Là người đầu tiên hát phiên bản Việt ca khúc ‘Độ ta không độ nàng’, chỉ trong thời gian ngắn, ca khúc này của Anh Duy đã nhanh chóng cán mốc hơn 14 triệu lượt xem, 133.000 lượt thích và có gần 10.000 lượt bình luận trên Youtube.
Trong khi đó, phiên bản remix do Anh Duy kết hợp cùng DJ Đinh Long cũng đã chạm mốc 8,5 triệu lượt xem, lọt vào Top 2 Trending YouTube Việt Nam và vẫn đang nắm giữ vị trí cao trên bảng xếp hạng top trending chỉ sau vài ngày ra mắt.
Đây được xem là thành tích rất ấn tượng với một giọng ca trẻ mới toanh, chưa từng đi hát chuyên nghiệp như Anh Duy.
Anh Duy với Độ ta không độ nàng
Anh Duy tên thật là Trần Thế Nhân, sinh năm 1989 đến từ Tiền Giang. Chàng trai trẻ đang gây sốt với bản hit chục triệu view Độ ta không độ nàng xuất thân từ một gia đình đam mê nghệ thuật, có mẹ yêu ca hát, ba chơi đàn cổ nhạc.
Từ nhỏ, Anh Duy đã yêu thích âm nhạc và đầu tư vào việc học đàn và thanh nhạc. Cho đến thời điểm hiện tại, Duy đã có bảy năm học đàn piano và có thể tự sáng tác, đệm đàn cho chính mình.
Vì yêu thích các ca khúc nhạc Hoa nên thời gian đầu, Anh Duy từng mày mò, phối beat lại những ca khúc nổi tiếng rồi đăng tải trên mạng cho bạn bè nghe, trong đó có ca khúc Độ ta không độ nàng.
Tuy nhiên, sự phổ biến và thành công ngoài sức tưởng tượng của ca khúc khiến Anh Duy rất bất ngờ, bởi trước đó, anh chưa từng quảng bá rầm rộ hay đầu tư quá nhiều khi thu âm bản hit triệu view này.
Sau khi Độ ta không độ nàng gây sốt cộng đồng mạng và vấp phải nhiều tranh cãi về phần lời ca khúc, Anh Duy đã kết hợp cùng người anh Hy Di viết lại lời ca khúc này để nội dung trở nên nhẹ nhàng hơn, nhưng vẫn bám sát cốt truyện chính.Skip00:04:35
Anh Duy còn thực hiện chương trình Radio truyền tải nội dung câu chuyện Độ ta không độ nàng, để những người nghe qua ca khúc dần hiểu hơn về ý nghĩa ca khúc và thương cảm cho mối tình của nhân vật.
Hiện, phiên bản Radio do Anh Duy thực hiện đã đạt 1,5 triệu lượt xem và được chia sẻ rộng rãi trên nhiều trang mạng xã hội.
Với thành công không ngờ của bản thu nháp Độ ta không độ nàng, Anh Duy cho biết sắp tới sẽ ra mắt MV chính thức ca khúc Độ ta không độ nàng để đánh dấu sản phẩm âm nhạc đầu tay. Ngoài ra, anh chàng cũng sẽ hoàn tất phần ba của Radio cùng tên để tháo gỡ nhiều nút thắt của các nhân vật trong câu chuyện.
Độ ta không độ nàng là ca khúc nhạc Hoa, phiên bản gốc do Tô Đàm Đàm và Giai Bằng thể hiện. Tuy nhiên, hai người này không phải là người đầu tiên thể hiện ca khúc này.
Tác giả thực ra mới là người hát đầu tiên, có nghệ danh Cô Độc Thi Nhân.
Theo Cô Độc Thi Nhân chia sẻ thì ca khúc được anh sáng tác dựa trên cảm hứng nhớ về thời thơ ấu làm đệ tử ở chùa Thiếu Lâm để tu tâm dưỡng tính, được sư phụ rèn luyện để trở thành người nhân hậu.
Ca khúc này nhanh chóng được phủ sóng trên mạng khi được đưa vào làm nhạc phim của một bộ phim hoạt hình ngôn tình gây sốt tại Trung Quốc, kể về chuyện tình của một cô gái là quận chúa đem lòng thương mến một vị tiểu hòa thượng.
Vì tiểu hòa thượng đã quy y cửa Phật nên không thể động lòng. Sau đó quận chúa bị ép gả cho một hoàng tử xấu xa. Đến ngày động phòng, nàng bị tên hoàng tử kia cưỡng đoạt nên đã treo cổ quyên sinh. Cái chết ấy khiến vị tiểu hòa thượng nhận ra mình đã có tình cảm với nàng.
