Mức giá 45.000 đồng ông Hoàng Khải cho là hợp lý mà đại đa số khách vui vẻ chi trả. Cửa hàng đầu tiên sẽ khai trương cuối tháng 3, dự kiến ở khu vực quận 7 hoặc quận 3, TP.HCM.
Từng tuyên bố không muốn phát triển thêm mảng ẩm thực, khách sạn nhưng doanh nhân Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khai Silk, bất ngờ cho biết đang xúc tiến việc mở chuỗi cửa hàng phở theo hình thức nhượng quyền.
Mở 7-12 cửa hàng tại TP.HCM năm 2017
Trong năm nay, có khoảng 7-12 cửa hàng được mở, bắt đầu từ TP.HCM. Tiếp đến sẽ phát triển tại Nha Trang, Đà Nẵng. Hà Nội là nơi ông chọn mở sau cùng, dù chuỗi cửa hàng phở này được ông khẳng định “đúng chuẩn phở Bắc”, mang đậm phong cách Bắc bộ, là phở kiểu Hà Nội.
“Người Hà Nội khó tính hơn trong ẩm thực, nhất là với phở thì càng ‘bảo thủ’ hơn. Họ cũng không dễ dàng chấp nhận cái mới, nên tôi muốn thành công ở những nơi khác trước, khẳng định chất lượng, uy tín rồi mới về Hà Nội, để chắc thắng”, ông Hoàng Khải nói.
Doanh nhân này cũng chia sẻ công thức nấu phở được chính mẹ ông, một người Hà Nội rất sành các món ăn miền Bắc, đảm nhận. Hiện công thức phở chuẩn đã xong và được các đầu bếp nấu để khách ăn thử tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn của tập đoàn này.
Ông đang xúc tiến thành lập công ty cổ phần và thiết kế các ý tưởng cửa hàng, hoàn tất thủ tục kinh doanh cũng như việc bảo hộ thương hiệu, để kịp mở cửa hàng đầu tiên.
Chuỗi cửa hàng phở này được ông Khải đặt tên là phở Dính. Tên phở Dính được ông giải thích là: “Dính chặt vào nhau. Khách đến ăn là dính luôn, rồi ghiền, rồi không thể không quay lại”.
Và ông cho rằng ông đủ tự tin khách sành ăn sẽ dính với phở Dính. Bởi ông không bán tràn lan mà chỉ bán phở bò, với 3 loại là bắp bò hoa, phở tái, phở gầu, với giá 45.000 đồng mỗi tô.
Cửa hàng phở cũng được khẳng định không cầu kỳ mặt bằng phải ở trung tâm, đất vàng, mà sẽ có ở mọi vị trí, làm sao thuận tiện cho khách mà vẫn đảm bảo các yếu tố theo yêu cầu cửa hàng nhượng quyền.
Để quản lý chất lượng, hương vị phở đồng nhất, ông Khải cho biết ông quản bằng xây dựng bếp trung tâm. Bếp trưởng của bếp trung tâm sẽ có trách nhiệm giám sát chất lượng tại các cửa tiệm khác.
Nguồn cung cấp nguyên liệu như thịt, rau hành, đặc biệt là bánh phở… cho hệ thống cửa hàng, theo ông Khải, bánh phở là quan trọng nhất quyết định tô phở ngon hay không nên đây là khâu ông lo nhất. Dự định ban đầu sẽ có một đơn vị làm bánh phở uy tín cung ứng. Đến khi lượng lớn hơn ông sẽ tính đến hợp tác, hoặc sản xuất riêng để đảm bảo chất lượng.
Sẽ mang phở ra nước ngoài
Không giấu giếm kế hoạch kinh doanh lĩnh vực mới này, ông Hoàng Khải chia sẻơ vốn đầu tư ban đầu cho chuỗi cửa hàng phổ này sẽ quanh mức 5 tỷ đồng.
Mục tiêu là sẽ mở 300-400 cửa hàng phở dọc khắp đất nước. Khi các cửa hàng trong nước ổn định, ông sẽ mở rộng hệ thống cửa hàng phở này ra nước ngoài, và đây mới là mục tiêu chính để ông quyết định khởi nghiệp.
Nói về việc khởi nghiệp với chuỗi cửa hàng phở nhượng quyền, ông Hoàng Khải cho biết ông lên ý tưởng là bắt tay thực hiện trong vòng 5 tháng nay, từ mong muốn sau này sẽ mở cửa hàng phở của người cháu đang học tại nước ngoài.
Ông cho rằng ẩm thực Việt Nam rất phong phú, đa dạng từ bánh xèo, phở, cơm tấm, các loại bún… nhưng chúng ta làm hoàn toàn tự phát, không đưa thương hiệu xứng tầm toàn cầu được.
Riêng với phở, dù nổi tiếng cả thế giới, nhưng phở Việt chưa được lên kế hoạch kinh doanh chuỗi bài bản. Hiện chỉ mới có Phở 24 làm chuỗi nhưng đã không còn thuộc về người Việt.
“Tại sao các chuỗi thức ăn nhanh của Mỹ, của Hàn Quốc chỉ có khoai tây chiên, gà rán mà nổi tiếng khắp thế giới. Phở Việt không chỉ là món ăn truyền thống, người Việt có thể ăn mọi lúc mọi nơi mà còn nổi tiếng khắp thế giới thì tại sao không được đầu tư bài bản. Tôi nghĩ tôi làm được và đã làm thì nhất định phải thành công, vì tôi có tình yêu và tâm huyết với món ăn này”, ông Khải nói.
Ông chủ lâu đài Tajmasago cho rằng việc mở chuỗi cửa hàng phở là quyết định khởi nghiệp ở tuổi 53 của mình, và đây cũng “cú đầu tư để đời” của ông.
“Xong vụ này tôi sẽ không đầu tư nữa, dành thời gian nghỉ hưu, nhưng cũng phải mất 5 năm chứ chẳng chơi”, ông Khải nói thêm.
Khởi nghiệp ở tuổi 53, ông cho rằng mình vẫn nó vẫn có những cảm giác nôn nao khi bắt đầu hành trình kinh doanh. Người thành công khi khởi nghiệp có lợi thế vì có vốn, uy tín kinh nghiệm.
Nhưng trên hết, khởi nghiệp của tỷ phú là phải mang lại giá trị. Giá trị ở đây là giữ gìn và phát huy văn hóa, truyền thống của dân tộc mình, chứ không phải vì khởi sự kinh doanh để kiếm tiền.
Hà Linh/Zing