Thị trường Văn phòng TP.HCM
Trong bối cảnh thị trường văn phòng toàn cầu, Châu Âu, Châu Mỹ chứng kiến sự sụt giảm về tỷ lệ hấp thụ do ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế, giá thuê mặt bằng văn phòng của hầu hết các nước phát triển sụt giảm mạnh so với giai đoạn trước dịch Covid; thị trường văn phòng tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương được xem là tương đối ổn định. Trong đó, bất động sản văn phòng tại Việt Nam nằm ở nhóm các nước có triển vọng về giá thuê tốt. Cụ thể, tại TP.HCM, giá thuê mặt bằng văn phòng tuy có sự điều chỉnh nhưng chỉ giảm nhẹ so với năm ngoái. Vào cuối Quý 2/2023, giá thuê văn phòng Hạng A là 45,4 USD/m2/tháng, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Việc điều chỉnh giá thuê của hạng A cho thấy phản ứng nhanh chóng của một số chủ đầu tư để thích ứng với tình hình thực tế nhằm giữ chân khách hàng cũng như nhanh chóng lấp đầy các diện tích trống mới. Giá thuê của văn phòng Hạng B đang ở mức 25,6 USD/m2/tháng, giảm 0,8% so với năm ngoái. Tương tự các chủ nhà hạng A, chủ đầu tư hạng B cũng sẵn sàng đưa ra mức giá thương lượng hấp dẫn nhằm đẩy nhanh tiến độ cho thuê các diện tích trống trong thời gian dài, mức giá ở các tầng cao có thể được điều chỉnh tương đương như các tầng trung để thu hút khách.
Với tiềm lực tài chính tốt, nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm đã trở lại là nhóm ngành năng động nhất trong hoạt động cho thuê với các diện tích thuê lớn, tiếp theo là nhóm ngành Dịch vụ với tỷ lệ lần lượt là 43,7% và 14,2%. Nhóm ngành Bán lẻ/Kinh doanh/Thương mại điện tử, Công nghệ thông tin, Khoa học cuộc sống chiếm khoảng 10% tổng diện tích thuê đối với mỗi nhóm ngành. Về mục đích thuê, các giao dịch về chuyển địa điểm chiếm phần lớn với gần 60% tổng diện tích giao dịch. Trong thời điểm kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc các doanh nghiệp chuyển dịch văn phòng, chủ yếu để tìm kiếm giá thuê cạnh tranh cũng như chất lượng mặt bằng phải được cải thiện. Từ thời điểm cuối năm 2022 đến nay, nhiều chủ tòa nhà văn phòng cũng chủ động sửa chữa, cải tạo mặt bằng để có thể nâng cao hoặc giữ vững mức giá thuê. Các giao dịch trả lại mặt bằng xuất hiện ở một số tòa nhà, nhưng cũng chưa hình thành một xu hướng rõ rệt, chiếm khoảng 6% tổng diện tích giao dịch.
Trong nửa đầu năm 2023, thị trường văn phòng TP.HCM chỉ đón nhận duy nhất 1 tòa nhà văn phòng mới hạng B là OfficeHaus tại quận Tân Phú. Tuy nhiên, phần lớn nguồn cung mới của năm 2023 sẽ được đưa vào vận hành chủ yếu trong nửa sau của năm với khoảng hơn 130.000 m2 NLA và đều là các diện tích cho thuê mới chất lượng cũng như tọa lạc tại các vị trí trung tâm, kết nối thuận lợi.
Tổng diện tích trống cả thành phố trong sáu tháng đầu năm tăng lên gần 13.000 m2, trong đó bao gồm gần 9.000 m2 từ một khách thuê lớn chuyển tới tòa nhà văn phòng mới của mình. Trong những năm gần đây, các công ty lớn thuộc nhóm ngành tài chính-ngân hàng và nhóm sản xuất có xu hướng tự xây dựng tòa nhà văn phòng của riêng mình để làm việc, và một phần diện tích của tòa nhà nếu không sử dụng hết có thể được cho thuê bên ngoài. Theo đó, tỷ lệ trống của các tòa hạng A là 7,5%, hạng B là 10,7%, tăng lần lượt là 1,4 điểm phần trăm và 1,2 điểm phần trăm so với thời điểm cuối năm 2022.
