Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về nguyên tắc đối với phương án tái cơ cấu nợ cho Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) và hiện đang chờ ý kiến trả lời.
Văn bản này, theo một số nguồn tin chia sẻ với TBKTSG Online, gồm có hai nội dung đáng chú ý. Thứ nhất, đề nghị giữ nguyên nhóm nợ đối với một số các khoản nợ quan trọng của HAG đã được 11 ngân hàng thương mại cho vay đồng thời tái cơ cấu lãi suất cho các khoản nợ này. Thứ hai, đề nghị xem xét việc tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước đối với các ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho các khoản nợ trên.
“Xin lưu ý đây chỉ là đề xuất về phương án tái cơ cấu nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp, còn cứu hay không thì còn quá sớm để khẳng định”, một nguồn tin có thẩm quyền nói với TBKTSG Online, “Và quan trọng nhất, việc doanh nghiệp có được cứu hay không còn phụ thuộc vào khả năng của doanh nghiệp, ông được thêm thời gian ông sẽ làm gì để thay đổi, sẽ hoạt động kinh doanh ra sao và kế hoạch trả nợ như thế nào, chiến lược kinh doanh sẽ cải tổ ra sao trong bối cảnh thị trường, nền kinh tế và các kỹ năng quản trị tối ưu hóa nội lực công ty… Điều này không ai rõ bằng chính doanh nghiệp”.
Quay lại công văn trên, nếu Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc thì các ngân hàng chủ nợ và lãnh đạo NHNN sẽ họp lại tiếp theo để đưa ra các nội dung chi tiết và cụ thể về việc giãn nợ, tái cấp vốn và kế hoạch tái cơ cấu nợ cụ thể ở từng giai đoạn cho công ty.
Theo thông tin ban đầu của chúng tôi, việc tái cơ cấu khoản nợ các ngân hàng đã cho vay được đề xuất theo hướng không chuyển nhóm nợ của HAG trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi suất. Ví dụ nếu khoản vay 3 năm có thể kéo thành 5-7 năm với cả gốc và lãi (lãi trả cuối kỳ).
NHNN được đề nghị là đơn vị đầu mối cấp gói lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng chủ nợ của HAG. Lãi suất tái cấp vốn trong khoảng 6-6,5%/năm tùy thuộc vào lộ trình thu nợ của từng ngân hàng.
“Lãi suất các ngân hàng đã cho vay với HAG xoay quanh 10%/năm tới 11%/năm, tức là với lãi suất tái cấp vốn “6 chấm” thì các ngân hàng có thể khá an tâm. Công bằng mà nói các ngân hàng không bị thiệt”, một chuyên gia ngân hàng bình luận.
Trước đó, đề án này bị ách tắc bởi các ngân hàng chủ nợ và đại diện cơ quan quản lý chưa có được tiếng nói chung trong việc tái cơ cấu nợ cho công ty, trong đó hội đồng quản trị một ngân hàng không đồng ý với lý do họ có tài sản đảm bảo tại HAG đủ tốt để bán đi tất toán khoản nợ mà không cần đến việc giãn nợ dài thêm.
Thông tin hành lang cho biết Thủ tướng sẽ có ý kiến trả lời về đề xuất này trong vòng một tuần tới.
Liên quan đến đề xuất này, một số ý kiến cho rằng, việc các ngân hàng thương mại chủ nợ đề nghị giảm lãi với khách hàng là quyền của họ. NHNN ở đây chỉ cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ bởi vì nếu theo Thông tư 02 thì một số khoản nợ của HAG sẽ phải chuyển nhóm nợ song khi NHNN đồng ý cho các ngân hàng giữ nguyên (theo như Thông tư 780/NHNN) thì các ngân hàng không vi phạm quy định của cơ quan quản lý.
Nếu đề nghị này được thông qua, cũng có nghĩa ngân hàng và doanh nghiệp đạt các mục đích: Ngân hàng không phải trích lập thêm dự phòng cho nợ của HAG (khi bị chuyển xuống nhóm thấp hơn); nợ xấu của hệ thống không bị đẩy cao thêm; xếp hạng tín dụng của HAG được giữ nguyên; Doanh nghiệp có thể tiếp tục được vay thêm từ ngân hàng; Doanh nghiệp không phải trả lãi suất phạt nếu nợ bị chuyển nhóm nợ.
Song về việc tái cấp vốn cho các ngân hàng chủ nợ, có những ý kiến không đồng tình. Họ cho rằng nếu NHNN đồng ý tái cấp vốn cho trường hợp này, thì thị trường sẽ hiểu rằng anh dùng tiền ngân sách hỗ trợ “cho” doanh nghiệp.
Các ý kiến này cho rằng bên cạnh HAG chúng ta còn rất nhiều doanh nghiệp lớn, gặp khó khăn, vậy tại sao cứu doanh nghiệp này mà không cứu doanh nghiệp kia, trong khi có không ít doanh nghiệp cũng đang liên quan chặt chẽ đến quốc kế dân sinh.
Và về tầm vĩ mô, chuyên gia cho rằng Chính phủ nên hạn chế tham gia vào những vụ việc cụ thể như vậy vì các hệ lụy liên quan sẽ kéo dài.
Hồng Phúc
Theo TBKTSG