Từ “Có tội” được thốt ra 34 lần trong phòng xử án ở Manhattan vào chiều 30/5 đã thay đổi lịch sử nước Mỹ.
Đó là kết quả được đưa ra từ bồi thẩm đoàn gồm 12 người ở New York, kết luận rằng cựu Tổng thống Donald Trump phải chịu trách nhiệm về tất cả 34 trọng tội làm giả hồ sơ kinh doanh để che giấu một tội khác.
Vụ án hình sự xoay quanh cáo buộc rằng ông Trump đã cố gắng che đậy khoản tiền 130.000 USD nhằm bịt miệng một ngôi sao phim khiêu dâm trước cuộc bầu cử năm 2016.
Với kết quả này, ông Trump hiện là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự và cũng là người đầu tiên bị kết án trọng tội khi đang trên đà trở thành ứng cử viên tổng thống của một đảng lớn.
Các chuyên gia nói với USA TODAY rằng sự kiện này là một chiến thắng cho nhà nước pháp quyền hiện tại bất kể điều đó có ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 11 hay không.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump “làm nên lịch sử”. Ông là tổng thống đầu tiên không có kinh nghiệm quản lý hay quân sự, tổng thống đầu tiên từ chối cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và cũng là tổng thống đầu tiên bị luận tội hai lần.
Trong khi các nhà khoa học chính trị và sử gia còn chia rẽ về việc liệu phán quyết lần này có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 theo bất kỳ cách nào có thể đo lường được hay không, họ đã đồng ý về một thực tế không thể thay đổi – phán quyết sẽ viết lại sử sách.
Khoảnh khắc lịch sử
Các cựu tổng thống Mỹ khác cũng vướng vào các vấn đề pháp lý như kiện tụng và điều tra quốc hội bắt nguồn từ một vụ bê bối chính trị. Vụ bê bối tiền bịt miệng của ông Trump ở New York được so sánh với vụ bê bối Watergate đã kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông Richard Nixon và vụ luận tội Tổng thống lúc đó là Bill Clinton vào năm 1998 trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Nhưng bà Susan Liebell, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Saint Joseph ở Philadelphia, cho biết những sự kiện đó không tương đương với 34 cáo buộc trọng tội của ông Trump vì ông Nixon và Clinton không bị kết tội. Bà Liebell cũng tỏ ra “vô cùng nghi ngờ” bất kỳ ai nói rằng họ biết phán quyết lần này sẽ có tác động gì đến nền chính trị Mỹ dựa trên những trường hợp trước đó.
“Chưa có tổng thống Mỹ nào bị kết án trong một vụ tố tụng hình sự. Không có tiền lệ lịch sử”, bà Liebell nhấn mạnh thêm.
Trong khi đó, ông Trump mới chỉ phục vụ một nhiệm kỳ tại Nhà Trắng và hiện là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa và ông không thể hiện rằng sẽ chấm dứt nỗ lực tranh cử tổng thống mới nhất của mình do phán quyết hôm 30/5. Thậm chí ông Trump vẫn tỏ ra thách thức và không hề hối hận trong suốt phiên tòa, và khẳng định rằng ông “không làm gì sai cả”.
Một chiến thắng hiến pháp
Các nhà sử học mô tả phán quyết trong phiên tòa xét xử ông Trump là một chiến thắng cho một số nguyên tắc pháp lý, nổi bật trong số đó là cụm từ “công lý bình đẳng trước pháp luật” được khắc trên đỉnh tòa nhà Tòa án Tối cao Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel lập luận rằng “những người viết ra Hiến pháp sẽ hài lòng” vì hệ thống chính trị mà họ thiết kế không bị suy yếu.
“Một cựu tổng thống Mỹ nhận được sự đối xử tương tự trong hệ thống tư pháp như bất kỳ công dân Mỹ nào khác”, ông Engel nhấn mạnh thêm.
Năm ngoái, đại bồi thẩm đoàn ở New York nhận thấy có đủ bằng chứng để khởi kiện ông Trump về khoản tiền bịt miệng. Sau khi nghe bằng chứng đó tại phòng xử án ở Manhattan trong sáu tuần qua, bồi thẩm đoàn gồm 12 người đã kết luận cựu tổng thống có tội.
Ông Allan Lichtman , giáo sư lịch sử tại Đại học Mỹ, cho biết: “Ông ấy không bị kết án bởi Tổng thống Joe Biden hay kẻ thù chính trị của ông ấy mà bởi bồi thẩm đoàn gồm 12 người Mỹ bình thường một cách nhất trí và nhanh chóng”.
Tương lai khó đoán trước
Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, ông Trump lập luận rằng “phán quyết thực sự” về sự vô tội của ông sẽ đến vào Ngày bầu cử .
Trả lời USA TODAY, các chuyên gia đưa ra những ý kiến bất đồng về việc ông Trump bị kết án trọng tội sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cơ hội chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới. Họ lưu ý rằng chiến dịch tranh cử của ông Trump dự kiến sẽ sử dụng phán quyết này để thu hút sự ủng hộ và gây quỹ từ những người ủng hộ ông. Tuy nhiên, điều khó phán đoán hơn là nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các cử tri đang dao động.
“Chúng tôi không biết cử tri sẽ phản ứng thế nào. Câu hỏi đặt ra là kết quả này ảnh hưởng như thế nào đến các cử tri độc lập và đảng viên Đảng Cộng hòa, những người có thể đồng ý với các chính sách bảo thủ nhưng lại lo ngại về tham nhũng và liêm chính”, bà Liebell cho hay.
Bà đã chỉ ra một cuộc thăm dò của Ipsos từ tháng 4 cho thấy khoảng 40% đảng viên Đảng Cộng hòa và 2/3 số người độc lập coi việc chi tiền bịt miệng là nghiêm trọng. Trong số những người nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho ông Trump nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào thời điểm đó, 13% cho biết họ sẽ không bỏ phiếu cho ông nếu ông bị bồi thẩm đoàn kết án trọng tội. 25% khác cho biết họ sẽ không ủng hộ nếu ông Trump đang thụ án tù vào thời điểm bầu cử.
Theo USA TODAY
Minh Đăng / Vietnamfinance