Ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã sử dụng các báo cáo kiểm toán nêu trên để làm hồ sơ đề nghị, tài liệu giải trình đối với hồ sơ đề nghị niêm yết cổ phiếu của Faros trên HoSE từ đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Trong vụ án Trịnh Văn Quyết, một số đối tượng là cá nhân thuộc Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội, Công ty TNHH Kiểm toán ASC đã bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết luận điều tra, Nguyễn Ngọc Tỉnh (SN 1964) – Tổng Giám đốc và Lê Văn Tuấn (SN 1978) – Kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội khi thực hiện hợp đồng kiểm toán các Báo cáo tài chính năm 2014, năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016 của Công ty CP Xây dựng Faros để lập hồ sơ đề nghị niêm yết, biết báo cáo tài chính của Công ty chưa đủ cơ sở để chấp nhận toàn phần nhưng công ty vẫn ban hành các Báo cáo kiểm toán có nội dung chấp nhận toàn phần đối với các báo cáo tài chính, báo cáo vốn góp của chủ sở hữu của Faros.
Khi Faros nộp hồ sơ đề nghị công nhận công ty đại chúng đến Vụ Giám sát đại chúng thuộc UBCKNN đã bị phát hiện báo cáo kiểm toán không đúng quy định pháp luật vì bằng chứng kiểm toán chưa đủ căn cứ để đưa ra ý kiến chấp thuận toàn phần.
Sau đó, ngày 17/5/2016, đại diện UBCKNN, đại diện Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam và ông Nguyễn Ngọc Tỉnh cùng các nhân viên Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội đã lập biên bản làm việc xác định: Thủ tục kiểm toán và các bằng chứng kiểm toán chưa đầy đủ để đưa ra ý kiến chấp nhận toán phần đối với báo cáo tài chính của CTCP Xây dựng Faros, ý kiến kiểm toán là chưa phù hợp và yêu cầu Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội thực hiện kiểm toán và phát hành lại báo cáo kiểm toán.
Thực tế, Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội không thực hiện kiểm toán lại nhưng Nguyễn Ngọc Tỉnh vẫn cùng Lê Văn Tuấn ban hành 3 báo cáo kiểm toán mới đều có nội dung chấp nhận toàn phần đối với các báo cáo tài chính, báo cáo vốn góp của chủ sở hữu của ROS như các báo cáo kiểm toán ban đầu; chỉ bổ sung mục “Lưu ý người đọc báo cáo tài chính” với nội dung:
“Không phủ nhận ý kiến chấp nhận toàn phần nêu trên, chúng tôi chỉ muốn lưu ý người sử dụng báo cáo vấn đề sau đây: Một số giao dịch về uỷ thác đầu tư trong kỳ phát sinh trong kỳ bằng tiền mặt với giá trị lớn”; “Trong năm 2015, đơn vị có ủy thác đầu tư cho một số tổ chức và cá nhân với số tiền là 3.332.616.363.488 đồng. Một số giao dịch về ủy thác đầu tư trong kỳ phát sinh bằng tiền mặt giá trị lớn. Trong kỳ công ty có ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính số tiền 105.740.247.890 đồng. Số tiền này sẽ thu được khi kết thúc thời hạn của hợp đồng ủy thác đầu tư” …
Ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã sử dụng các báo cáo kiểm toán nêu trên để làm hồ sơ đề nghị và được niêm yết cổ phiếu ROS trên Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh từ đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Tháng 11/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã trưng cầu Giám định viên Bộ Tài chính giám định đối với việc ban hành các báo cáo kiểm toán nêu trên. Ngày 22/9/2023, Giám định viên Bộ Tài chính đã ban hành Kết luận giám định, xác định: “Hồ sơ kiểm toán chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở để kiểm toán viên đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần tại các báo cáo kiểm toán”.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Ngọc Tỉnh, Lê Văn Tuấn thừa nhận các Báo cáo tài chính năm 2014, năm 2015 và Báo cáo vốn chủ sở hữu từ ngày 01/01/2016 đến ngày 21/3/2016 của Faros và các tài liệu thu thập được không đủ căn cứ để đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần theo chuẩn mực kiểm toán. Lý do không đủ căn cứ đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần nhưng vẫn ký, ban hành báo cáo kiểm toán trái quy định pháp luật là do Công ty CP Tập đoàn FLC và các công ty trong hệ sinh thái là khách hàng lớn, thường xuyên nên ban hành báo cáo kiểm toán trái quy định theo ý muốn của doanh nghiệp để được thanh toán tiền.
Còn Trần Thị Hạnh (SN 1977) – Phó Tổng giám đốc, Kiểm toán viên, Nguyễn Thị Thu Hương (SN1985) – Kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán ASC. Mặc dù hồ sơ, bằng chứng kiểm toán thu thập được không đủ cơ sở để đưa ra ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần nhưng Trần Thị Hạnh vẫn cùng Nguyễn Thị Thu Hương ký, phát hành các Báo cáo kiểm toán đối với Báo cáo vốn đầu tư của chủ sở hữu từ ngày 01/01/2016 đến ngày 30/6/2016, Báo cáo riêng bán niên năm 2016 và Báo cáo hợp nhất bán niên năm 2026 với ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần, trái quy định pháp luật về kiểm toán.
Thực tế, Trần Thị Hạnh không kiểm tra xác minh các khoản ủy thác đầu tư của Faros nhưng vẫn ký xác nhận tại Văn bản của Công ty CP Xây dựng Faros về việc giải trình bổ sung ủy thác đầu tư gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh.
Faros sau đó đã sử dụng các báo cáo kiểm toán nêu trên làm tài liệu giải trình đối với hồ sơ đề nghị niêm yết cổ phiếu với Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh để được niêm yết 430 triệu cổ phiếu trên sàn chứng khoán, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư.
Tại Cơ quan điều tra, Trần Thị Hạnh và Nguyễn Thị Thu Hương khai nhận hành vi vi phạm của mình, nhưng không thừa nhận mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trần Thị Hạnh cho biết ngoài số tiền phí kiểm toán theo Hợp đồng, Hạnh không được hưởng lợi ích gì khác. Nguyễn Thị Thu Hương cho biết thực hiện hành vi vi phạm muốn được thanh toán tiền phí kiểm toán theo hợp đồng cho Công ty Kiểm toán ASC; Hương không được hưởng lợi ích vật chất từ hành vi của mình.
Theo kết luận điều tra, hành vi của Nguyễn Ngọc Tỉnh, Lê Văn Tuấn và Trần Thị Hạnh đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng phạm với vài trò giúp sức cho Trịnh Văn Quyết. 3 cá nhân trên đã bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Còn hành vi của Nguyễn Thị Thu Hương có dấu hiệu tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng thực hiện hành vi với vai trò thứ yếu, lệ thuộc, theo sự phân công của cấp trên, chỉ làm công ăn lương, không được hưởng lợi ích vật chất từ hành vi của mình nên không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự mà kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về hành chính.
Ngọc Điệp / An ninh Tiền tệ