Gần đây, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành chủ đề “nóng” tại Mỹ, nguyên do là từ bản cáo buộc lén lút dùng 130.000 USD để bịt miệng cựu ngôi sao người lớn Stormy Daniels về việc cả hai từng qua lại, gây tranh cãi suốt nhiều ngày giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà.
Vừa tuyên bố tái tranh cử tổng thống, ông Donald Trump lập tức vướng lùm xùm
Bị cáo buộc dùng tiền bịt miệng diễn viên Stormy Daniels
Tuần vừa rồi, dư luận Mỹ xôn xao trước bản cáo trạng buộc tội ông Trump đã phát sinh quan hệ tình ái đối với nữ ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels (tên thật là Stephanie Clifford) vào giai đoạn năm 2016, không lâu sau khi ông tuyên bố tái tranh cử cho vị trí tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2017 – 2021.
Theo đó, luật sư của ông Trump lúc bấy giờ là Michael Cohen, chịu trách nhiệm dàn xếp êm ả vụ việc bằng cách đưa cho bà Daniels 130.000 USD để “mua” sự im lặng.
Ông Cohen sau này chính là người đã đưa những thông tin này ra trước cơ quan chức năng vào thời điểm ông bị lấy lời khai vì vi phạm tài chính trong chiến dịch tranh cử liên bang vào tháng 8/2018. Chưa dừng lại ở đó, ông Cohen cho biết mình còn nhận lệnh của cựu Tổng thống Donald Trump giải quyết thêm một khoản thanh toán khác cho cựu người mẫu playboy, Karen McDougal.
Hiện tại, đối với phía công tố viên, ông Cohen là nhân chứng rất quan trọng nắm giữ những thông tin và chứng cứ mà chỉ mình ông mới có, chẳng hạn như những tấm séc chứng minh giao dịch chuyển tiền cho ngôi sao đóng phim người lớn Stormy Daniels.
Người chịu trách nhiệm tìm kiếm các cáo buộc chống lại Trump trong vụ lần này là một công tố viên từ Manhattan thuộc Đảng Dân chủ, Alvin Bragg. Ông Bragg cũng được biết đến là người đã từng đối đầu với ông Trump hết lần này tới lần khác, thậm chí ông còn đang tham gia vào các vụ kiện dân sự chống lại “quỹ Trump” (quỹ từ thiện mang tên cựu tổng thống Mỹ).
Phản ứng của ông Trump cùng hai Đảng Dân chủ và Cộng hoà
Sau khi nhận được cáo buộc, ông Trump đã lên tiếng phủ nhận có quan hệ tình ái với bà Daniels trong giai đoạn năm 2016, khẳng định ông không làm gì sai và vẫn sẽ tiếp tục vận động tranh cử bình thường ngay cả khi bị buộc tội. Đội ngũ luật sư của ông Trump cũng đang tích cực bảo vệ ông bằng cách bác bỏ toàn bộ các chứng cứ mà nhân chứng chủ chốt, ông Cohen, đưa ra cho cơ quan chức năng trước đó.
Ông Trump còn thẳng thắn nói rõ rằng bản cáo trạng có thể là đòn bẩy giúp ông thuận lợi hơn trong việc tập hợp những người ủng hộ mình. Do đó, ngày 18/3 vừa rồi, Donald Trump đã tự đưa ra dự đoán mình sẽ bị bắt vào ngày 31/3 và lên kế hoạch kêu gọi biểu tình vào ngày mình bị bắt.
Lo lắng trước tình hình hỗn loạn có thể xảy ra do các cuộc biểu tình từ những người ủng hộ ông Trump, các sĩ quan cảnh sát tại New York đã phải dựng hàng rào an ninh bên ngoài toà án Manhattan và văn phòng của công tố viên Alvin Bragg vào ngày 20/3.
Về phía Đảng Cộng hoà, khi các thông tin về bản cáo trạng được đưa ra, đa số các thành viên của Đảng Cộng hoà đều cho rằng đây là một cuộc tấn công mang mục đích chính trị. Lý do là bởi thời điểm bản cáo trạng được đưa ra là ngay sau khi ông Trump có động thái tuyên bố tái tranh cử vị trí tổng thống Mỹ vào năm 2024.
Nhiều thành viên đã hết mình bảo vệ ông Trump và lên án công tố viên Alvin Bragg mà không cần chờ kết quả chi tiết của bất kỳ một bản cáo trạng nào. Họ cho rằng tình thế có thể lật ngược nếu đội ngũ pháp lý của ông Trump thành công lập luận công tố viên Đảng Dân chủ Alvin Bragg nhằm vào cựu tổng thống Mỹ vì lợi ích chính trị, cộng thêm vụ bê bối của ông đã xảy ra cách đây 7 năm mà thông thường, thời hiệu xử lý vụ việc tương tự chỉ kéo dài 5 năm.