Xu hướng “Văn phòng xanh” đã được CBRE nhắc đến nhiều trong những năm qua dần trở nên rõ nét trên thị trường văn phòng cả tại TP.HCM và Hà Nội. Hơn 75% nguồn cung văn phòng tương lai từ Q3 2023 đến hết 2025 của TP.HCM là các tòa nhà đạt chứng chỉ xanh. Thống kê của CBRE cho thấy, hiện tại có khoảng 33% nguồn cung văn phòng hạng A đã đạt một trong các chứng chỉ xanh với mức giá thuê trung bình cao hơn khoảng 6% so với các tòa nhà hạng A còn lại tại TP.HCM. Ở các nước phát triển, tỷ lệ văn phòng hạng A có chứng chỉ xanh trên tổng nguồn cung có thể lên đến gần 50%. Ngoài các chứng chỉ xanh phổ biến như LEED, BCA Greenmark, hiện tại các chủ đầu tư cũng như khách thuê lớn đều có xu hướng phát triển mặt bằng để đạt chứng chỉ WELL với nhiều lợi ích hướng tới người lao động.
Giá thuê không bao gồm VAT và Phí Dịch vụ. Nguồn: BP. Nghiên cứu, CBRE Việt Nam, Q2/2023.
Với nguồn cung tương lai dồi dào khoảng gần 320.000m2 tính tới thời điểm năm 2025, thị trường văn phòng TP.HCM sẽ cạnh tranh hơn trong thời gian tới. Nhận xét về bất động sản văn phòng cho thuê, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh – Trưởng Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn của CBRE Việt Nam cho biết: “Đầu tư vào công trình xanh hoặc tòa nhà có yếu tố xanh/bền vững dần trở thành một thông lệ – được các chủ đầu tư các nước phát triển áp dụng nhằm bảo chứng giá trị bất động sản. Thực tế cho thấy, những tòa nhà hạng A với vị trí đẹp, tiêu chuẩn mặt bằng cũng như vận hành cao, vẫn thu hút được sự quan tâm của khách thuê dù chưa đi vào hoạt động chính thức. Điều này cho thấy nguồn cầu về dịch chuyển sang mặt bằng chất lượng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bất chấp các thách thức đến từ nền kinh tế.”
Thị trường Bán lẻ TP.HCM
Hầu hết các công trình trung tâm thương mại mới tại TP.HCM đều có tiến độ xây dựng bị trì hoãn và khó có thể hoàn thành theo như dự kiến. Do vậy, trong năm 2023, TP.HCM sẽ không có thêm trung tâm thương mại mới nào đi vào hoạt động. Tổng nguồn cung bất động sản bán lẻ giữ ở mức 961.146 m2 (tính đến Q2/2023).
Mặt bằng trống tại các trung tâm thương mại trong khu vực trung tâm đang rất khan hiếm, với tỷ lệ trống trung bình tại khu vực này chỉ khoảng 5%. Trong bối cảnh các nhãn hàng vẫn rất tích cực tìm kiếm các mặt bằng chất lượng để cung cấp những trải nghiệm độc đáo cho người tiêu dùng, mà mặt bằng lại khan hiếm, đã đẩy giá thuê khu vực trung tâm Quận 1 tăng mạnh từ Quý 2 và Quý 3 năm ngoái (tăng từ 154,4 USD lên hơn 200 USD/m2/tháng) Trong Quý 2/2023, giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng 1 tại các vị trí trung tâm ghi nhận là 234,8 USD/m2/tháng, tăng 9,2% so với năm ngoái và tương đối ổn định so với quý trước. Các vị trí ngoài trung tâm cũng ghi nhận mức tăng là 8,1% so với quý trước, chủ yếu đến từ các trung tâm thương mại ở Quận Bình Thạnh và Quận 2 có hoạt động tốt.
