Thương bạn trai tốt nghiệp đại học không xin được việc vì chiếc hàm bất thường, Thu Thảo lấy tiền tiết kiệm, vay mượn giúp Thục cắt dời hàm.
Hơn một tháng sau ca phẫu thuật cắt dời hàm tại TP HCM hồi cuối tháng 5, chàng trai trẻ Vũ Đình Thục và bạn gái Ngô Thu Thảo đang chuẩn bị vào Nam tái khám. Thục đang hồi phục rất nhanh và tự tin hơn hẳn với khuôn mặt gọn gàng như bao người bình thường khác.
Hai hàm lệch nhau hơn 2,2 cm, không thể khép kín suốt 24 năm, chàng trai tốt nghiệp khoa Hóa trường Đại học Sư phạm Hà Nội từng đối diện với nhiều lời trêu chọc của bạn bè. Cũng vì điểm bất lợi về ngoại hình, phát âm không tốt, nên dù có tấm bằng loại Khá, giải nhì Olympic sinh viên toàn quốc nhưng Thục nộp đơn khắp nơi nhưng không xin được việc làm từ năm 2014. Chàng trai Nam Định đành tạm gác lại ước mơ đứng trên bục giảng, đi dạy gia sư kiếm tiền, tiếp tục học lên thạc sĩ.
Hiểu được sự lận đận, khó khăn của bạn trai trong suốt 6 năm bên nhau, cô giáo trẻ Ngô Thu Thảo đã bí mật viết thư cầu cứu bác sĩ trong một chương trình phẫu thuật từ thiện tại TP HCM và may mắn được chọn. Trường hợp của Thục được các bác sĩ đánh giá là một ca khó, rất phức tạp. Nếu việc cắt nối hàm không thể khắc phục tình hình, có thể dẫn đến nguy cơ bị điếc.
Hơn 5 tiếng chờ đợi bạn trai ngoài phòng phẫu thuật, Thảo như ngồi trên đống lửa. Cô lo lắng không yên vì sợ Thục đau đớn. Cô thầm nghĩ nếu anh có mệnh hệ gì, bản thân sẽ hối hận cả đời vì chính mình đã đăng ký cho anh. Bao nỗi lo, dằn vặt của Thảo chỉ trôi qua khi bác sĩ thông báo ca phẫu thuật thành công. Nhìn bạn trai với hai hàm hoàn toàn khép kín, “vừa lạ, vừa yêu” Thảo hạnh phúc rơi nước mắt.
Gần chục ngày một mình chăm sóc bạn trai ở bệnh viện, ai cũng ấn tượng với cô gái nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, cần mẫn làm mọi việc, xúc từng thìa cháo, động viên người yêu. Nhưng nếu biết được câu chuyện tình yêu từ thời học trò trong veo của họ, nhiều người sẽ thêm cảm phục con đường tình của hai học sinh xuất sắc này.
Thục và Thảo đều là học sinh chuyên Hóa trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, chênh nhau một khóa. Cả hai quen nhau khi học lớp dự đội tuyển quốc gia. Ngày ấy, Thảo ấn tượng với Thục vì thấy anh khóa trên học rất giỏi, lại nhiệt tình, luôn ân cần chỉ bảo các em lớp dưới. Trong khi đó, Thục cũng đã âm thầm để ý cô gái xinh xắn với nụ cười rất duyên nhưng không dám nói vì ngại và tự ti ngoại hình.
“Thỉnh thoảng anh có hỏi tôi cuối tuần có về quê không, có gì khó khăn cứ nhờ anh giúp. Chúng tôi cùng học bài đến 1,2 giờ sáng, có gì khó hiểu tôi lại nhắn tin hỏi anh. Cuối năm đó nhà tôi gặp biến cố lớn, tôi đứng trước nguy cơ không thể đi học tiếp. Lúc ấy, anh là người đã động viên, khuyên bảo, cho tôi động lực tiếp tục học đội tuyển quốc gia. Hôm tôi ốm, anh nấu cho tôi bát cháo hành, tôi cảm động quá nên ăn hết mặc dù bình thường không ăn hành bao giờ. Trái tim tôi cũng hơi rung rinh, nhưng tôi xác định chỉ là bạn bè vì đang đi học”, Thảo kể lại.
