Ông Nguyễn Ngọc Đông – chủ điểm check-in có bức tượng ‘Nữ thần Tự do’ ở Sa Pa bị cộng đồng hài hước gọi là ‘phiên bản lỗi’ – cho biết ông như ông bố nghèo khó mãi mới sinh được đứa con trai, cũng mong con ngoan con đẹp, đâu mong con là quỷ sứ.
Bức tượng Nữ thần Tự do ở Sa Pa khi hoàn thành – Ảnh: NVCC
Những ngày qua, tượng bị “ném đá” vì quá xấu, “kinh tởm”, ông Đông cho biết ông cũng rất đau lòng, và cho rằng đây là do ông bị “cạnh tranh không lành mạnh”, bởi tấm ảnh bức tượng “Nữ thần Tự do” lan truyền trên mạng những ngày qua là do đối thủ của ông chụp khi tác phẩm còn đang trong quá trình hoàn thiện để tung lên mạng.
Không muốn “sao y bản chính”
Chia sẻ qua điện thoại, ông Nguyễn Ngọc Đông – chủ cơ sở check-in Ansapa tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai – cho biết ông làm trong ngành du lịch đã lâu nhưng trước đây chỉ làm thuê cho các tập đoàn.
Gần đây vợ chồng ông mang tất cả vốn liếng và đi vay để thực hiện giấc mơ có được một điểm check-in kinh doanh dịch vụ du lịch riêng của mình, phục vụ nhu cầu “sống ảo” rất mạnh mẽ của người Việt hiện nay.
Ý tưởng của ông là làm một thế giới thu nhỏ bằng cách tạo các công trình, tác phẩm nổi tiếng trên thế giới để du khách đến check-in, đi vòng quanh thế giới chỉ với 80 phút.
Điểm check-in của ông Đông còn có tháp nghiêng Pizza, tháp Eiffel… nhưng chỉ tượng Nữ thần Tự do bị chê xấu – Ảnh: NVCC
Ngoài bức tượng ‘Nữ thần Tự do’ thì điểm check-in của gia đình ông Đông còn có các biểu tượng nổi tiếng khác như: tháp nghiêng Pizza (Ý), tháp Eiffel (Pháp), đường hoa Nhật Bản, khu phố cổ Nhật Bản, đường trúc Trung Hoa, làng cổ Việt Nam, đường phong lá đỏ… Tuy thế, chỉ có tượng ‘Nữ thần Tự do’ bị chê xấu.
Giải thích bức tượng “ngồi” chứ không đứng như tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ, ông Đông nói mình không muốn “sao y bản chính”, vì ở Việt Nam đã có nhiều rồi, ông muốn làm phiên bản bán thân kiểu như cuộc thi làm tượng bán thân bằng tuyết ở những lễ hội tuyết mùa đông ở nước ngoài. Chính vì thế mà tượng có màu trắng tuyết chứ không có màu ngà xanh như phiên bản gốc.
“Điểm du lịch này là giấc mơ của tôi. Tôi như ông bố nghèo khó mãi không sinh được đứa con trai, đến khi sinh hạ thì có biết đâu nó là quỷ sứ. Sinh con có ai không muốn con mình xinh đẹp, ai chẳng muốn “thân em vừa trắng lại vừa tròn”, nhưng “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”.
Những người thợ địa phương làm cho tôi tay nghề chỉ có thế. Nhưng xấu đẹp còn do mắt nhìn từng người. Nên thấy mọi người ném đá nhiều quá thì tôi rất đau lòng”, ông Đông chia sẻ.
Không chỉ mệt mỏi với dư luận khen chê, báo chí nhảy vào, ông Đông mấy ngày qua cũng phải tiếp đón nhiều đoàn kiểm tra của cơ quan quản lý. Nhưng ông tự an ủi rằng dù bức tượng không đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”, ông chỉ đang thực hiện giấc mơ kinh doanh du lịch của mình, đóng góp vào cho Sa Pa một điểm đến để phát triển du lịch địa phương.
Ông còn vui bởi cơ sở của mình mới mở được vài tháng trong thời khó khăn của du lịch nói chung vì dịch bệnh nên vắng khách, nhưng đang tạo công ăn việc làm cho 6 lao động địa phương, trong đó có 5 người dân tộc thiểu số.
Ông Đông cho biết nếu đông đảo người dân còn chê bức tượng xấu thì ông sẽ cho chỉnh sửa, quá lắm thì ông chấp nhận đập bỏ.
Ông Đông nói muốn làm một thế giới thu nhỏ để người không giàu có cũng có thể được check-in khắp thế giới – Ảnh: NVCC
“Nữ thần Tự do gì thì cũng như củ sắn củ khoai nơi đồng ruộng”
Không giống như nhiều nghệ sĩ rất bức xúc với bức tượng Nữ thần Tự do “phản cảm” này, nhà điêu khắc trẻ nổi danh Thái Nhật Minh lại có cái nhìn bình tĩnh hơn.
Theo ông, nếu so sánh với các chuẩn mực kinh điển thì bức tượng quá xấu, nhưng nếu nhìn đó là một sáng tác kiểu dân gian, hoặc một tác phẩm của nghệ sĩ có ý tưởng châm biếm thị hiếu thẩm mỹ của công chúng hiện nay thì lại thú vị.
“Ít ra thì bức tượng cũng có sự thú vị nhất định ở sự ngây thơ, không chép y nguyên. Chắc tượng do các nghệ nhân địa phương làm bằng kỹ năng và cái nhìn của họ. Có lẽ đối với họ, Nữ thần Tự do gì thì cũng như củ sắn củ khoai nơi đồng ruộng thôi. Bức tượng ít nhất cũng phô bày được thị hiếu của công chúng cũng như điểm du lịch đó.
Nhưng tôi thử đặt giả thiết nếu nó là một tác phẩm của một nghệ sĩ có ý tưởng rõ ràng thì thật thú vị. Một thứ châm biếm, mang tính phê bình rất rõ, phản ánh thực trạng khối thẩm mỹ của công chúng hiện nay”, nhà điêu khắc trẻ chia sẻ.
Ngoài ra, ông Minh cho rằng bức tượng đặt trong không gian của cá nhân thì không đáng phải bàn luận, “ném đá”. Trong đời sống mỹ thuật hiện nay còn nhiều chuyện đáng bàn hơn.
Thiên Điểu / Tuổi Trẻ