Đại biểu Quốc hội cho rằng quy định “người thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trở lên, phải đóng thuế thu nhập cá nhân không được mua nhà ở xã hội” là chưa phù hợp.
Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 5/6, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn cho biết, dự thảo luật đang quy định điều kiện mua nhà ở xã hội là “công nhân, người lao động có thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân” nhằm bảo đảm công bằng đối với người thu nhập thấp nói chung, không phân biệt là làm việc trong hay ngoài khu công nghiệp.
Theo ông Toàn, quy định này sẽ loại bỏ hàng loạt trường hợp cũng cần hưởng chính sách được mua nhà ở xã hội, vì những người thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Chưa kể các khoản lo khác cho gia đình, con cái học hành…thì “lấy đâu tiền mua nhà”. Do đó, cần quy định cụ thể là mức thuế bao nhiêu trở lên mới không được mua nhà xã hội.
“Tôi cho rằng cần mở rộng phạm vi thu nhập, tức là có những đối tượng có thể vẫn nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng họ sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, tiêu dùng đắt đỏ, trong khi giá nhà cao, người dân không đủ tích lũy. Vì thế, nếu đưa ra quy định như dự thảo luật là không phù hợp”, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) cũng phân tích.
Bà cho rằng, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ với đối tượng công nhân, người lao động làm trong khu công nghiệp, cán bộ công chức, viên chức nếu áp dụng thêm giới hạn có thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân là không phù hợp.
Theo bà Thanh, có những trường hợp nộp thuế nhưng thu nhập không đủ sống, cần cân nhắc mở rộng phạm vi thu nhập để mở rộng đối tượng này nhằm có chính sách cho công nhân có nhà ở và đảm bảo cuộc sống.
Thêm nữa, bà Thanh cho rằng hiện nay quy định về thuế thu nhập cá nhân với mức giảm trừ gia cảnh đã không còn phù hợp. Quy định 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng duy trì từ năm 2020 đến nay, trong khi các mặt hàng tiêu dùng, chi phí sinh hoạt đã tăng sẽ là áp lực rất lớn cho người dân trong chi tiêu, đặc biệt tại các thành phố lớn, chứ chưa nói đến việc mua nhà.
Do đó, đại biểu Thanh nhấn mạnh, không nhất thiết chỉ là những người thuộc diện này, cần mở thêm đối tượng để gia tăng việc tiếp cận nhà ở xã hội, đảm bảo tính linh hoạt hơn.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cũng kiến nghị, khi xây dựng khung, bảng lương, thu nhập cho người lao động, làm công ăn lương ở các thành phần kinh tế thì cần tính toán đến khả năng mua/thuê nhà ở xã hội.
“Tôi đề nghị các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp tập trung, khu kinh tế dứt khoát phải có các dự án nhà ở xã hội cung cấp chỗ ở cho người lao động với mục đích phi lợi nhuận. Thậm chí có thể thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội ở các đô thị có nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung quy mô lớn để các doanh nghiệp có nhiều công nhân chưa có chỗ ở thì đóng góp vào quỹ để phát triển nhà ở xã hội cho người lao động”, bà Yên đề nghị.
Đề xuất Nhà nước quy định giá nhà ở xã hội
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nhà ở xã hội có hai hình thức: do Nhà nước đầu tư hoặc doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng. Trường hợp dự án nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư cần quy định rõ UBND tỉnh, thành phố có quyền giao chủ đầu tư thực hiện. Nhà nước sẽ quy định giá bán cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Còn trường hợp doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, ông Phớc nói cũng cần Nhà nước duyệt giá. Bởi, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, nhưng đất là Nhà nước giao đất sạch, không thu tiền sử dụng đất, Nhà nước phải khống chế mức bán tối đa. Như vậy, nhà ở xã hội mới bán, cho thuê đúng đối tượng. Còn nếu không, sẽ rơi vào “kênh” nhà ở thương mại.
“Nhà nước phải quyết giá với nhà ở xã hội. Dự án do Nhà nước đầu tư thì bán đúng giá, còn doanh nghiệp bỏ vốn phải quy định giá tối đa, tức giá trần. Khi bán giá tối đa, doanh nghiệp tiết kiệm hơn, họ sẽ có lời“, ông nói.
HÀ CƯỜNG / VTC News