Vì thị trường không có nguồn cung mới và diện tích trống hạn chế nên diện tích hấp thụ ròng trong Qúy 2 khá thấp, với chỉ 3.415 m2. Tuy nhiên, thị trường liên tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà bán lẻ nước ngoài trong lĩnh vực thời trang, phụ kiện, sức khỏe và sắc đẹp. Các tổ chức nước ngoài tiếp tục đầu tư và quan tâm mạnh mẽ đến mảng bất động sản bán lẻ tại Việt Nam. Aeon, Central Group, Lotte, Toshin Development và các nhà đầu tư lớn khác đang lên kế hoạch mở rộng tại thị trường Hà Nội và Việt Nam trong vòng 3-5 năm tới. Các mặt bằng bán lẻ vẫn là nơi tạo ra phần lớn doanh thu bán hàng cho các nhãn hàng, là nơi người tiêu dùng tìm đến vì các trải nghiệm độc đáo mà loại hình bán lẻ trực tuyến không cung cấp được. Nhờ những động lực này, tỷ lệ trống trung bình của TTTM tại TP.HCM tiếp tục giám 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và 1,6 điểm phần trăm so với năm trước, xuống còn 9,6%.
Tuy nhiên, thực tế của mảng bất động sản bán lẻ không hoàn toàn là màu hồng. Tháng 4/2023, Parkson Việt Nam nộp đơn xin phá sản tự nguyện sau nhiều năm thua lỗ và chính thức rời khỏi Việt Nam. Loại hình TTTM tổng hợp đã không ghi dấu được tại thị trường Việt Nam do mô hình kinh doanh thiếu tính trải nghiệm và dịch vụ cung cấp không đủ đa dạng. Parkson Hùng Vương đã đổi đơn vị vận hành và sẽ được tái khai trương như với mô hình TTTM. Trong khi đó, Parkson Saigontourist sẽ tạm thời được Saigontourist, là chủ đầu tư của dự án tự quản lý.
Hiện TP.HCM chỉ có hai TTTM tổng hợp độc lập là Diamond Plaza và Nowzone với diện tích cho thuê chưa đến 10.000 m2 mỗi trung tâm. Bên cạnh hai trung tâm này còn có TTTM tổng hợp Robins và TTTM tổng hợp Takashimaya; là những khách thuê chủ chốt của các TTTM lớn.
Trong năm 2024, TP.HCM có thể có thêm gần 66.000 m2 diện tích bán lẻ mới từ hai dự án ở ngoài trung tâm là Vincom Mega Mall ở Quận 9 và Parc Mall ở Quận 8.
Theo Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, phó giám đốc BP. Nghiên cứu và tư vấn, CBRE Việt Nam: “Mặt bằng bán lẻ tại trung tâm tiếp tục khan hiếm, tuy nhiên giá thuê sẽ bình ổn hơn sau khi tăng mạnh trong hai năm vừa qua. Tại khu vực ngoài trung tâm, các thương hiệu bán lẻ ưa chuộng các mặt bằng chất lượng được quản lý chuyên nghiệp.”
Ghi chú: Giá chào thuê được tính cho Tầng trệt và Tầng một, chưa bao gồm thuế GTGT và phí dịch vụ. Nguồn: BP. Nghiên cứu, CBRE Việt Nam, Q2/2023.
Thị trường BĐS Công nghiệp Việt Nam
Thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng của thị trường BĐS Việt Nam nửa đầu năm 2023 với tỷ lệ hấp thụ ghi nhận khả quan ở cả đất công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn (RBF và RBW) cả miền Bắc và miền Nam.
Đối với thị trường đất công nghiệp, diện tích hấp thụ trong 6 tháng đầu năm 2023 của các thị trường cấp 1 miền Bắc và miền Nam lần lượt đạt 386 ha và 397 ha. Mức hấp thụ này cao hơn 20% đối với miền Nam và 60% đối với miền Bắc so với nửa đầu năm 2022. Do quỹ đất công nghiệp sẵn sàng để bàn giao rất hạn chế ở cả hai miền, trong khi nguồn cầu dồi dào, giá thuê đất công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng mạnh. Giá thuê trung bình cho thị trường cấp 1 ở miền Bắc và miền Nam lần lượt ở ngưỡng 127 USD và 187 USD/m2/kỳ hạn còn lại. Trong 4 năm qua, trung bình giá thuê tăng 7%/năm ở miền Bắc và 13%/năm ở miền Nam.
