Một cuộc chiến thương mại mới giữa Mỹ và các đối tác toàn cầu có nguy cơ bùng phát trở lại trong tuần tới, khi lệnh tạm dừng áp thuế toàn diện mà chính quyền Tổng thống Donald Trump ban hành hồi tháng 4 dự kiến hết hiệu lực vào ngày 9/7.
Tổng thống Trump sắp kích hoạt lại cuộc chiến thuế quan
Trong những ngày gần đây, Tổng thống Trump và các quan chức Nhà Trắng đã úp mở khả năng gia hạn thời hạn này, song ông Trump tuyên bố ngày 2/7 rằng ông không có kế hoạch gia hạn và đang thông báo đến các quốc gia về mức thuế quan mới. Ông cho biết việc đàm phán thương mại với nhiều chính phủ nước ngoài “khó khăn hơn dự kiến” vì họ đã “quen thói trục lợi từ Mỹ suốt 30, 40 năm qua”.
“Chúng tôi sẽ xác định một con số đơn giản, viết cho họ một lá thư lịch sự. Có lẽ chỉ dài một trang, nhiều nhất là trang rưỡi, với nội dung đại loại là: ‘Chúc mừng, việc quý quốc được phép kinh doanh tại Mỹ là một vinh dự lớn’, vì thực tế đúng là như vậy”, ông Trump nói trên chuyên cơ Air Force One.

Các mức thuế này từng được công bố trong một sự kiện hồi tháng 4 mà Nhà Trắng gọi là “Ngày Giải phóng. Trong đó, Nhật Bản chịu mức thuế 24% và Liên minh châu Âu (EU) bị áp thuế 20%.
Thông báo này đã khiến thị trường chứng khoán lao dốc tại thời điểm đó, thổi bay tới 5.000 tỷ USD vốn hóa khỏi chỉ số S&P 500, đồng thời làm gia tăng chi phí đi vay của chính phủ Mỹ do làn sóng rút vốn từ nhà đầu tư toàn cầu.
Chỉ một tuần sau, ông Trump bất ngờ tuyên bố tạm dừng hầu hết các mức thuế trong vòng 90 ngày để đàm phán lại các hiệp định thương mại với tối đa 75 đối tác.
Khi thời hạn ngày 9/7 cận kề, các doanh nghiệp Mỹ lại phải đối mặt với nguy cơ bị áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu. Thuế quan là khoản tiền mà doanh nghiệp Mỹ phải trả cho chính phủ khi nhập hàng từ nước ngoài. Tùy chiến lược, doanh nghiệp có thể hấp thụ chi phí này bằng cách cắt giảm lợi nhuận, giảm chi phí ở khâu khác, hoặc chuyển một phần gánh nặng đó sang người tiêu dùng.
Một số mức thuế vẫn duy trì trong thời gian tạm dừng, bao gồm thuế chung 10% trên toàn bộ hàng nhập khẩu và các mức cao hơn đối với thép, nhôm, ô tô. Riêng Mỹ và Trung Quốc đã tạm đình chỉ phần lớn mức thuế mới trong 90 ngày kể từ tháng 5, với việc Mỹ giảm mức thuế thực tế lên hàng Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%.
Tuy chưa gây ra cú sốc lớn về kinh tế, nhưng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo tác động tiêu cực có thể xuất hiện sớm. Sự bất định về thuế quan đã khiến Fed trì hoãn kế hoạch giảm lãi suất, trong khi lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2%. Dù nhiều doanh nghiệp đã tích trữ hàng tồn kho từ mùa xuân để đề phòng rủi ro, giới lãnh đạo cảnh báo người tiêu dùng có thể sẽ phải đối mặt với giá cao hơn vào mùa hè và thu khi hàng dự trữ cạn kiệt.
Đạt thoả thuận thương mại với Việt Nam
Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 2/7, Tổng thống Trump viết: “Tôi vô cùng vinh dự thông báo rằng tôi vừa đạt được một Thỏa thuận Thương mại với Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau khi trao đổi với ông Tô Lâm, Tổng Bí thư đáng kính của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đây sẽ là một thỏa thuận hợp tác tuyệt vời giữa hai quốc gia chúng ta. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Việt Nam sẽ chịu mức thuế 20% cho mọi hàng hóa đưa vào lãnh thổ Mỹ và chịu mức thuế 40% đối với hàng hóa trung chuyển”.

“Tiến triển trong đàm phán thương mại mang lại một số tín hiệu tích cực. Thỏa thuận với Việt Nam là thông tin đáng hoan nghênh”, ông Michael Arone – chiến lược gia đầu tư trưởng tại State Street Global Advisors (Boston) nhận định.
Cũng trong ngày 2/7, Tổng thống Trump khẳng định rằng thỏa thuận với Ấn Độ đang gần được hoàn tất, dù thông tin này đã được các quan chức Nhà Trắng đề cập từ vài tuần trước. Trước đó, ông Trump từng dọa áp thuế 26% lên hàng hóa từ Ấn Độ.
“Hiện tại, Ấn Độ gần như không cho bất kỳ ai tham gia thị trường. Tôi tin rằng họ sẽ thay đổi và khi điều đó xảy ra, chúng ta sẽ có một thỏa thuận với mức thuế thấp hơn nhiều”, ông Trump khẳng định.
Tổng thống Trump cũng cho rằng một thỏa thuận với Nhật Bản là khó khăn, do Tokyo từ chối nhập khẩu đủ lượng gạo Mỹ, động thái có thể khiến nông dân Nhật chịu thiệt. Nhật hiện đang đối mặt với thuế 25% cho ô tô xuất sang Mỹ, và nếu lệnh tạm dừng hết hiệu lực, mức thuế có thể tăng thêm 24%.
Liên minh châu Âu cũng có thể trở thành “chiến trường” thương mại tiếp theo. Trưởng đoàn đàm phán EU dự kiến đến Washington vào ngày 2/7 để nối lại thương lượng. EU đã dọa trả đũa nếu không đạt thỏa thuận trước ngày 9/7, với tổng giá trị thuế trả đũa lên tới 100 tỷ USD, đồng thời lên kế hoạch hạn chế xuất khẩu thép phế liệu và một số hóa chất nhất định sang Mỹ.
Các quan chức Mỹ thừa nhận chưa có đủ thời gian để đàm phán với các đối tác nhỏ hơn, khiến tình hình thêm bất định nếu lệnh tạm dừng hết hiệu lực. Mặc dù một số quốc gia chỉ xuất khẩu lượng nhỏ vào Mỹ, họ vẫn giữ vai trò cung cấp chính trong những lĩnh vực đặc thù. Ví dụ, Madagascar – nhà cung cấp chính vani cho ngành bánh Mỹ – sẽ đối mặt với mức thuế lên tới 47% nếu không có gia hạn.