Lực cầu đồng thuận lại nhóm cổ phiếu thủy sản, dệt may, bất động sản… giúp VN-Index đảo chiều ngoạn mục trong phiên giao dịch hôm nay (26/5).

VN-Index mở cửa phiên đầu tuần trong sắc xanh nhẹ, tăng 3 điểm so với mốc tham chiếu, tuy nhiên sau khoảng nửa giờ giao dịch, chỉ số chung quay đầu giảm điểm, có lúc mất tới 20 điểm thủng mốc 1.300 điểm và duy trì trong sắc đỏ cho tới cuối phiên sáng.
Sau chuỗi phiên tăng điểm trước đó thì nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm Vingroup như VPL, VIC, VHM và nhóm ngân hàng như VCB, CTG, BID đảo chiều giảm điểm mạnh gây ảnh hưởng đến chỉ số chung. Dòng tiền trong phiên tiếp tục có sự phân hóa khi nhóm cổ phiếu midcap ngành bất động sản và xây dựng có lực cầu mạnh, nổi bật với một số mã như DXG, TCH, CII, và HHS.

Diễn biến của VN-Index trong khoảng 30 phút giao dịch đầu phiên chiều tương tự khi kết thúc phiên sáng với lực cầu có phần suy giảm nhẹ. Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng đảo điều cùng lực cầu mạnh dần xuất hiện nhanh sau đó giúp chỉ số chung nhanh chóng đảo chiều và lấy lại sắc xanh. Nổi bật trong phiên chiều nay là đà tăng mạnh tiếp tục lan tỏa từ nhóm cổ phiếu xuất khẩu.
Cụ thể, những thông tin tích cực liên quan đến đàm phán thuế quan với Mỹ đã thúc đẩy tâm lý thị trường, nhiều cổ phiếu nhóm dệt may, thủy sản tăng kịch trần như HTG, TCM, MSH hay FMC, VHC, ANV…
Phát biểu trước các phóng viên tại New Jersey sáng ngày 29/5 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ muốn sản xuất chip, không phải giày dép, quần áo. Người đứng đầu Nhà Trắng giải thích các sản phẩm dệt may như áo, tất có thể được làm rất tốt ở những nơi khác, bên ngoài nước Mỹ. Trong khi đó, Mỹ hướng tới sản xuất chip, máy tính và nhiều thứ khác như xe tăng, tàu thủy.
Bên cạnh đó, nhóm bất động sản cũng hút dòng tiền với VHM tăng 6,83%, TCH tăng 5,57%, DXG tăng 3,53%… Nhóm bất động sản công nghiệp và cao su như GVR, SZC, PHR, PDR, VOS cũng tăng hết biên độ với thanh khoản khá cao.
Nhờ lực cầu đồng thuận về cuối phiên, chỉ số chung “lội ngược dòng” thành công và kết thúc phiên ở mức điểm cao nhất trong cả ngày giao dịch.

Kết thúc phiên giao dịch, sàn HOSE có 253 mã tăng (24 mã tăng trần) và 72 mã giảm, VN-Index tăng 18,05 điểm (+1,37%) lên 1.332,51 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.028,1 triệu đơn vị, giá trị đạt khoảng 23.178 tỷ đồng, tăng 43% về khối lượng và 37% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 114,3 triệu đơn vị, giá trị 3.395 tỷ đồng.
Sàn HNX có 108 mã tăng và 55 mã giảm, HNX-Index tăng 3,09 điểm (+1,43%) lên 219,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 79,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.241 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận ghi nhận 4,86 triệu đơn vị, giá trị 102 tỷ đồng.
Sàn UPCoM-Index tăng 0,51 điểm (+0,53%), lên 96,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 65,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 729 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận ghi nhận 1, 03 triệu đơn vị, giá trị 55,5 tỷ đồng.
Theo nhận định của CTCK Vietcombank (VBCS), thị trường tiếp tục rung lắc khi chỉ số chung đã ghi nhận nhịp tăng hơn 100 điểm kể từ giữa tháng 4 nên việc xuất hiện những phiên rung lắc mạnh là diễn biến thường thấy. Tuy nhiên điều tích cực là dòng tiền mua chủ động vẫn đang vận động luân chuyển và tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.
VCBS khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc tận dụng những nhịp rung lắc nâng cao tỷ trọng cổ phiếu ở một số nhóm ngành đang thu hút được dòng tiền đầu cơ và đang ở vùng nền tích lũy chặt chẽ để giải ngân từng phần ở những nhịp rung lắc trong các phiên tới; đồng thời cân nhắc giảm dần tỷ trọng ở những cổ phiếu thuộc nhóm đang chịu lực cung mạnh. Một số nhóm đáng lưu ý bao gồm đầu tư công, bất động sản, chứng khoán và một số cổ phiếu ngân hàng.
Q.L / Thị trường tài chính tiền tệ