Đối với thị trường nhà kho và nhà xưởng xây sẵn, nguồn cung đã tăng trưởng mạnh trong ba năm vừa qua. Trong sáu tháng đầu năm 2023, tổng cộng 0,9 triệu m2 nhà kho và nhà xưởng xây sẵn đã được hoàn thành tại thị trường Cấp 1 ở cả hai khu vực, trong đó 60% nguồn cung này tới từ phía Bắc. Nguồn cung đã tăng hơn 20% mỗi năm ở miền Bắc và 18% – 49% mỗi năm ở miền Nam trong bốn năm qua. Khi cạnh tranh gia tăng, tốc độ tăng trưởng giá thuê của các phân khúc này ở mức vừa phải, duy trì quanh mức 2-3%/năm trong 4 năm qua.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, tình trạng thiếu hụt đơn hàng diễn ra hầu hết tại các ngành công nghiệp truyền thống như may mặc và da giày. Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông và các ngành công nghệ cao vẫn ghi nhận sự tham gia và mở rộng của các doanh nghiệp nước ngoài.
Về nguồn cầu, khu vực phía Bắc tiếp tục ghi nhận sức cầu mạnh mẽ từ lĩnh vực điện tử. Trong nửa đầu năm 2023, thị trường ghi nhận sự mở rộng của các nhà sản xuất lớn như Foxconn và Goertek tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Ngoài ra, sự mở rộng mạnh mẽ của các nhà sản xuất Trung Quốc trong các lĩnh vực khác nhau cũng góp phần giúp phân khúc đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn ghi nhận mức hấp thụ tốt tại phía Bắc. Trong khi đó, nhu cầu thị trường phía Nam rất đa dạng. Khách thuê thuộc các ngành sản xuất ô tô, may mặc và bao bì nằm trong số những nhóm ngành tích cực tìm kiếm đất công nghiệp, kho và xưởng xây sẵn ở miền Nam.
Ghi chú:
Thị trường cấp 1
• Khu vực miền Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương
• Khu vực miền Nam: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An
Nguồn: BP. Nghiên cứu, CBRE Việt Nam, Q2/2023.
Trong tương lai, giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng ở mức thấp hơn trước, rơi vào khoảng 4-8%/năm sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh. Trong khi, giá thuê kho xưởng xây sẵn có thể chỉ tăng nhẹ dưới 4% trong 12 tháng tới ở cả hai khu vực do cạnh tranh cao hơn từ các dự án tương lai.
Về xu hướng trong tương lai, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh – Trưởng Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn của CBRE Việt Nam, chia sẻ “Mặc dù chúng tôi chưa thấy bằng chứng rõ ràng về chênh lệch giá thuê của các dự án công nghiệp đạt chứng chỉ xanh tại Việt Nam, nhưng khách thuê đã bắt đầu có xu hướng ưu tiên hơn đối với các dự án được phát triển bền vững và chú trọng vào năng lượng tái tạo. Thực tế có ngày càng nhiều dự án công nghiệp được đăng ký và có chứng nhận LEED tại Việt Nam. Tính đến Quý 2/2023, hàng loạt dự án bất động sản công nghiệp đã đăng ký cấp chứng nhận LEED, như Core5 – Hải Phòng, Logos – Bắc Ninh, RBW tại KCN Phú Tân – Bình Dương, RBW tại KCN Xuyên Á – Long An,.. Như các lĩnh vực thương mại khác, việc phát triển bền vững cũng sẽ trở thành xu hướng bắt buộc của bất động sản công nghiệp.”
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam
Thị trường nhà ở TP.HCM
Tính trong sáu tháng đầu năm 2023, nguồn cung căn hộ chào bán tiếp tục sụt giảm với chỉ hơn 4.100 căn, giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn số lượng căn hộ mở bán mới đến từ phân kỳ tiếp theo của các dự án đã mở bán giai đoạn trước, chiếm tới 65% tổng nguồn cung mới trong 6 tháng đầu năm. Riêng trong Quý 2/2023, không có dự án mới nào được mở bán.
