Người giàu thứ 3 Thái Lan vừa chi hơn 700 triệu USD để mua lại Metro Việt Nam. Thế nhưng đây vẫn chưa phải là tài sản giá trị nhất của tỷ phú này tại Việt Nam.
Trong những ngày cuối cùng của năm 2015, tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi cuối cùng cũng đã hoàn tất mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam sau gần 2 năm theo đuổi.
Hệ thống các công ty của tỷ phú Charoen – với công ty trung tâm là TCC Holdings – hiện đang có hàng chục khoản đầu tư lớn nhỏ tại Việt Nam, hiện diện trên rất nhiều lĩnh vực như phân phối, bán lẻ, bao bì, đồ uống và tất nhiên không thể thiếu được bất động sản.
Thương vụ trị giá 655 triệu Euro này – tương đương hơn 710 triệu USD theo tỷ giá ở thời điểm hiện tại – cũng góp phần nâng tổng giá trị các khoản đầu tư trực tiếp cũng gián tiếp của TCC tại Việt Nam lên đến gần 2 tỷ USD.
Việc tiếp quản Metro cùng với thương vụ Berli Jucker mua lại 65% cổ phần của Phú Thái Group từ năm 2013 sẽ giúp cho tỷ phú Charoen có được vị thế vững chắc trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ hàng tiêu dùng tại Việt Nam.
Berli Jucker từng được tỷ phú Charoen dùng làm công ty đứng ra để mua lại Metro nhưng do các cổ đông thiểu số của BJC phản đối nên sau đó thương vụ được thực hiện bởi TCC Land – nhánh đầu tư bất động sản của TCC Holdings.
Giá trị của thương vụ mua lại Phú Thái Group không được công bố, tuy nhiên theo một số nguồn tin thì con số vào khoảng 32 triệu USD. Không chỉ chuyên về phân phối, BJC và Phú Thái hiện còn sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s Mart..
Trong lĩnh vực bao bì, BJC đầu tư khoảng 60 triệu USD vào một loạt công ty chuyên sản xuất lon nhôm và chai thủy tinh phục vụ cho ngành đồ uống như BJC Glass Vietnam, Malaya Vietnam Glass, TBC-Ball Vietnam…
Trong mảng bất động sản, TCC Holdings sở hữu 2 dự án thương mại có hiệu quả sinh lời cao là khách sạn Melia Hà Nội (TCC Land nắm 65%) và cao ốc văn phòng Mê Linh Point Tower (Fraser Centrepoint nắm 75%) tại trung tâm Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ước tính của chúng tôi, tổng giá trị của 2 khoản đầu tư này không dưới 100 triệu USD.
Bản thân Metro Việt Nam cũng nắm giữ nhiều bất động sản có giá trị. Vì vậy đây có thể là lý do TCC Land đã đứng ra doanh nghiệp này.
Khoản đầu tư giá trị nhất: Vinamilk
Sau khi thâu tóm thành công tập đoàn đồ uống Fraser&Neave (F&N) của Singapore, TCC đã gián tiếp sở hữu một tài sản rất có giá trị tại Việt Nam: 10% cổ phần của Vinamilk.
F&N đầu tư vào Vinamilk ngay từ khi doanh nghiệp này cổ phần hóa từ 10 năm trước nên giá vốn đầu tư rất thấp, chỉ vào khoảng vài chục triệu USD. Cuối năm 2014, không lâu sau khi BJC công bố ý định mua lại Metro, F&N đã chi thêm 90 triệu USD để mua thêm 1% cổ phần của Vinamilk.
Giờ đây, khi cổ phiếu Vinamilk đang ở vùng giá cao nhất trong lịch sử thì 11% cổ phần do F&N sở hữu có giá trị hơn 730 triệu USD.
Không lâu sau khi SCIC được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thoái 45% cổ phần tại Vinamilk, từng có thông tin F&N đã tiếp cận với ban lãnh đạo Vinamilk để hỏi mua số cổ phần này. Tuy nhiên F&N đã nhanh chóng bác bỏ.
Do F&N đầu tư và tham gia vào HĐQT của Vinamilk đã lâu cũng như việc tỷ phú Charoen luôn dành sự quan tâm sâu sắc tới thị trường Việt Nam nên F&N được coi là một trong những cái tên sáng giá sẽ mua lại cổ phần từ SCIC.
Trong thời gian gần đây, F&N cũng có những động thái tích cực để đưa một số sản phẩm đồ uống chủ lực của mình 100Plus vào tiêu thụ tại Việt Nam.
Hiện tại, trong số các mảng kinh doanh chính của tỷ phú Charoen và TCC Holdings, chỉ còn ThaiBev – hãng bia lớn nhất Thái Lan – là vẫn “bỏ ngỏ” thị trường Việt Nam. ThaiBev từng “đánh tiếng” mua Sabeco nhưng không có thông tin cụ thể nào được công bố.
Trong khi đó, đối thủ chính của ThaiBev tại Thái Lan là Singha mới đây đã công bố thương vụ đầu tư 1,1 tỷ USD vào Masan Consumer Holdings và Masan Brewery.
Charoen Sirivadhanabhakdi, 71 tuổi, hiện là người giàu thứ 3 Thái Lan với khối tài sản trị giá 10,4 tỷ USD theo ước tính của Forbes.
Phần lớn khối tài sản của tỷ phú Charoen đến từ lĩnh vực đồ uống với cổ phần chính tại ThaiBev và Fraser&Neave. Tuy vậy, tỷ phú này cũng đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau nữa như bất động sản (TCC Land,Fraser Centrepoint), thương mại và bao bì (Berli Jucker)…
Giống như hầu hết những người giàu nhất Đông Nam Á, tỷ phú Charoen cũng là một người gốc Hoa khi gia đình ông di cư từ Trung Quốc đến Thái Lan vào đầu thế kỷ 20.
Kiến Khang
Theo Trí thức trẻ