Ít phút trước khi bom dội xuống căn hộ, gia đình Daqneesh đang ngồi trong phòng khách và tận hưởng những giây phút thư giãn hiếm hoi giữa thành phố đang bị bao vây.
Tối 17/8, ông Abu Ali Daqneesh ngồi trên ghế sofa còn con trai út Omran. Một con trai và hai con gái khác cũng ở trong nhà, trong khi con trai cả chơi đùa ngoài phố cùng các bạn.
Không khí tĩnh lặng nhưng vẫn nóng bức dù mặt trời đã lặn. Omran không đi giày còn ông Abu Ali đã cởi chiếc áo sơmi ra. Ông nhìn cậu con trai nhỏ đang ngồi bên cạnh và mái tóc đen lồm xồm của thằng bé.
Đột ngột căn nhà sập xuống. Đó là buổi tối bình yên cuối cùng của gia đình họ.
Ngồi trò chuyện với một nhà hoạt động Syria bên ngoài ngôi nhà tạm của họ ở thành phố Aleppo, người đàn ông với những vết thương vẫn còn nham nhở trên trán yêu cầu được giấu tên vì sợ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad trả thù. Ông cố gắng lý giải cách mà cậu bé Omran trở thành một biểu tượng của cuộc chiến Syria những ngày qua.
Trái với những thông tin mà các bác sĩ chữa trị cho cậu bé đưa ra, Omran mới 3 tuổi, chứ không phải 5 tuổi.
Abu Ali nhăn mặt khi nhớ lại những giây phút sau khi quả bom xé toạc căn hộ của họ. “Thật đau đớn khi nhìn những đứa con gục xuống trước mắt mình”, ông nói.
Vụ nổ đã làm chiếc sofa gãy làm đôi. Omran bị ngã xuống khoảng không giữa hai mảnh của chiếc ghế. Ông Abu Ali mất một lúc mới tự giải thoát mình khỏi đống đổ nát. Ngay sau đó, ông lao đi tìm Omran.
Ông kéo cậu bé ra khỏi chiếc sofa gãy rồi bế thêm một cậu con trai khác giao cho các nhân viên cứu hộ.
“Hai anh em tự chăm sóc nhau nhé”, ông nói trước khi đi tìm những đứa con còn lại.
Khi được nhân viên cứu hộ bế lên đặt ở ghế sau xe cứu thương, Omran dường như vẫn chưa hiểu chuyện vừa xảy ra. Người phủ đầy bụi, một nửa gương mặt bê bết máu nhưng Omran không hề khóc và nói gì. Cậu bé vẫn im lặng khi được đưa tới bệnh viện.
“Cậu bé không tin vào những gì mình nhìn thấy, em không hiểu chuyện gì đang xảy ra”, Muhammed Abu Rajab, kỹ thuật viên chụp X-quang, người tham gia chữa trị cho Omran, kể lại. “Trong quá trình điều trị, cậu bé không hề la hét hay khóc lóc, chỉ lặng im vì sốc. Cuối cùng cậu bé cũng mở miệng, câu đầu tiên là hỏi bố của mình đâu”.
Sau khi băng bó vết thương trên đầu, làm sạch bụi bẩn trên mặt Omran, nhân viên của M10 kết luận cậu bé không bị chấn thương não. Cả 7 thành viên của gia đình cậu bé đều sống sót và được ra viện tối hôm đó.
Nhìn đống đổ nát sau cuộc không kích, thật khó để tin rằng có ai còn sống sót. Tòa nhà bên cạnh hoàn toàn bị san phẳng trong khi cầu thang của nhà Daqneesh bị sập và đổ vào hành lang. Họ đang ở nhờ nhà của một người họ hàng.
Các nhân chứng ở Aleppo cho rằng những quả bom do hai chiếc chiến đấu cơ Sukhoi của Nga thả xuống. Tuy nhiên, Moscow hôm qua bác bỏ việc các phi công liên quan tới vụ không kích và cáo buộc phương Tây lợi dụng hình ảnh của Omran để tuyên truyền chống Nga.
Trong khi đó, Mỹ cảnh báo Nga và chính quyền Syria sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay nào đe dọa lực lượng Mỹ đang hoạt động trên mặt đất ở miền bắc Syria. Cảnh báo được đưa ra sau khi một máy bay Syria thả bom xuống gần các binh sĩ Mỹ ở thành phố Hasakah hôm 18/8. Các chiến đấu cơ Mỹ được điều tới hiện trường nhưng không nã đạn.
Vụ việc cho thấy cuộc nội chiến Syria đã trở thành cuộc chiến của các cường quốc thế giới. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi Omran là “bộ mặt thật” của cuộc chiến Syria.
“Cậu bé đó chưa được hưởng một ngày không chiến tranh, chết chóc, phá hủy, đói nghèo ở đất nước của mình”, phát ngôn viên John Kirby nói.
Nga cho biết đã sẵn sàng để ngừng chiến sự trong 48 giờ ở Aleppo để cứu trợ thực phẩm và thuốc men cho dân thường.
Anh Ngọc
Theo Vnexpress