Ngày anh chàng chân “chấm phẩy” tỏ tình, cô gái 19 tuổi thẹn thùng đáp lại: “Em yêu anh một nhưng em thương anh mười”.
8 năm đã trôi qua, nhưng đôi lúc người dân ở một xóm nghèo huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) vẫn nhắc lại ngày cưới của chàng trai Lê Thanh Hưng và cô gái Đào Thị Thơ như một giai thoại. Trước ngày cưới trời vẫn trong xanh nhưng đến hôm đó thì mưa như trút nước, đón được dâu về đến nhà ai nấy đều ướt như chuột lột. Nhìn chú rể với đôi chân tay mềm oặt nhưng khuôn mặt hạnh phúc sáng ngời, đứng cạnh là cô dâu 19 tuổi rất xinh đẹp, từ người thân đến hàng xóm đều không cầm được nước mắt. Nhiều người còn thốt lên động viên: “Ông trời cũng cảm động trước tình yêu của hai con đó”.
Giờ đây, ngôi nhà cấp 4 rộn tiếng cười. Anh Hưng ngồi gian ngoài bán hàng tạp hóa. Chị Thơ ngồi gian trong may vá. Hai cô con gái hoạt bát cứ thỉnh thoảng lại chạy từ bố sang mẹ cười đùa. Cuộc sống vẫn còn bao khó khăn nhưng tình yêu và tiếng cười chưa bao giờ thôi đượm lửa trong ngôi nhà nhỏ ấy.
Năm 1982, anh Hưng chào đời trong niềm hạnh phúc của gia đình. So với các anh chị, Hưng may mắn khi ra đời có bố đã tại ngũ. Song anh lại là người duy nhất trong gia đình hứng chịu di chứng chất độc da cam, gây ra bệnh nhược cơ. Mỗi mùa đông qua là một mùa tay chân anh yếu đi.
Người đàn ông 34 tuổi, kể: “Những năm tiểu học tôi vẫn có thể đi lại được nhưng lên cấp 2, cấp 3, với tôi đến trường thật kinh khủng. Nhìn bạn bè chạy nhảy vui vẻ, tôi lại thấy tủi thân. Đã thế, cứ đến mùa lạnh là đôi chân của tôi lại yếu đi trông thấy. Nhiều đêm ngủ tôi mơ thấy mình khỏe mạnh, tỉnh giấc chỉ thấy tiếc nuối và đau buồn”.
Dù đi lại khó khăn nhưng Hưng vẫn cố gắng đi học. Mỗi ngày, đôi chân yếu ớt cố đạp xe 3 km rồi lại lê từng bước cầu thang lên lớp. Ôm giấc mơ thành thầy giáo, cuối cùng anh cũng đỗ vào ngành sư phạm, Đại học Vinh.
Thời đại học, hai chân anh chẳng khác gì sợi bún gắn vào khớp háng. Việc đi học lúc này thường phải trên lưng các bạn. “Thế nhưng điều khiến tôi tủi thân hơn cả là những lần bị gán ghép với các bạn gái. Họ đều bĩu môi ‘Có điên mới yêu cái thằng nớ’. Tôi đã rất buồn khi nghĩ sẽ chẳng có cô gái nào yêu một người có đôi chân chấm phẩy như mình”, anh Hưng nhớ về thời điểm hoang mang đó.
Qua Tết năm 2007, Hưng được phân về thực tập ở trường THPT Quỳnh Lưu. Do sức khỏe không ổn nên anh được bố trí vào đoàn có người bạn thân làm trưởng nhóm. Chàng trai vùng núi Con Cuông vẫn nhớ mãi một ngày. Hôm đó nhà bà ngoại bạn có đám giỗ và Hưng cũng đến dự. Cả buổi trưa anh chẳng quan tâm đến chuyện ăn uống vì còn bận nhìn lén cô em họ của bạn.
May mắn nhà cô gái đó cách nơi Hưng trọ chỉ khoảng 100m. Buổi chiều, anh giả bộ đến mua thuốc lá. Qua khúc dạo đầu tự nhiên, anh đã bắt chuyện được với cô nữ sinh lớp 12, tên Thơ, được khen ngoan và xinh nhất làng.
Từ đó, cứ cơm tối xong là Hưng lên nhà dì dượng của bạn chơi, thỉnh thoảng trao đổi với Thơ về học tập, thi cử. Chưa đầy một tháng qua lại, Hưng lấy hết can đảm tỏ tình. “Tôi hẹn cô ấy ra đường làng. Hôm ấy là một đêm trăng không sáng, nhưng cũng đủ cho tôi thấy đôi má ửng hồng của Thơ lúc tôi nói: ‘Anh nói ra điều này, dù em chấp nhận hay không thì anh cũng thỏa mãn. Anh yêu em'”.
Thơ thẹn thùng, im lặng hồi lâu. Cho đến khi Hưng hỏi lại lần 2 thì cô nói: “Em yêu anh một nhưng em thương anh mười”.
Tình yêu của cô gái xinh xắn với chàng trai khuyết tật tay chân đơm hoa từ đó. Biết chuyện, nhiều người đã phản đối ra mặt. Họ nói Hưng không xứng với Thơ, hoặc mỉa mai “Bông hoa nhài cắm bãi phân trâu”… Rất may bố và các em của Thơ ủng hộ nhiệt tình.
Hết thực tập, Hưng quay lại trường để ôn thi tốt nghiệp. Ngày đó, điện thoại di động chưa phổ biến, nên anh chỉ còn cách là gọi vào số máy bàn của nhà hàng xóm để gặp người yêu. Họ có những cuộc nấu cháo điện thoại hàng giờ. Nhiều hôm nhớ cô, anh đã đáp xe đêm về thăm, chỉ nhìn nhau một lát rồi lại đi.
