Nga dự kiến sẽ bán khí đốt tự nhiên qua đường ống cho Trung Quốc với giá bằng khoảng một nửa so với châu Âu trong ba năm tới, theo Bloomberg.
Ảnh minh hoạ.
Giá khí đốt ở Trung Quốc dự kiến sẽ đạt trung bình 271,6 USD/1.000 m3 vào năm 2024, chỉ bằng hơn 1/2 so với mức trung bình 481,7 USD của khách hàng ở châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, theo triển vọng kinh tế đến năm 2026 đệ trình lên Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin được Bloomberg trích dẫn.
Dự báo cho thấy khoảng cách giá vẫn giữ nguyên cho đến năm 2026 và sẽ giảm dần ở cả hai khu vực.
Ước tính của chính phủ Nga đã phần nào hé lộ về một hợp đồng trị giá 400 tỷ USD, hợp đồng lớn nhất từ trước đến nay của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom PJSC của Nga, để cung cấp khí đốt tự nhiên cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc thông qua đường ống liên kết Power of Serbia.
Trước đó, các thông số về giá khí đốt và hợp đồng này không được công bố, Tổng thống Vladimir Putin chỉ nói rằng khí đốt qua đường ống sẽ có liên quan đến giá dầu.
Nga đã tăng cường quan hệ năng lượng với Trung Quốc trong nhiều năm trong bối cảnh bế tắc với phương Tây về việc sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, sau đó là chiến sự Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022.
Trong bối cảnh nguồn năng lượng của Nga bị “xa lánh” tại phương Tây, Trung Quốc đã không ngừng mua dầu mỏ và khí đốt của Moscow, dần thay thế châu Âu để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của quốc gia này.
Năm ngoái, Nga bán khí đốt cho Trung Quốc với giá trung bình 277,1 USD/1.000 m3, trong khi giá khí đốt cho châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ trung bình là 983,8 USD/1.000 m3.
Đối với thị trường châu Âu, tỷ lệ hợp đồng liên quan đến giá giao ngay và giá kỳ hạn đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, với mức giá đạt kỷ lục vào năm 2022 trong bối cảnh châu Âu gặp khó khăn về năng lượng.
Năm nay, Nga dự kiến bán khí đốt cho Trung Quốc với giá trung bình 297,3 USD/1.000 m3, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 501,6 USD của Thổ Nhĩ Kỳ và các khách hàng châu Âu còn lại.
Nga dự kiến xuất khẩu khí đốt qua đường ống ở mức 97 tỷ m3 trong năm nay, giảm so với hơn 131 tỷ m3 vào năm 2022. Khối lượng dự kiến sẽ tăng lên 126 tỷ m3 vào năm 2026 trong bối cảnh nguồn cung tăng dần thông qua các đường ống Power of Serbia.
Quỳnh Anh / Vietnamfinance
Theo Bloomberg