Nhiều người nghe ca khúc này cho rằng ý tứ giống với bộ truyện từng được chuyển thể thành phim vào năm 2017 mang tên Bất Phụ Như Lai, Bất Phụ Khanh.
Rất nhiều bạn trẻ và các ca sĩ đã cover lại theo phiên bản tiếng Việt. Có nhiều bản dịch ca khúc này được đăng lên mạng. Thái Quỳnh là một streamer đã đưa bản lời Việt nhạc Hoa này lên YouTube.
Sau đó, có nhiều phiên bản cover lại, trong đó nam ca sĩ Khánh Phương vừa hát cả tiếng Việt lẫn tiếng Trung. Khánh Phương tuyên bố anh là người thể hiện Độ ta không độ nàng hay nhất và còn tự tin để tiêu đề nhạc phẩm của mình là “bản cover vô đối tại Việt Nam”.
Dẫu đang rất “hot”, vẫn đang có rất nhiều tranh cãi, thậm chí, không ít người còn đòi “cấm phổ biến” ca khúc này vì lời ca có chiều hướng sai lệch về giáo lý nhà Phật.
Một số khác cho rằng những câu chữ trong ca khúc như: “vạn dặm tương tư”, “không thể quay đầu”, “mộng này tan theo bóng Phật, trả lại người áo cà sa” đã phá vỡ hình tượng một tu sĩ Phật giáo.
Ngay câu hát đầu tiên và cũng là tựa ca khúc Độ ta không độ nàng cũng bị phản đối. Các ý kiến cho rằng không nên đưa Phật ra để trách oán: “Phật ở trên kia cao quá, mãi mãi không độ tới nàng”.
Cũng có nhiều ý kiến bênh vực cho rằng bài hát trong phần nhạc phim nói lên nỗi lòng của nhân vật, chứ không có ý xuyên tạc hay báng bổ gì Phật giáo.
Những ý kiến trái chiều, bàn tán sôi nổi đến độ tối 12-6, thượng tọa Thích Nhật Từ đã livestream để chia sẻ quan điểm của mình. Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng bản phóng tác tiếng Việt ca khúc Độ ta không độ nàng đã “bi kịch hóa” nhiều hơn bản gốc.
Ở bản gốc, ca khúc này không có bất kỳ câu hát nào nhắc đến “Phật trên cao” cả. Những hình ảnh, lời lẽ của bản tiếng Việt ủy mị, sướt mướt, ngôn tình hơn nhiều khiến người nghe nếu không hiểu, không nghiên cứu sẽ dễ dàng ngộ nhận các tu sĩ tu ở chùa đều là những người thất tình, buồn khổ, chán đời, bế tắc trong cuộc sống.
Trong khi đó, tu sĩ đi tu là bởi họ đã giác ngộ chân lý rằng không có con đường nào cao quý hơn, không có lý tưởng nào phụng sự cho đời có giá trị hơn là tu hành nên đã bỏ lại sau lưng tất cả các cơ hội hưởng thụ.
Thượng tọa Thích Nhật Từ – Ảnh: FBNV
Thượng tọa Thích Nhật Từ khẳng định với góc độ của người xuất gia, ông không tán đồng cả với bài nguyên tác tiếng Trung lẫn bản phóng tác tiếng Việt Độ ta không độ nàng.
Ông nói: “Bởi vì tác phẩm này tạo hình ảnh quá tiêu cực, quá sai lầm, quá ảm đạm, quá bi quan, chán chường và tuyệt vọng của người tu sĩ đã lỡ rơi vào cõi yêu đương không lối thoát, đến độ phải giết một người mà anh ấy thù hằn bằng một lưỡi kiếm.
Chuyện này rõ ràng là không có thật, chỉ là chuyện hư cấu mà thôi nhưng cũng để lại tác hại ghê gớm với những cái hiểu sai lệch về các tu sĩ, về cuộc đời, ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ khi họ gặp phải những dang dở trong tình duyên, ít nhất là đến hơn 50 lượt triệu view ở Việt Nam, chưa kể hàng triệu view ở Trung Quốc”.
Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng nhấn mạnh hành vi hận tình trả thù của vị tu sĩ hư cấu là phạm pháp. Việc phổ biến lời ca bạo lực, phạm pháp là “vẽ đường cho hươu chạy”. Rất nhiều chàng trai, cô gái mới lớn thất tình nếu bị cuốn vào lời ca sẽ trở thành bản sao của lời ca đó và bắt chước lối ứng xử bạo lực.
QUỲNH NGUYỄN /Tuổi Trẻ