Một nền tảng thanh toán trực tuyến tại Mỹ sụp đổ khiến hàng nghìn người lâm vào cảnh trắng tay. Có khách hàng gửi 7 tỷ đồng nhưng chỉ bồi thường 13 triệu đồng.
Theo hãng tin CNBC, sự sụp đổ của nền tảng thanh toán trực tuyến Synapse đang gây chấn động làng công nghệ Mỹ. Hàng nghìn người bị mất tiền tiết kiệm do sự sụp đổ của Synapse. Nhiều người đã mất số tiền từ 7.000 USD đến hơn 200.000 USD.
“Chúng tôi đã nhận được thông báo rằng họ sẽ chỉ bồi thường cho chúng tôi 500 USD (12,7 triệu đồng) cho số tiền gửi 280.000 USD (hơn 7 tỷ đồng)”, Kayla Morris, giáo viên đã nghỉ hưu chua xót nói. Đó là số tiền mà gia đình bà Morris đã dành dụm trong 15 năm để gửi tiết kiệm cùng tiền bán nhà vào nơi mà họ nghĩ là an toàn.
Nhưng kể từ khi Synapse sụp đổ, số tiền này của bà Morris đã bị khóa suốt 6 tháng kể từ tháng 11/2023. Bà Morris chỉ là một trong hàng nghìn gia đình trắng tay vì tin tưởng vào nền tảng trực tuyến Synapse.
Synapse là một startup tài chính trực tuyến nổi tiếng tại Mỹ, được thành lập vào năm 2014. Synapse đã thành lập ứng dụng gửi tiết kiệm trực tuyếnYotta và Juno, chuyên cho vay vốn và cung cấp thanh toán hay thậm chí nhận ghi nợ. Dù không phải là ngân hàng nhưng Yotta và Juno vẫn nhận gửi tiết kiệm bằng cách kết nối với những ngân hàng nhỏ như Evolve Bank.
Kể từ tháng 5/2023, cuộc tranh chấp giữa Synapse và Evolve Bank đã nổ ra. Cuộc tranh chấp khiến Synapse phá sản. Sau đó, người ta phát hiện 96 triệu USD tiền gửi của khách hàng đã biến mất.
Cơ quan chức năng đã vào nhưng sự phức tạp của mô hình này khiến cuộc điều tra khá khó khăn. Đến nay, chưa bên nào nhận trách nhiệm bồi thường cho khách hàng.
Dù mang tiếng được chính phủ Mỹ bảo lãnh tiền gửi nhưng những người như cựu giáo viên Morris sẽ khó lấy lại được tiền.
Bởi dù họ gửi tiền ở ngân hàng Evolve Bank nhưng trách nhiệm lại thuộc bên trung gian là Synapse. Khi mọi chuyện đổ vỡ thì chính khách hàng là người chịu thiệt hại.
Hầu hết tiền gửi trong các ngân hàng tại Mỹ được bảo hiểm bởi “Federal Deposit Insurance Corp” (FDIC). Do đó, những người gửi tiền qua Synapse đều yên tâm dùng nền tảng này để thanh toán tiền mua tạp hóa, tiền thuê nhà hay thậm chí làm tài khoản gửi tiết kiệm.
Bản hợp đồng của Synapse gửi tới khách hàng cũng nêu rõ số tiền người dùng được FDIC bảo hiểm lên tới 250.000 USD. Thậm chí, bản hợp đồng 26 trang này còn cho biết chưa từng có người gửi tiền tiết kiệm nào mất một xu dưới sự bảo hiểm của FDIC.
Các khách hàng gửi tiền qua Synapse cảm thấy yên tâm vì có bảo hiểm, nhưng sự thật lại không như vậy.
Tháng 6/2024, FIDC khẳng định họ không bảo hiểm cho sự phá sản của các tổ chức phi ngân hàng như Synapse và trong trường hợp một công ty như vậy phá sản, việc thu hồi tiền bồi thường thông qua tòa án hầu như bất khả thi.
“Không ai có thể nghĩ điều này có thể xảy ra. Một ngân hàng vừa mới cướp tiền của khách hàng lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ”, anh Zach Jacobs, một khách hàng gửi 95.000 USD nhưng chỉ nhận về 129 USD bồi thường, cho biết.
Thậm chí, anh Andrew Meloan, một kỹ sư hóa học ở Chicago, chỉ được bồi thường 5 USD từ Evolve Bank cho số tiền gửi 200.000 USD. “Tôi cảm thấy như mình bị lừa”, anh Meloan tâm sự.
Ngoài những nạn nhân tren còn hàng nghìn gia đình nạn nhân khác nữa, dù chưa có thống kê đầy đủ.
Riêng tại Yotta, đã có 13.725 khách hàng cho biết họ gửi tổng cộng 64,9 triệu USD nhưng chỉ được bồi thường 11,8 triệu USD.
Nghề nghiệp các nạn nhân khá đa dạng, từ tài xế, chủ doanh nghiệp nhỏ, giáo viên đến nha sĩ đều chịu ảnh hưởng vì tin sẽ nhận được mức lãi suất cao hơn từ nền tảng thanh toán trực tuyến trên.
Đến nay, các phiên điều trần vẫn tiếp tục diễn ra và các bên liên quan vẫn đang lắng nghe nạn nhân trình bày. Nhưng không biết đến bao giờ khách hàng mới lấy lại được tiền gửi cũng như các khoản bồi thường cho vụ bê bối này.
Theo Minh Anh / Vietnamfinance.vn