Mất ba năm ròng chờ đợi với những lời cầu hôn chân thành, Bendik mới nhận được cái gật đầu đồng ý của cô gái Sài Gòn.
Hơn một tháng đặt chân lên đất nước Na Uy, mọi thứ vẫn còn khá lạ lẫm với Ngọc Mỹ (28 tuổi). Cô gái Sài Gòn tâm sự, cô biết mọi thứ sẽ không hề dễ dàng nhưng không ngại khó khăn để đương đầu với cuộc sống mới. Nơi này không có cha mẹ, không có cậu con trai 5 tuổi, nhưng cạnh Ngọc Mỹ luôn có Bendik Solhaug, người chồng kém 4 tuổi, chăm sóc và yêu cô bằng cả trái tim.
Mối duyên của họ bắt đầu từ dịp Tết âm lịch năm 2012. Khi đó, Mỹ ẵm trên tay đứa con trai 5 tháng tuổi trở về nhà bố mẹ ruột sau khi không thể cứu vãn cuộc hôn nhân của mình. Còn Bendik vui vẻ sang Việt Nam chơi cùng cậu bạn thân, là em họ của Mỹ.
“Những ngày ấy, trái tim tôi vụn vỡ vì không còn giữ được gia đình nhỏ. Chồng tôi đã vui vẻ bên người khác khi tôi đang mang bầu 7 tháng. Nhìn nhà nhà cùng nhau chuẩn bị đón Tết, tay bế con về nhà mẹ đẻ, lòng tôi đau đớn vô cùng. Nhìn mẹ vì chuyện của mình mà sút cân, tôi càng thấy có lỗi. Tôi không có tâm trí để làm bất cứ việc gì”, Mỹ kể lại.
Ngày mùng một Tết, Bendik đi cùng em họ Mỹ đến nhà cô chúc Tết. Sau bữa cơm trưa hôm đó, chàng trai Na Uy ngạc nhiên khi thấy ngoài hè, Mỹ vừa hát ru con “Ầu…ơ…ơ… ví dầu cầu ván đóng đinh…”, vừa đu võng, nhưng tâm hồn đang trôi lơ lửng nơi nào.
Phát hiện ra có người nhìn mình, Mỹ vô cùng lúng túng. Trong khi không biết phải làm sao, nói như thế nào, cô đã thấy Bendik tiến tới và hỏi cô điều gì đó về bài hát ru. Nhưng vì hạn chế về tiếng Anh, Mỹ không trò chuyện được nhiều.
Dù không thể hỏi chuyện thêm, Bendik vẫn lẳng lặng chú ý đến Mỹ. Hình ảnh người mẹ buồn bã bên chiếc võng ru con xoáy sâu trong tâm trí anh. “Khi đó nhìn Mỹ tôi vừa thấy thương vừa dấy lên một cảm xúc rất khó tả. Từng lời ru con của cô ấy khiến tôi thấy xốn xang. Tôi thực sự muốn làm một điều gì đó cho Mỹ”, Bendik kể lại.
Những chuyến du lịch, đi chơi với anh chị em Mỹ sau đó, chàng trai Na Uy luôn quan tâm đến cô. Bendik ngày càng cảm mến bà mẹ đơn thân nhanh nhẹn, cá tính. Còn Mỹ chỉ coi cậu như đứa em của mình.
Rồi kỳ nghỉ ba tuần của Bendik trôi qua. Trước khi về nước, chàng thợ ống nước ngỏ lời:
– Tôi thích em! Tôi thấy thương hai mẹ con quá. Em có muốn làm vợ tôi không? Tôi thực lòng muốn chăm sóc cho mẹ con em.
Biết Mỹ không hiểu, Bendik viết ra giấy, sau đó Mỹ nhờ “bác Google dịch”. Sau khi hiểu nghĩa, cô mới tá hỏa vì sự thẳng thắn của “cậu em”. Đang không biết phải trả lời ra sao thì cậu em họ đi tới, cô liền nhờ người em chuyển ngữ rằng nếu thật sự thương hai mẹ con cô thì phải đợi ba năm nữa.
“Lúc ấy tôi chỉ nghĩ ra câu trả lời đối phó này. Bởi vì tôi đoán anh còn trẻ, khó có thể đợi chờ tôi và tôi còn nhiều thứ cần phải giải quyết. Tôi cũng không muốn dính vào chuyện yêu đương lúc này. Mọi niềm tin của tôi đã tiêu tan sau cuộc hôn nhân đau khổ”, Mỹ tâm sự.
Cả hai vẫn giữ liên lạc qua Skype nhưng chỉ như những người bạn. Mỹ hoàn tất thủ tục ly hôn vài tháng sau đó. Cô giành quyền nuôi con và trở về nhà mẹ đẻ. Mỹ học thêm tiếng Anh để tìm việc làm nên dễ dàng giao tiếp với Bendik hơn.
Một năm trôi qua, Tết 2013, chàng trai Na Uy lại tới Việt Nam. Mỹ không còn ủ rũ như trước vì tâm trạng đã dần ổn định. Những chuyến đi chơi với gia đình và bạn bè, Mỹ đã có thể nói chuyện với Bendik nhiều hơn. Dịp này, Bendik tiếp tục cầu hôn nhưng Mỹ lại từ chối thẳng thừng vì “sợ trái tim lại vụn vỡ thêm một lần nữa. Dù rằng tim tôi cứ đập loạn nhịp khi gặp anh. Cảm giác yêu mà không dám nói ra”.
