Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ phải tìm giải pháp tránh xung đột với Trung Quốc nhưng không làm tổn hại lợi ích quốc gia trên Biển Đông.
Dù thể hiện lập trường mềm mỏng nhằm giữ gìn mối quan hệ thương mại lâu dài với Trung Quốc, dưới sức ép của tinh thần dân tộc và lợi ích về chủ quyền, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không thể nhượng bộ Bắc Kinh một khi nước này bác bỏ phán quyết về “đường lưỡi bò” mà Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp đưa ra, theo National Interest.
Theo giáo sư khoa học chính trị Richard Javad Heydarian thuộc đại học De La Salle, không giống như người tiền nhiệm Benigno Aquino, tân Tổng thống Philippines Duterte dường như không muốn đối đầu với Trung Quốc, thậm chí đã bày tỏ nghi ngờ về cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ trong trường hợp nổ ra xung đột với Trung Quốc.
Trong khi nhiều quốc gia trong khu vực mạnh tay đầu tư mua sắm các loại vũ khí hiện đại để bảo vệ chủ quyền trước những hành động quyết liệt của Trung Quốc, ông Duterte vẫn duy trì quan điểm coi việc mua sắm chiến đấu cơ là hành động “lãng phí tiền bạc”. Mối quan tâm chính của ông Duterte là vấn đề an ninh nội địa, đặc biệt là khi các nhóm cực đoan có liên quan tới Nhà nước Hồi giáo (IS) ở phía nam đảo Mindanao đang có xu hướng hồi sinh mạnh mẽ.
Ông Duterte cũng tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ song phương lâu dài với Trung Quốc, bất chấp có thể phải hy sinh một số lợi ích về lãnh thổ trong tranh chấp trên Biển Đông. Trong cuộc gặp với đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa, một trong những quan chức nước ngoài đầu tiên mà ông Duterte tiếp xúc, hai bên đã gấp rút đề cập khả năng Bắc Kinh sẽ đầu tư lớn vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở Philippines.
Thực tế này khiến nhiều người cho rằng ông Duterte có thể sẽ lựa chọn biện pháp mềm mỏng với Trung Quốc sau khi PCA đưa ra phán quyết.
Tuy nhiên, bình luận viên Igor Gauquelin của Analyst cho rằng ông Duterte không thể nhượng bộ Trung Quốc thái quá, khi nhóm các nước công nghiệp G7, Australia và tất cả các bên liên quan ở châu Á đã gián tiếp hoặc công khai bày tỏ ủng hộ vụ kiện này.
Bên cạnh đó, sức ép từ tinh thần dân tộc và các nhóm lợi ích trong nước sẽ buộc tân tổng thống Philippines phải duy trì các biện pháp cứng rắn nếu tòa ra phán quyết có lợi cho Manila.
Theo Gauquelin, thể chế dân chủ của Philippines có mối quan hệ chặt chẽ với các gia tộc và các nhóm lợi ích. Bên cạnh thể hiện lợi ích quốc gia, chính sách đối nội và đối ngoại của Manila còn có sự tham gia của các nhóm lợi ích đến từ giới quân sự và các tập đoàn năng lượng.
Với việc Philippines đã đồng ý mở cửa nhiều căn cứ quân sự cho Mỹ đến đồn trú luân phiên, cũng như ảnh hưởng từ các nhóm lợi ích quân sự và năng lượng đối với chính trị trong nước, phán quyết của PCA có thể đặt ông Duterte trước những lựa chọn khó khăn.
Một khi phán quyết của PCA được đưa ra, nhóm lợi ích năng lượng của Philippines rất có thể sẽ làm giống như dưới thời chính phủ tiền nhiệm, tiếp tục hối thúc tân tổng thống dựa vào phán quyết có lợi của PCA để mở rộng phạm vi khai thác dầu khí trên Biển Đông và tăng cường hợp tác với bên ngoài, khiến ông Duterte khó có thể nhượng bộ Bắc Kinh.
Hơn nữa, dư luận Philippines gần đây thể hiện tinh thần dân tộc tương đối mạnh mẽ trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với Philippines đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử, và dưới áp lực từ dư luận, khả năng khôi phục quan hệ không thể diễn ra một sớm một chiều.
Nút thắt trong mâu thuẫn Trung Quốc – Philippines nằm ở bãi cạn Scarborough. Lấy lại quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough, vốn bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 2012, đã trở thành chủ đề chính trị được dư luận quan tâm ở Philippines. Sau khi PCA công bố phán quyết, ông Duterte có thể sẽ phải tiếp tục thực thi chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Aquino, ít nhất là trong vấn đề bảo vệ chủ quyền trước những động thái của Trung Quốc.
“Một điều chắc chắn rằng chính quyền của ông Duterte sẽ đứng trước sức ép lớn từ mọi phía buộc phải giành lấy lợi ích chiến lược lớn nhất từ vụ kiện. Rất có thể ông Duterte, người đã hứa sẽ thực thi một chính sách đối ngoại độc lập, sẽ thực hiện các biện pháp tiếp theo dựa trên bản chất của phán quyết và cái mà ông coi là lựa chọn thực tế nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia Philippines và tránh xung đột không cần thiết với Trung Quốc”, ông Heydarian nhận định.
Nguyễn Hoàng
Theo Vnexpress