Đối nghịch với Đảng Cộng hoà, Đảng Dân chủ phản bác rằng bất cứ ai kể cả các cựu tổng thống cũng đều phải tuân theo luật và quy trình pháp lý như bao người khác. Đồng thời, Đảng Dân chủ cũng lên án hành vi kích động những người ủng hộ ông đứng lên biểu tình.
Đảng Dân chủ cho rằng, cựu tổng thống Mỹ hiểu rõ tầm ảnh hưởng của mình hơn ai hết, trong quá khứ, ông Trump từng nhiều lần dẫn đến bạo lực trong các cuộc vận động tranh cử chỉ bằng vài câu nói. Chính vì lý do này, lời kêu gọi biểu tình của ông Trump sẽ có thể dấy lên làn sóng bạo loạn tại New York.
“Nếu ông Trump có thể thành công tự bảo vệ bản thân trước bản cáo trạng về số tiền dùng để bịt miệng bà Daniels, chúng ta có thể dự đoán rằng ông ấy sẽ sử dụng nó như một tiền lệ chứng minh rằng, tất cả các cáo buộc chống lại vị cựu tổng thống này chỉ là một “cuộc săn phù thuỷ” (lời buộc tội cảm tính đến từ những tin đồn thất thiệt)”, giáo sư trường luật Loyola ở Los Angeles, bà Jessica Levinson bày tỏ quan điểm.
Bà Levinson lo lắng, nếu ông Trump thắng kiện, đây sẽ là một “sự hả hê có tác động leo thang”, bởi nó không chỉ cho thấy các cáo buộc liên quan đến Trump là vô căn cứ và ông Trump vốn không làm gì sai, mà còn khiến các công tố viên phải cân nhắc cẩn trọng hơn khi muốn buộc tội ông Trump trong những vụ khác.
Cũng có những luồng suy nghĩ việc truy tố của vị cựu tổng thống này đóng vai trò như một đòn bẩy, giúp ông đi xa hơn trong chiến dịch tranh cử tổng thống sắp tới: “Có thể chắc chắn rằng, ông Trump sẽ biến bản cáo trạng thành vũ khí của mình để đạt được lợi ích chính trị. Chúng tôi đã chứng kiến ông ấy làm điều này nhiều lần trước đây”, bà Jen Psaki, cựu thư ký báo chí Nhà Trắng quan ngại.
Donald Trump có còn quyền tranh cử tổng thống?
Tính đến thời điểm này, đây không phải cuộc điều tra duy nhất mà ông Trump phải đối mặt. Trước đó, ông cùng tổ chức của mình đã nhiều lần vào tầm ngắm qua một loạt các vụ việc như: bạo loạn Đồi Capitol; giữ trái phép tài liệu mật của Nhà Trắng tại dinh thự Mar-a-Lago; bị tố can thiệp gây sức ép cho quan chức vào cuộc bầu cử tổng tống 2020; cáo buộc Trump Organization khai gian về giá trị bất động sản mà tổ chức sở hữu; gần đây nhất là lùm xùm liên quan đến ngôi sao người lớn Stormy Daniels.
Theo đánh giá của giới chuyên gia pháp lý, có khả năng các phiên toà xét xử vụ việc phải hơn một năm nữa mới diễn ra, bởi đây là khoảng thời gian trung bình một vụ án hình sự ở New York chuyển từ trạng thái cáo buộc sang xét xử. Điều này đồng nghĩa với việc, ông Trump có thể sẽ hầu toà vào đúng chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Câu hỏi được đặt ra là nếu trong trường hợp ông thực sự bị truy tố và kết án, liệu ông Trump có thể tranh cử bình thường hay không?
Hiện tại, theo các quy định của Hiến pháp Mỹ, không có điều khoản nào cấm ứng viên bị truy tố hay kết án tham gia tranh cử, thậm chí là đắc cử. Mặc dù vậy, kết quả bỏ phiếu có thể sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều khi người dân thiếu lòng tin vào một ứng cử viên có khả năng bị bỏ tù.
“Kể cả khi bị truy tố hay kết án thì điều này cũng không thể ngăn cản khả năng ông Trump có thể trở thành tổng thống Mỹ”, GS luật Đại học California Richard Hasen nhận định.
Bản thân ông Trump cũng đang lên tiếng phủ nhận toàn bộ các cáo buộc nhắm vào ông và đồng thời tuyên bố ông vẫn sẽ tham gia tranh cử bình thường vào năm 2024.
Quốc Anh / Vietnamfinance
Theo Bloomberg, Reuters, CNN, The New York Times