Các vấn đề đang gia tăng đối với các doanh nghiệp Nga hoạt động ở nước láng giềng Kazakhstan khi mối quan hệ lịch sử giữa hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ dường như bị rạn nứt trong bối cảnh phương Tây gia tang áp lực lên Nga và các nước đồng minh.
Trả lời hãng tin hãng tin Izvestia ngày 8/4, ông Nikolai Dunaev, phó chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Opora Russia, cho hay các khoản thanh toán cho Nga của Kazakhstan đang phải đối mặt với sự chậm trễ ngày càng tăng vì các ngân hàng địa phương lo ngại bị Mỹ trừng phạt thứ cấp vì làm ăn với Moscow.
Các khoản thanh toán được cho là đã bị trì hoãn trong vài tuần trong khi một số ngân hàng lớn, chẳng hạn như Ngân hàng Halyk (hoạt động ở Kazakhstan, Kyrgyzstan, Georgia, Nga, Tajikistan và Uzbekistan) từ chối xử lý bất kỳ khoản thanh toán nào liên quan đến Nga.
Các ngân hàng nước ngoài ở một số quốc gia đã trở nên do dự hơn trong việc làm ăn với các thực thể Nga bị trừng phạt sau sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 12/2023 cho phép Bộ Tài chính nước này áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với những thực thể giao dịch với Nga.
Kazakhstan là một trong những đồng minh đáng tin cậy nhất của Nga trong khu vực. Nước này cũng là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga lãnh đạo (CSTO) và Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU).
Tuy nhiên, Kazakhstan đã nhiều lần bỏ phiếu trắng, thay vì bỏ phiếu chống, khi Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu chống lại hành động của Nga ở Ukraine. Vào tháng 9/2022, nước này cũng đã từ chối công nhận tuyên bố Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraine.
Một quan chức chính phủ cấp cao nói với Reuters rằng Tổng thống Kazakhstan, ông Kassym-Jomart Tokayev, đang đánh giá lại mối quan hệ song phương với Moscow. Trong khi đó, nước này đang hướng về phía tây để có thêm sự hợp tác kinh tế với Liên minh châu Âu (EU).
Ông Tokayev cũng đã nhiều lần nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và hoan nghênh hàng chục nghìn người Nga chạy trốn lệnh động viên của Tổng thống Vladimir Putin.
Tuy nhiên, Kazakhstan vẫn chưa bỏ rơi Moscow. Quốc gia này nổi lên như một tuyến đường quan trọng để phá bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga trong bối cảnh phương Tây giáng loạt đòn cấm vận, đặc biệt là về công nghệ cần thiết để trang bị cho các loại vũ khí tiên tiến nhất của Moscow.
Giá trị nhập khẩu vi mạch sang Kazakhstan đã tăng từ 35 triệu USD vào năm 2021 lên 75 triệu USD vào năm 2022, trong khi giá trị xuất khẩu vi mạch của nước này sang Nga đã tăng từ 245.000 USD vào năm 2021 lên 18 triệu USD vào năm 2022.
“Kazakhstan đã cam kết duy trì các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, nhưng cứ mỗi chuyến thăm của các bộ trưởng Kazakhstan tới Washington để thảo luận về các quy định trừng phạt, lại có một chuyến thăm khác tới Nga để cam kết tiếp tục liên kết với ông Putin”, bà Kate Mallinson của tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh) nhận định.
Quang Đăng / Vietnamfinance
Theo Newsweek