Trước việc xổ số truyền thống “tố” Vietlott tấn công cả ở địa bàn chưa được triển khai, Bộ Tài chính cho rằng đây chỉ là hoạt động tự phát của một số cá nhân và đề nghị các tỉnh tạo điều kiện cho Vietlott kinh doanh thuận lợi.
Bộ Tài chính vừa có công văn trả lời gửi UBND các tỉnh, thành sau khi một số địa phương phản ánh tình hình kinh doanh xổ số điện toán của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott). Sau 4 đợt triển khai, đến nay Vietlott đã được phép kinh doanh ở 12 tỉnh, thành. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng hoạt động kinh doanh của đơn vị này còn nhiều điều chưa hợp lý, cạnh tranh không lành mạnh với xổ số truyền thống.
Dẫn lại báo cáo của Vietlott thừa nhận việc vé được bán ở nhiều địa phương chưa triển khai, song Bộ Tài chính khẳng định đây là “hoạt động tự phát của các cá nhân” chứ không phải chủ trương của Vietlott. “Do sản phẩm có tính ‘mới lạ’, nhu cầu của thị trường rất lớn, nhất là tại các địa bàn mà Vietlott chưa triển khai nên có một số tổ chức, cá nhân đã mua vé số điện toán tại các địa phương đang triển khai và đi bán lại tại các tỉnh, thành phố khác với giá bán cao hơn từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng để hưởng chênh lệch”, văn bản cho hay.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo Vietlott tăng cường giám sát và chấn chỉnh, yêu cầu các đại lý chấp hành nghiêm việc bán vé qua thiết bị đầu cuối, mệnh giá 10.000 đồng một lần.
Trong công văn dài 5 trang gửi các địa phương, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh khung khổ pháp lý với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán của Vietlott đã được “các cơ quan ban hành đầy đủ” và trước khi làm, Bộ đã có công văn gửi các tỉnh, thành để thông báo kế hoạch kinh doanh của Vietlott. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các sở ban ngành tạo điều kiện cho Vietlott kinh doanh thuận lợi, tuân thủ các quy định của pháp luật, hỗ trợ công ty thực hiện các nghĩa vụ thu nộp ngân sách.
Tại Hội nghị tổng kết ngành tài chính đầu tháng 1, ông Nguyễn Văn Yên – Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng – cũng nói thẳng Vietlott đang làm “loạn” thị trường ở miền Nam. “Xin thí điểm ở 10 tỉnh nhưng mà giờ bán hết ở các tỉnh. Các đại lý in vé số trước hằng tuần, trước cả 3 kỳ số. Thiết bị đầu cuối trở thành máy in vé số. Mệnh giá vé số 10.000 đồng nhưng người đi bán dạo bán 12.000 đồng. Tôi có hỏi, họ nói giá đại lý giao cho họ với giá 11.000 rồi. Tỉnh tôi không có đại lý mà các cháu lại bán được vé. Tôi cho như vậy là sai luật”, ông Yên dẫn chứng.
Vietlott là doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Tài chính. Theo báo cáo của doanh nghiệp, tính đến hết năm 2016, doanh thu ước đạt 1.600 tỷ đồng. Kết quả này có được sau khi các loại hình xổ số của doanh nghiệp được triển khai rộng rãi (6 tháng đầu năm, doanh thu của đơn vị mới chỉ đạt 8,7 tỷ đồng, lỗ gần 4 tỷ đồng do hoạt động đầu tư).
Doanh nghiệp này cũng cho biết đã nộp ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố 2 khoản thuế là giá trị gia tăng (10%) và thuế tiêu thụ đặc biệt (15%) ước đạt khoảng 334 tỷ đồng, thuế thu nhập người trúng thưởng Jackpot của 8 khách hàng đã trả thưởng là 56,7 tỷ đồng. Riêng khoản thuế thu nhập doanh nghiệp (20%) và lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ sẽ được Vietlott xác định sau khi quyết toán năm tài chính.
Thanh Thanh Lan/Vnexpress