Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 50 % phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng từ 1/7 đến hết năm nay.
Đề xuất giảm lệ phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được nêu trong Dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh do Bộ Tài chính vừa xây dựng.
Theo dự thảo, kể từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12 năm nay, tiếp tục giảm mức thu khoảng 36 khoản phí, lệ phí, như năm 2023, mức thu một số khoản phí, lệ phí được giảm từ 10-50%.
Cụ thể, với lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng mức thu bằng 50% quy định.
Phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường thu bằng 70% quy định. Phí khai thác, sử dụng nguồn nước do cơ quan trung ương thực hiện thu bằng 80% quy định. Phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay thu bằng 90% quy định.
Lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh, tem AB bằng 80% mức quy định.
Lệ phí cấp căn cước công dân cũng dự kiến giảm 50% so với quy định. Phí trong lĩnh vực y tế thu bằng 70% mức quy định.
Phí trong lĩnh vực y tế dự kiến giảm bằng 70% mức thu hiện hành…
Hiện Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến 31/12.
Bộ này cũng đang đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất lắp ráp trong nước áp dụng những tháng cuối năm 2024.
Thực tế, trong tháng 4/2024, doanh số bán xe ôtô của các hãng đạt khoảng 24.350 xe, giảm 11% so với tháng trước. Kéo theo 4 tháng đầu năm, doanh số bán hàng toàn thị trường cũng giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng rất lớn vào đợt giảm lệ phí trước bạ lần này để kích cầu thị trường mua bán ôtô năm 2024.
Đến nay, thị trường ôtô Việt Nam từng được Chính phủ thúc đẩy 3 lần bởi chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với mặt hàng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Lần đầu tiên có hiệu lực trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm 2020; lần thứ hai áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2022 và gần đây nhất là nửa cuối năm 2023.
Trong cả 3 lần áp dụng, chính sách ưu đãi kể trên đều tạo kết quả bùng nổ về mặt doanh số. Ghi nhận lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước – đối tượng được hưởng ưu đãi – đã tăng trung bình tới 200% lượt đăng ký mới phương tiện. Đặc biệt, tính tổng dung lượng thị trường ôtô trong năm 2022, Việt Nam đã đạt sản lượng tiêu thụ lên tới hơn 500.000 xe – lập mức doanh số kỷ lục từ trước tới nay.
Thảo Nguyễn / Kiến Thức