Đùng một cái, Hưng bị đình chỉ thi tốt nghiệp do thiếu điểm một môn. Buồn bã, nỗi sợ mất Thơ càng tăng lên. “Trong nỗi thất vọng đến khôn cùng, cô ấy vẫn không ngừng khích lệ, động viên tôi. Cô ấy hứa sẽ chờ tôi đến khi tốt nghiệp”, anh xúc động nhớ lại.
Đến thời điểm này, những phản đối từ phía mẹ và họ hàng Thơ tăng lên. Mọi người còn lên kế hoạch cho cô vào miền Nam làm việc để chia cắt. Nhưng ngược lại tình yêu của cô gái trẻ ngày càng lớn. Dù cho ai nói gì, Thơ vẫn một mực tuyên bố: “Khổ đến đâu con cũng yêu anh Hưng”. Cuối cùng, người nhà buộc phải đồng ý.
Về phần Hưng, anh nỗ lực hơn nữa để lấy bằng đại học. Ngay khi tốt nghiệp, anh liền lên kế hoạch cho đám cưới nhỏ, tổ chức đầu đông năm 2008.
Sau ngày cưới, đôi vợ chồng bắt đầu cuộc sống đúng nghĩa “Một mái nhà tranh, hai trái tim vàng”. Do sức khỏe yếu nên Hưng không thể xin được việc. Hai vợ chồng thuê mặt bằng, mở một sạp rau củ. Anh phụ vợ bán rau, còn chị nhận thêm may, sửa đồ. Thời gian gần đây, anh Hưng còn làm cộng tác viên cho báo.
Từ bấy đến nay, cuộc sống gia đình họ rất hạnh phúc dù bệnh tình của anh Hưng ngày một nặng. Vào mùa hè, anh có thể vịn tường đi được vài bước, đôi tay có thể cầm nắm vật nhẹ dưới một kg. Nhưng cứ sang đông là những cơn đau hành hạ khiến anh không thể cử động được.
Từ ngày cưới về, chị Thơ làm đôi tay, đôi chân cho chồng. Mọi vấn đề tắm rửa, vệ sinh của anh đều một tay chị đảm đương. Vất vả nhất là những dịp chị mang bầu, cơ thể nặng nề nên việc dìu chồng đi tắm rửa khó khăn hơn. “Có nhiều hôm dìu anh đi tắm mà cả hai vợ chồng vấp ngã lăn ra nhà. Anh ấy thương tôi, trách bản thân. Lúc đó chúng tôi chỉ biết ôm nhau khóc”, chị Thơ kể.
Để hạn chế vợ phải chăm lo cho mình, sát những ngày chị sinh, anh Hưng chỉ ăn một bát cơm, uống ít nước, tắm rửa cũng hạn chế tối đa. Năm chị sinh con đầu 2009, chị chuyển dạ suốt hai ngày hai đêm. Mệt mỏi nhưng nhìn thấy chồng ở bên động viên, nắm tay, làm thơ tặng mình, chị Thơ đã vượt qua được khó khăn.
Người phụ nữ 27 tuổi bộc bạch, từ ngày lấy anh Hưng tới nay có thể người khác nhìn vào cho rằng chị khổ nhưng chị chưa từng thấy số mình khổ. Đôi mắt chị ươn ướt mà sáng trong, nói: “Lấy được người mình yêu, được anh ấy luôn đặt lên đầu tiên trong suy nghĩ và luôn làm cho mình nhiều điều xúc động là mong mỏi của bất cứ người phụ nữ nào. Tôi may mắn có được anh ấy”.
Theo chị, bình thường anh Hưng luôn sống lạc quan, vui vẻ, quan tâm tới mọi người. Trong 8 năm bên nhau, anh hiếm khi thể hiện sự yếu đuối trước vợ, mà luôn là chỗ dựa tinh thần cho ba mẹ con. Chỉ có một lần duy nhất, chị vẫn nhớ là lần đi Hà Nội chữa bệnh năm 2011. Lúc đi hăm hở bao nhiêu, lúc về thất vọng bấy nhiêu, đi ba bệnh viện thì cả ba đều kết luận bệnh của anh không thể chữa được.
“Bình thường anh ấy vui tươi, lạc quan nhưng hôm ấy anh ấy tuyệt vọng lắm, thậm chí nghĩ tới cái chết. Tôi mới bảo anh: ‘Chán đời sao lại lấy em. Không phải lấy em về để xây hạnh phúc à. Giờ có con rồi, anh phải sống lạc quan để mẹ con em thấy hạnh phúc. Em chỉ cần anh lạc quan là được, vất vả mấy em cũng chịu được'”, chị Thơ kể.
Đã nhiều đêm, anh Hưng thủ thỉ bên vợ: “Nếu thời gian quay trở lại, em có lấy anh không?”. Vợ anh mỉm cười; “Đến kiếp sau em cũng lấy anh làm chồng”.
Anh Nguyễn Bá Hảo (hiện là đại úy phục vụ trong quân khu 3) – bạn thân của anh Hưng, đồng thời cũng là anh họ của chị Thơ – cho biết: “Thời đi học tôi chơi thân với Hưng vì tuy cậu ấy bị khuyết tật về tay chân nhưng rất nỗ lực học hành, sống lạc quan, không ai không quý mến. Trước đây tôi khâm phục ý chí của cậu ấy thì nay tôi càng khâm phục nghị lực của vợ chồng cậu ấy hơn. Trong tình cảnh bệnh tật vậy mà vợ chồng vẫn bảo ban nhau làm ăn, sống hạnh phúc. Cuộc sống đầy ắp tình yêu như vợ chồng cậu ấy không phải ai cũng có được”.
Phan Dương
Theo Vnexpress