Thủ tướng Estonia Kaja Kallas khẳng định rằng Estonia là quốc gia đầu tiên thuộc Liên minh châu Âu (EU) đưa ra kế hoạch pháp lý để chuyển các tài sản bị phong tỏa của Nga sang Ukraine và các quốc gia khác có thể sử dụng mô hình này trong tương lai.
Liên minh châu Âu (EU) luôn ấp ủ kế hoạch đem số tài sản của Nga bị đóng băng phục vụ cho công cuộc tái thiết ở Ukraine.
Các nhà lập pháp EU từ lâu đã ấp ủ kế hoạch huy động hàng tỷ euro từ việc khai thác tài sản bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine.
Dù vậy, tính đến nay, Estonia là nước đầu tiên thuộc EU công bố kế hoạch riêng về việc thiết lập một cơ chế pháp lý để tịch thu các tài sản của Nga đã bị đóng băng như một phần của lệnh trừng phạt liên quan chiến dịch quân sự của nước này ở Ukriane.
Được biết, Estonia đã đóng băng 34,5 triệu euro (37,7 triệu USD) tài sản của Nga kể từ khi bắt đầu xung đột. Khối tài sản này bao gồm hơn 8,7 triệu euro (9,5 triệu USD) bị cơ quan thuế và hải quan phong toả, theo văn phòng chống rửa tiền Estonia.
Theo kế hoạch do Bộ Ngoại giao Estonia soạn thảo, những tài sản của Nga bị tịch thu ở Estonia nên được phục vụ cho việc tái thiết Ukraina sớm.
Thủ tướng Estonia Kallas cho hay quyết định đã được các bộ trưởng trong nội các thảo luận và gần như đã sẵn sàng nhưng vẫn còn một số chi tiết cần được làm rõ.
Cũng theo bà Kallas, kế hoạch này sẽ được chính phủ phê chuẩn “trong những tuần tới”. Văn bản này cũng sẽ đưa ra cách thức chuyển giao số tiền tịch thu của Nga cho Ukraine.
Bà Kallas cho rằng những thiệt hại ở Ukraine ngày càng gia tăng và “thật không công bằng khi những người đóng thuế ở các nước dân chủ phải bồi thường thiệt hại”.
Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các kho lưu ký chứng khoán của EU đã phong tỏa khoảng 196,6 tỷ euro (215 tỷ USD) tài sản của nước này. Trong đó, riêng Euroclear có trụ sở tại Bỉ trong quý I/2023 đã có 734 triệu euro (805 triệu USD) tiền lãi từ số tiền bị đóng băng của Nga.
Phía Ukraine tin rằng EU có thể huy động 3 tỷ euro mỗi năm từ việc nắm giữ tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga. Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp trong khối đã chỉ ra rằng “không có con đường pháp lý đáng tin cậy nào cho phép tịch thu tài sản bị phong tỏa hoặc tài sản cố định chỉ vì lý do duy nhất là những tài sản này đang chịu các biện pháp hạn chế của EU”. Nói cách khác, hệ thống pháp luật EU chỉ cho phép “đóng băng” tài sản chứ không được sung công.
Minh Đăng / Vietnamfinance
Theo RT