Cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga đã làm gia tăng căng thẳng với Mỹ. Trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden coi các cuộc tấn công là liều lĩnh và có khả năng làm tăng giá năng lượng thì Ukraine coi chúng là điều cần thiết để khiến Nga phải trả giá.
Khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp riêng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2, bà đã nói với nhà lãnh đạo Ukraine điều mà ông không muốn nghe: Tránh tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga, một chiến thuật mà các quan chức Mỹ tin rằng sẽ làm tăng giá năng lượng toàn cầu và kéo theo sự trả đũa quyết liệt hơn của Nga với Ukraine.
Theo các nguồn thạo tin, yêu cầu này đã khiến ông Zelensky và các trợ lý hàng đầu của ông tức giận bởi họ coi chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái của Kyiv vào các cơ sở năng lượng của Nga là một điểm sáng hiếm hoi trong cuộc chiến khốc liệt với kẻ thù lớn hơn và được trang bị tốt hơn.
Những người này cho biết ông Zelensky đã bác bỏ khuyến nghị này vì không chắc liệu nó có phản ánh quan điểm đồng thuận của chính quyền ông Biden hay không.
Nhưng trong những tuần tiếp theo, Washington đã củng cố cảnh báo này trong nhiều cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo của Ukraine, bao gồm cả cuộc trò chuyện với cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, người đã tới thủ đô Ukraine vào tháng 3, và các quan chức tình báo và quốc phòng cấp cao khác của Mỹ.
Tuy nhiên, thay vì chấp nhận các yêu cầu của Mỹ, Ukraine đã tăng gấp đôi chiến lược, tấn công một loạt cơ sở của Nga, bao gồm cả cuộc tấn công ngày 2/4 vào nhà máy lọc dầu lớn thứ ba của Nga.
Các sự cố đã làm trầm trọng thêm căng thẳng trong mối quan hệ giữa Kiev và Mỹ khi nước này chờ đợi xem liệu Quốc hội Mỹ có thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD đã bị đình trệ từ lâu trong khi lực lượng Nga chọc thủng các vị trí của Ukraine trên chiến tuyến hay không.
Các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine đã nhắm vào hơn chục nhà máy lọc dầu kể từ tháng 1 và làm gián đoạn ít nhất 10% công suất lọc dầu của Nga. Điều này diễn ra khi Tổng thống Biden tăng cường chiến dịch tái tranh cử và giá dầu toàn cầu đạt mức cao nhất trong 6 tháng.
Mối lo ngại của Mỹ
Mối lo ngại của các nhà hoạch định quân sự Mỹ là các cuộc tấn công không làm giảm bớt khả năng chiến đấu của Nga và đã dẫn đến một cuộc phản công lớn của Nga vào lưới điện của Ukraine, gây tổn hại cho Ukraine nhiều hơn so với các cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu gây tổn hại cho Nga.
“Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái không phá hủy toàn bộ nhà máy lọc dầu và thậm chí thường không phá hủy từng đơn vị riêng lẻ mà chỉ gây thiệt hại cho chúng. Các nhà máy lọc dầu Ust-Luga và Ryazan đều hoạt động trở lại vài tuần sau khi bị tấn công”, ông Sergey Vakulenko, một chuyên gia ngành dầu mỏ, viết trong một phân tích cho Tổ chức Carnegie vì hòa bình quốc tế.
Trong những tuần gần đây, quân đội Nga đã gây ra một loạt vụ nổ bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, khiến hàng triệu người không có điện và làm dấy lên lo ngại rằng các cuộc tấn công có thể khiến nền kinh tế Ukraine bị đình trệ.
Các cuộc tấn công đã phá hủy một nhà máy điện ở khu vực Kiev và làm hư hại nhà máy thủy điện lớn nhất Ukraine cũng như nhiều nhà máy nhiệt điện.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc tấn công này nhằm đáp trả trực tiếp các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào các nhà máy lọc dầu và cơ sở hạ tầng khác nằm sâu trong lãnh thổ nước này.
Trước đây, Điện Kremlin đã tập trung tấn công vào năng lực công nghiệp của Ukraine, một nỗ lực mà một số quan chức Mỹ cho rằng có tác động hạn chế.
Minh Đăng / Vietnamfinance
Theo The Washington Post