“Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) có mối quan hệ kinh tế ‘cộng sinh’ mạnh mẽ và Bắc Kinh hy vọng khối này có thể trở thành đối tác đáng tin cậy cho sự hợp tác”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa trong cuộc điện đàm mới đây.
Ông Tập nhấn mạnh thêm rằng miễn là Trung Quốc và châu Âu tôn trọng lẫn nhau, đối xử với nhau một cách bình đẳng và tham gia vào cuộc đối thoại chân thành, hai bên có thể “thúc đẩy hợp tác và đạt được những điều tuyệt vời”.
Theo ông Tập Cận Bình, Trung Quốc và châu Âu nên tăng cường giao tiếp chiến lược và tăng cường lòng tin lẫn nhau khi tình hình quốc tế trở nên nghiêm trọng và phức tạp hơn.
“Hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai bên bổ sung và cùng có lợi, và nên tạo ra những điểm mới để mở rộng hợp tác”, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định.
Những tuyên bố của ông Tập Cận Bình được đưa ra khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chuẩn bị cho đợt tăng thuế sắp tới của Mỹ đối với các sản phẩm của Trung Quốc khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào cuối tháng này và phải đối mặt với căng thẳng thương mại gia tăng với EU.
Trung Quốc và Mỹ đã có những lời chỉ trích và các biện pháp trả đũa để hạn chế xuất khẩu công nghệ và vật liệu quan trọng cho nhau, trong khi EU đã áp thuế đối với xe điện của Trung Quốc.
“EU và Trung Quốc là những đối tác thương mại quan trọng. Mối quan hệ của chúng ta cần phải cân bằng và dựa trên một sân chơi bình đẳng”, ông Costa viết trên X sau cuộc trò chuyện mà ông gọi là “mang tính xây dựng” với ông Tập Cận Bình.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố vào đầu tuần này rằng họ sẽ hạn chế hơn nữa việc xuất khẩu chip và công nghệ trí tuệ nhân tạo, duy trì lệnh cấm xuất khẩu sang các quốc gia bao gồm Trung Quốc.
Bộ thương mại Trung Quốc đã chỉ trích các quy định mới của Mỹ. Hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn của nước này đã lên tiếng kêu gọi ngành công nghệ toàn cầu chống lại “bá quyền công nghệ” của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo quan điểm được nêu tại hội nghị Dự báo Trung Quốc lần thứ 6 của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Merics) diễn ra mới đây, những điểm bất ổn trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến sẽ gây áp lực buộc các nhà sản xuất Trung Quốc phải vận chuyển hàng hóa nhà máy dư thừa sang châu Âu với giá thấp.
Trong khi đó, những người tham gia thảo luận tại sự kiện phát cho biết họ mong đợi Mỹ vẫn là đồng minh của châu Âu, bất chấp mọi ẩn số xung quanh chính sách đối ngoại của tổng thống đắc cử Donald Trump.
Theo số liệu hải quan của cả hai bên, kim ngạch thương mại Trung Quốc – EU đạt 762 tỷ USD vào năm ngoái, chỉ tăng 1,6% so với năm 2023.
Các lô hàng xe điện của Trung Quốc sang châu Âu năm ngoái đã gây ra một cuộc điều tra chống trợ cấp kết thúc vào tháng 10 với mức thuế lên tới 35,3% đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
Bắc Kinh, nói rằng thuế quan đại diện cho “sự cạnh tranh không lành mạnh” và đã phản ứng bằng một khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới và bằng các khoản thuế đối với rượu mạnh nhập khẩu từ châu Âu. Bắc Kinh cũng đang cân nhắc liệu có nên tăng thuế đối với các loại xe cơ giới động cơ lớn của châu Âu hay không.
Khối châu Âu đã tiến hành các cuộc điều tra chống trợ cấp riêng biệt đối với các tấm pin mặt trời của Trung Quốc và một hãng sản xuất tàu hỏa của Trung Quốc.
Merics công bố kết quả khảo sát cho thấy 2/3 trong số 843 chuyên gia từ 58 quốc gia tin rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2025 sẽ dưới 5%. Hơn 2/5 số người được hỏi cho biết các vấn đề về bất động sản trong nước là rủi ro lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt.
Trước những mối đe dọa tiềm tàng, bà Julia Friedlander, CEO của Atlantik-Brucke, một nhóm vận động cho quan hệ Đức – Mỹ khuyên 27 thành viên EU nên kiên quyết ủng hộ Brussels hơn.
Trong số những người trả lời khảo sát, 70% mong đợi Trung Quốc sẽ định hướng chính sách đối ngoại năm 2025 của mình theo hướng tăng cường hợp tác với các đối tác ngoài phương Tây, nhưng sẽ gần gũi hơn với Hungary, thành viên EU, quốc gia có lập trường tương đối thân thiện đối với hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Theo Reuters, SCMP
Theo Quang Đăng / Vietnamfinance.vn