Chỉ có phân khúc cao cấp và trung cấp ghi nhận nguồn cung mới. Trong đó, phân khúc cao cấp giảm 12% số lượng mở bán mới trong 6 tháng đầu năm 2023 so với 6 tháng cuối năm 2022, và chỉ bằng 28% số lượng mở bán mới của giai đoạn cùng kỳ năm trước. Mặt khác, phân khúc căn hộ trung cấp có sự cải thiện nhẹ, với hơn 1.200 căn hộ được mở bán mới trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Khu Đông tiếp tục là nơi tập trung nhiều nguồn cung căn hộ mới, với hơn 80% nguồn cung mới đều đến từ TP. Thủ Đức.
Nhiều chủ đầu tư có xu hướng chờ đợi thị trường nên trì hoãn mở bán mới xuyên suốt tháng 4 và tháng 5, các động thái mở bán mới và sự kiện trước mở bán chính thức đều rơi vào khoảng thời gian giữa cuối tháng 6/2023. Ngoài ra, thay vì các đợt mở bán tập trung, một số chủ đầu tư chỉ mở bán mới số lượng ít và tư vấn riêng lẻ cho khách hàng. Nguyên nhân là do các chủ đầu tư còn e ngại trước tốc độ hấp thụ kém của thị trường từ giai đoạn trước, dù các dự án vẫn đang được đẩy nhanh quá trình thi công.
Do vậy, hầu hết các giao dịch thành công ghi nhận trong Quý 2/2023 đều đến từ lượng căn hộ đã chào bán từ các giai đoạn trước, trong đó, giá bán sơ cấp giảm và các chính sách bán hàng vượt trội được xem là động thái tiên quyết từ phía các chủ đầu tư nhằm kích cầu thị trường, và thực tế, đã giúp tăng tỉ lệ hấp thụ cho thị trường căn hộ tại TP.HCM trong 3 tháng gần đây.
Cụ thể, giá sơ cấp trung bình trong Quý 2/2023 đạt mức dưới 60 triệu đồng/m2, giảm 4,8% so với quý trước và lần đầu tiên ghi nhận mức giảm trong 5 năm trở lại đây kể từ năm 2018. Nhiều dự án đã mở rộng biên độ giá bán ứng với các điều kiện thanh toán khác nhau nhằm thu hút khách hàng, đặc biệt với các căn hộ nằm trong phân khu đã được bàn giao. Điển hình như một số dự án cao cấp ở khu Đông có giá bán giai đoạn trước từ 50-75 triệu đồng/m2 đã điều chỉnh khoảng giá xuống 35-65 triệu đồng/m2 ứng với các tiến độ thanh toán khác nhau, vì vậy trung bình giá của dự án cũng giảm đáng kể so với giai đoạn trước. Cũng nhờ điều chỉnh khoảng giá bán, tỉ lệ hấp thụ của các dự án này trong quý gần nhất đạt gần 80%.
Mặt khác, ở thị trường thứ cấp, giá bán trung bình vẫn tiếp tục thể hiện xu hướng giảm, giảm 4% so với Quý 1/2023 và giảm gần 5% so với cuối năm 2022. Mức giảm này chủ yếu tập trung ở phân khúc hạng sang và cao cấp, với mức giảm có thể lên đến 20-30% so với cuối năm 2022 đối với một số dự án tại khu vực TP. Thủ Đức. Ở chiều ngược lại, giá thứ cấp của phân khúc trung cấp và bình dân trong nửa đầu Quý 2/2023 vẫn tăng, lần lượt là 6% và 4% so với cuối năm 2022, do mức giá trên thị trường sơ cấp khá cao, người mua nhà có xu hướng tìm tới các dự án đã bàn giao có giá bán hợp lý.
Nguồn: BP. Nghiên cứu, CBRE Việt Nam, Q2/2023.
Về nguồn cầu, có thể nói nguồn cầu về căn hộ ở TP.HCM vẫn rất cao. Sau 3 tháng đầu năm thấp kỷ lục, số lượng căn hộ bán tại TP.HCM trong Quý 2 đã một lần nữa ghi nhận cao hơn số lượng căn hộ mở bán mới trong quý. Ngay khi các chủ đầu tư áp dụng thay đổi chính sách ưu đãi giúp người mua dễ tiếp cận giá bán hơn, số lượng căn hộ tiêu thụ tăng đáng kể, với gần 1.500 giao dịch trong Quý 2/2023 tại TP.HCM. Vào cuối tháng 6, thị trường ghi nhận gần 2.000 giao dịch đặt chỗ của một số dự án dự kiến sẽ chính thức mở bán ra thị trường trong thời gian tới. Lượng đặt chỗ này hứa hẹn một tỷ lệ bán tốt trong Quý 3.