Tết năm 2014 Bendik không sang Việt Nam được vì phải bận học nâng cao. Dù vậy, anh không quên điện thoại về hỏi Mỹ câu hỏi cũ kỹ ấy, nhưng vẫn là một lời từ chối. “Năm sau anh về đi, đúng ba năm em sẽ đồng ý”, Mỹ nói.
Tết năm 2015, giữ đúng lời hứa, Bendik trở lại Việt Nam. Tối 15/2, lần đầu tiên hai người đi chơi riêng. Tại một quán cà phê lãng mạn, ngồi cạnh nhau trên chiếc xích đu, Bendik nhẹ nhàng nói:
– Anh đã đợi em đúng ba năm. Hôm nay em phải trả lời anh. Em đồng ý làm vợ anh nhé?
– Em đồng ý, nhưng tụi mình làm đám hỏi trước. Em muốn thêm một năm nữa tụi mình hẹn hò và muốn biết về gia đình của anh. Em hy vọng anh cũng thương yêu con em và anh phải xin phép gia đình em nữa.
Đáp lại câu trả lời của Mỹ, chàng trai hứa yêu mẹ con Mỹ hết lòng. Mỹ biết anh sẽ làm được điều đó, nhìn cái cách Bendik yêu thương, chơi với con mình, cô tin tưởng sự lựa chọn của mình không sai. Ngày hôm đó họ lần đầu trao nhau nụ hôn ngọt ngào sau bao ngày chỉ nhắn tin, gọi điện.
Ngay hôm sau, đôi bạn trẻ chở nhau đi sắm sửa một vài thứ, chuẩn bị cho đám hỏi. Thấy con gái hạnh phúc, bố mẹ Mỹ mới thở phào nhẹ nhõm. Đã lâu lắm rồi, họ mới nhìn thấy con cười tươi rạng ngời như thế.
Hè năm đó, Bendik đón Mỹ sang Na Uy thăm gia đình mình. “Tôi được bố mẹ, anh chị của anh đón tiếp rất nồng nhiệt. Đặc biệt, mẹ anh khiến tôi có cảm giác rất gần gũi. Tôi muốn đi đâu bà cũng chở tôi đi, làm cho tôi rất nhiều món ăn nữa. Tôi và bà do khác biệt ngôn ngữ nên hơi khó giao tiếp nhưng bù lại những cái nắm tay, ánh mắt của bà khiến tôi thấy ấm áp”, Mỹ kể lại.
Sau vài tuần ở Na Uy, Mỹ quay về Việt Nam, cả hai lại tiếp tục những chuỗi ngày xa nhau dài đằng đẵng. Biết bao đêm Mỹ ngủ quên trên bàn phím laptop, biết bao lần Bendik ngủ gật với chiếc điện thoại trên tay.
Rồi ngày trọng đại cũng đến, 30/1/2016, bà mẹ đơn thân mỉm cười hạnh phúc đứng cạnh anh chồng trẻ. Hôm đó, bố mẹ, anh chị em và hơn chục người bạn của Bendik sang Việt Nam để chúc phúc cho họ.
5 tháng sau ngày cưới, Mỹ quyết định theo chồng sang định cư ở Na Uy. Cô rất muốn mang cậu con trai 5 tuổi Sony đi cùng nhưng chồng cũ không đồng ý. Theo luật, muốn đưa con đi nước ngoài, dù bố mẹ đã ly hôn, vẫn phải có sự đồng ý của chồng cũ khi con nhỏ hơn 9 tuổi. Cô đành để lại con cho bố nuôi với hy vọng mong manh một ngày nào đó có thể đoàn tụ với con.
Ngày cô đi, ba mẹ chồng cũ sang tận nhà tặng cô chiếc nhẫn làm kỷ niệm cùng nhiều đồ ăn với lời nhắn nhủ “mong con sống hạnh phúc”. Dù đã ly dị, Mỹ vẫn được họ yêu quý như con đẻ. Cô xúc động ôm lấy họ, đã từ lâu cô coi hai người như bố mẹ đẻ của mình.
Đặt chân đến Na Uy trong những ngày trời lạnh giá, Mỹ nhớ gia đình, nhớ con trai da diết. Hiểu được tâm lý vợ, Bendik đưa cô đến thăm những người họ hàng Việt xung quanh, tự tay làm cho vợ nhiều món ăn giúp cô cảm thấy thoải mái. Hiện tại chồng đi làm, Mỹ chăm chỉ học tiếng Na Uy, cô định thi đại học vào tháng 9 tới.
“Tôi luôn cảm thấy biết ơn anh. Anh đã hàn gắn trái tim tôi, giúp tôi vui trở lại, mang hạnh phúc đến với tôi. Tôi trân trọng nó và yêu anh rất nhiều. Nền văn hoá này hoàn toàn khác với nơi tôi đã sinh ra nhưng tôi tự tin có thể dần dần tiếp nhận nó bởi vì nơi đó có anh luôn bên cạnh tôi, yêu thương và ủng hộ tôi hơn tất cả mọi thứ”, Mỹ tâm sự.
Tuệ Minh
Theo Vnexpress