tử” lúc ngoan cùng ngoan, lúc ốm cùng ốm. Vào hôm trở trời, mẹ phải pha tới 9 lần thuốc hạ sốt. Trong căn nhà lụp xụp, chẳng có lọ thuốc bổ nào nhưng luôn thủ sẵn ba hộp thuốc hạ sốt.
Chị Cẩm – bác gái của ba bé – vẫn còn hãi nhất lúc 9 tháng tuổi các cháu bị tay chân miệng. Lúc đó chị Nữ đang đưa bé út vào Sài Gòn mổ tinh hoàn ẩn thì hai bé ở nhà bị bệnh này.
“Gia đình cắt cử hai người chăm hai bé ở viện mà cực quá trời. Đến hôm mẹ các cháu vào thay, tôi được về nhà chăm bé út, nhưng ba tiếng sau thì thằng út cũng có triệu chứng bệnh như hai anh. 10 ngày ba bé nằm viện luôn phải có ba người lớn bế ẵm. Mỗi lúc các cháu đau đớn, la khóc là ầm cả viện luôn”, chị ái ngại kể.
Mỗi lúc các bé đòi mua đồ chơi, vợ chồng chị Nữ, anh Thành đều tránh né, bởi đã mua thì phải mua cùng lúc 3 bộ. Ngay cả sữa, đáng lý 180ml đủ cho mỗi bé, nhưng chị pha 100ml. |
Mùa hè năm nay, sau những trận mưa, nắng dữ dội, ngôi nhà hai gian – nơi ba đứa trẻ sống cùng bà nội – càng thêm xuống cấp. Lường trước, từ đầu mùa, anh Thành đã căng thêm một tấm bạt mới dưới lớp bạt cũ ở nơi ngủ của con. Song, vào các hôm mưa to vẫn phải đặt cái thùng đặt ở góc giường hứng nước. Ngày nóng thì căn nhà chật và thấp trở nên bức bối, các bé đều phải di cư sang nhà bác cạnh đấy.
Từ hộ cận nghèo, sau khi sinh cùng lúc 3 đứa trẻ này, nhà anh chị xuống hộ nghèo.
Bù lại, ba bé Thành Lâm, Thành Nam và Thành Phi đều kháu khỉnh, hoạt bát và rất quấn nhau. Người dân trong làng ai thấy chúng cũng cảm thán: “Nhà nghèo mà có phước, đẻ được ba đứa con đẹp như tranh vẽ”.
Thời gian này anh Thành ở nông trường cũng dài hơn. “Tôi xót lòng mỗi lần các con nói qua điện thoại: ‘Lúc nào ba mới về'”, anh nói. Nhưng vì mưu sinh, anh buộc phải chấp nhận xa con và bù đắp cho cả con, cả cha bằng những cuộc điện thoại mỗi tối.
Hơn một năm trước, chị Nữ cho các con đi lớp rồi cũng vào Sài Gòn bán hàng. Nhưng được vài tháng, nhớ con quá phải về. Sau nhờ người giúp đỡ, chị kiếm được công việc nấu ăn cho học sinh tiểu học ở một huyện cách nhà 70 km, với lương gần 2,3 triệu đồng.
“Tôi cũng tính toán kỹ hết rồi. Tuy ở đây lương thấp nhưng không mất tiền ăn, ở, cuối tuần được về với các con hai ngày. Khoản tiền làm được bao nhiêu thì coi như giữ nguyên được bấy nhiêu cho con”, người mẹ nghèo bộc bạch.
Chị đã gắn bó với công việc này một năm. Trong tuần, ngày chị vui nhất là chiều thứ 6, từ xa đã nhìn thấy chúng chờ sẵn ở cổng, nhào lên bám cổ mẹ. Ngày buồn nhất là sáng sớm thứ hai, chị toàn phải lừa lúc con ngủ để đi. “Hôm nào chúng nó tỉnh là khóc lóc đòi theo. Bữa vừa rồi, bé út tỉnh đúng lúc tôi đi. Nó khóc hỏi: “Mẹ bỏ út Phi đi hả”.
Mắt ngấn lệ, chị ra đi ngổn ngang buồn vui. Chỉ cần con khỏe mạnh, sẽ chẳng có khó khăn nào khuất phục được chị và chồng.
Phan Dương/VNE