Thực tế cho thấy, ở thời điểm hiện tại, vấn đề đầu tiên người mua quan tâm nhất chính là mức giá phù hợp, sau đó là tính pháp lý của dự án. Các dự án dù áp dụng nhiều chính sách giãn tiến độ nhưng không có sự điều chỉnh mức giá phù hợp vẫn gặp khó khăn trong việc thanh khoản sản phẩm.
Giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp: USD/m2 (chưa bao gồm thuế GTGT và được tính trên diện tích thông thủy). Nguồn: BP. Nghiên cứu, CBRE Việt Nam, Q2/2023.
Riêng đối với thị trường nhà xây sẵn, trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ có 15 căn được mở bán từ 1 dự án chào bán lần đầu tại khu vực quận Bình Tân. Đây là số lượng nguồn cung mới thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây tại TP.HCM. Với nguồn cung mới hạn chế, giá chào bán sơ cấp trung bình của toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao, với khoảng 252 triệu đồng/m2 đất. Trong khi đó, thị trường thứ cấp ghi nhận sự giảm nhẹ so với đầu năm 2023, chủ yếu đến từ một số dự án có số lượng sản phẩm lớn và có yếu tố đầu cơ cao. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, nhiều chủ đầu tư đã chủ động đưa ra nhiều chính sách bán hàng mới, linh hoạt hơn, nhằm kích cầu thị trường trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đầy khó khăn.
Một trong những điểm nhấn của nửa đầu năm 2023 là việc các dự án căn hộ liên tục được gỡ vướng pháp lý. Tính đến tháng 6/2023, trong tổng số 180 dự án bất động sản đang được rà soát, có 16 dự án ở TP.HCM đã có hướng giải quyết. Đối với 148 dự án trong danh mục đề nghị được tháo gỡ vướng mắc pháp lý còn lại tại TP.HCM, mục tiêu đến cuối năm sẽ có thêm 50 dự án hoàn thành gỡ vướng pháp lý. Các nỗ lực quyết liệt và nhanh chóng từ phía chính quyền và các cơ quan điều hành được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến việc củng cố niềm tin cho sự phục hồi và tính minh bạch của thị trường bất động sản TP.HCM.
Với phân khúc nhà ở xã hội, chính sách lãi suất ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng của chính phủ được kỳ vọng là động lực thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới tại TP.HCM nhằm giải quyết yếu tố mất cân bằng cung cầu đã tồn tại ở thị trường này trong nhiều năm nay. Tuy vậy, kể từ khi ban hành đến nay, chỉ có 6 dự án tại TP.HCM thỏa điều kiện được giải ngân từ gói hỗ trợ này.
Nhận định về triển vọng thị trường trong 6 tháng cuối năm 2023, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng “Khả năng thanh khoản của thị trường căn hộ TP.HCM sẽ dồi dào hơn trong 2 quý cuối năm 2023. Đến cuối năm 2023, dự kiến sẽ còn nhiều ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay khi áp lực chi phí vốn từ các ngân hàng đã phần nào hạ nhiệt. Bên cạnh đó, hàng loạt các tín hiệu tích cực của thị trường sẽ diễn ra về các tháng cuối năm, điển hình là việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công (như hoàn thiện tuyến Metro số 1, dự kiến giải phóng mặt bằng tuyến Metro số 2, khởi công các dự án thành phần thuộc các tuyến vành đai trọng điểm khu vực TP.HCM…) cùng với nỗ lực gỡ vướng pháp lý cho hàng loạt dự án bất động sản, các tháng cuối năm 2023 sẽ là giai đoạn tiền đề, tác động lớn lên sự phục hồi của thị trường bất động sản TP.HCM trong năm 2024.”.
Bảo Quyên / Thị Trường Giao Dịch