Biết Thục để ý mình, Thảo ngại ngùng tìm cách tránh mặt bằng cách đi muộn về sớm. Ra chơi, cô còn không dám ra ngoài ban công đứng vì sợ anh nhìn thấy đôi quai hậu màu hồng của mình. Còn anh chàng khóa trên cũng luôn ngó xuống sân, tìm kiếm cô gái duy nhất trong trường đội nón đi học.
Năm đó, Thảo không được chọn vào đội tuyển chính thức, còn Thục đoạt giải Nhì môn Hóa quốc gia, được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngày tổng kết năm học, Thục mới dám ngỏ lời mời Thảo đi chơi. Nhận được đề nghị “anh muốn một lần trong đời học sinh được đèo em đi học”, Thảo bẽn lẽn đồng ý. Hôm đó, một buổi sáng mùa hè mát dịu năm 2010, có cô bé đáng yêu mặc áo dài trắng, vui vẻ, líu lo ngồi sau xe đạp của anh chàng khóa trên.
Đang háo hức chuẩn bị đến ngày nhập trường thì bố Thục qua đời. Ngày đám ma ông, Thảo cũng về tận nhà. “Ngày đó anh hỏi tôi ‘Em có đợi anh được không?’, tôi trả lời ‘Sẽ đợi anh cả đời’. Cho đến giờ, tôi chưa bao giờ quên lời hứa đó”, Thảo kể lại.
Một năm sau ngày Thục ra trường, Thảo cũng đạt giải 3 môn Hóa quốc gia và cũng được tuyển thẳng vào đại học sư phạm. Trong suốt một năm xa nhau với nhiều áp lực, khó khăn, đã nhiều lần Thục nói lời chia tay vì tự ti về ngoại hình và hoàn cảnh của mình nhưng Thảo không đồng ý. Cô vẫn động viên anh và nhất quyết không từ bỏ chuyện tình cảm này.
“Hồi mới lên Hà Nội chưa đi dạy, buổi tối tôi hay đợi anh ở đầu ngõ phòng trọ, anh đi dạy thêm về là gặp nhau một chút. Cảm giác chờ đợi tiếng xe đạp leng keng của anh, giản dị thôi mà yêu thương biết mấy. Rồi sau này, mỗi ngày anh đèo tôi đến chỗ dạy rồi mới đi gia sư chỗ khác. Ngồi đằng sau thấy lưng áo cũ của anh ướt mồ hôi, tôi thương anh vô hạn”, Thảo nhớ lại.
Thời sinh viên nghèo khó, cả hai không bao giờ đi chơi những chỗ mất tiền, chỉ cùng nhau đạp xe quanh Hà Nội ngắm cảnh. Hai người còn cùng nhau nuôi chung một con lợn đất, bỏ vào đó tiền học bổng, tiền đi dạy, để sau này có tiền làm đám cưới.
Thảo ra trường với tấm bằng xuất sắc nên được nhận ngay về một trường cấp 3 ở Nam Định. Trong khi Thục vẫn ở Hà Nội dạy thêm và học cao học.
Khi biết tin Thục được tham gia mổ, nhưng không miễn phí hoàn toàn, Thảo đã phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi vay số tiền còn lại. Con lợn đất cả hai tiết kiệm chỉ được gần 17 triệu, Thảo nhờ mẹ vay hộ 50 triệu, rồi vay bạn bè khắp nơi để lo cho người yêu đi phẫu thuật. Thấy Thục băn khoăn chuyện kinh phí, Thảo động viên bạn trai “tiền có thể làm ra được, nhưng không có việc thì khổ hơn”.
Nói về những gì người yêu làm cho mình, chàng trai 24 tuổi xúc động: “Trước kia, chẳng khi nào tôi nghĩ mình sẽ làm phẫu thuật. Tất cả nhờ có Thảo quyết tâm nên tôi mới có dũng cảm đó. Thảo đã lo lắng, vất vả vì tôi quá nhiều nên tôi tự nhủ sau này sẽ đền bù cho cô ấy. Sau khi phẫu thuật, tôi đã tự tin nhiều, không còn ngại giao tiếp như trước. Tôi luôn cảm ơn cuộc đời vì đã cho tôi gặp được Thảo và được yêu cô ấy”.
Đôi bạn trẻ dự định sẽ kết hôn sau 3 năm nữa khi cả hai đã ổn định mọi thứ. Còn hiện giờ ước mơ của Thảo chỉ đơn giản là “anh ấy mạnh khỏe, không bị biến chứng gì và tìm được một công việc, trở thành thầy giáo như anh mong muốn bấy lâu nay”.
Tuệ Minh
Theo Vnexpress