Tại nhà tù Theo Lacy Facility ở California (Mỹ), nơi Minh Béo đang bị tạm giam chờ ngày ra tòa, anh nói: “Không ngày nào tôi ngủ được, lúc nào cũng tự dằn vặt bản thân”.
Vừa trông thấy Minh Béo, tôi nhận ra anh rất mệt mỏi, tiều tụy, mắt thâm quầng. Thỉnh thoảng anh lại rơm rớm nước mắt khi trò chuyện với tôi.
An ninh nghiêm ngặt
Chưa đến 6h45 chủ nhật (3/4 theo giờ địa phương), tôi có mặt để xếp hàng chờ bốc số vào thăm Minh Béo đang bị giam trong nhà tù Theo Lacy Facility ở TP Orange, quận Orange, bang California (Mỹ). Bởi nếu đến trễ thì cơ hội vào thăm Minh sẽ thấp, do một ngày người bị giam chỉ được hai người đến thăm và thời gian thăm giới hạn từ thứ sáu đến thứ hai.
Đúng 8h, nhân viên ghi danh dọn bàn ghế ra gần cổng vào nhà tù, người xếp hàng bắt đầu đến bốc số, cho biết họ tên và số tù của người thân. Đến lượt mình, tôi chỉ biết tên Minh Béo (tên thật là Hồng Quang Minh) nên nói “Hồng, Minh”, còn số tù thì nhân viên ghi danh tự tìm trong danh bạ.
Nhận thẻ tên người tù, tiếp tục xếp hàng sát cổng, chờ cảnh sát gọi vào trong để kiểm tra an ninh. Tất cả đồ đạc phải để trong hộc tủ phía ngoài nhà tù, chỉ được mang theo bằng lái xe (tương tự giấy chứng minh nhân dân). Sau khi qua máy quét kiểm tra an ninh, cảnh sát lưu lại thông tin của tôi vào danh sách những người từng đến thăm Minh Béo. Sau khi ngồi chờ, ký tên vào giấy thăm tù, tôi được chỉ dẫn đi thăm Minh Béo.
Đường vào nhà tù thật… đáng sợ, im lìm, sâu hun hút, với đầy mũi tên chỉ dẫn lối đi. Bấm thang máy lên tầng hai, tiếp tục đi, rồi bấm thang máy lên tầng ba. Phải mất gần 10 phút mới đến được chỗ Minh Béo ngồi chờ.
Dợm bước qua, tôi lùi lại ở phòng số 1 vì thấy Minh Béo ngồi trong một phòng kín với cửa kính xung quanh, với bộ đồ màu cam dành cho người tù. Anh khá bất ngờ khi gặp gỡ, trò chuyện với người đến thăm, vì trông tôi lạ quá.
Vì là phòng kín, nên mọi trao đổi đều qua điện thoại để sẵn. Điện thoại này không đơn giản chỉ là tai nghe để trò chuyện, mà nó còn để ghi âm những trao đổi giữa hai người, đề phòng trường hợp cần thiết cảnh sát sử dụng đến.
Vừa được chuyển phòng sau khi bị bạn tù đánh
Sau khi nghe tôi giới thiệu, Minh Béo hơi dè dặt. Sự dè dặt của anh là đúng, bởi như anh nói: “Tôi vẫn chưa biết tôi bị bắt vào đây vì tội gì nhưng nghe bạn bè vào thăm thì được biết tôi bị báo chí viết rất nặng nề, lôi cả gia đình tôi vào bài viết, tìm mọi cách liên lạc với anh Kiên (anh ruột và là quản lý) để khai thác về tôi?”.
Minh Béo hỏi tôi: “Báo Mỹ cũng viết về tôi hay sao?”. Tôi gật đầu.
Minh thẫn thờ và xác nhận từ lúc bị bắt vào tù từ ngày 24/3 thì những ngày sau đó cho đến ngày 2/4, anh thường bị người tù cùng phòng đánh và bắt nạt. “Qua các cử chỉ của người cùng phòng, tôi hiểu anh ta được người vào thăm nói về trường hợp của tôi. Những ngày qua luôn làm tôi lo lắng. Tuy nhiên, hôm nay tôi đã được đổi sang phòng khác, được ở một mình, tôi cảm thấy bớt lo sợ” – Minh nói.
Hỏi anh cần giúp gì không, Minh Béo bảo: “Xin chỉ cho tôi cách mua khăn tắm, vì khi chuyển phòng tôi không mang theo”. Rồi anh đưa ra danh sách có sẵn các loại đồ dùng được bán trong tù và giá tiền, nhờ tôi dịch những từ anh không rõ nghĩa. Anh nói: “Tôi học tiếng Anh cả hai chục năm rồi không dùng nên bây giờ không nhớ gì nhiều”.
Chuyện ăn, uống, ngủ nghỉ trong tù
Minh Béo kể, ngoại trừ người cùng phòng trước đây hay bắt nạt thì mọi chuyện trong tù không có gì đáng sợ. Một ngày anh có ba bữa ăn, tuy nhiên “Các món hơi khó ăn, phần nhiều là cháo, rồi pizza nên mau ngán. Vả lại tôi cũng không có tâm trí để ăn”.
“Nước uống thì có sẵn trong đó rồi, uống lúc nào cũng được, chỉ có ăn là theo giờ, mà tôi cũng không biết giờ giấc trong này nữa, chỉ biết tới giờ là đi ăn. Tắm giặt cũng có giờ” – Minh Béo nói.
Về giải trí, anh cho hay phía ngoài có tivi để ai có nhu cầu thì ra xem. Điện thoại được thoải mái gọi lúc nào cũng được nhưng một ngày chỉ gọi được một tiếng và phải trả tiền.
Anh cho biết khi bị bắt thì trong túi có sẵn 2.000 USD, số tiền này được nhà tù giữ, để trừ vào tiền mua thêm thức ăn, mua đồ dùng cá nhân, gọi điện thoại…
Rồi anh nhờ: “Có thể mang giúp tôi quyển kinh Chú Đại Bi được không?”.
Sau cuộc trò chuyện với Minh Béo, tôi có nói việc này với cảnh sát trại giam để nhờ in giùm kinh Chú Đại Bi trên Internet thì ông J. Phạm, nhân viên cảnh sát, cho biết: “Chúng tôi không được gửi đồ trực tiếp cho phạm nhân, dù đó là việc làm được nhưng luật không cho phép. Vì vậy không thể in kinh Phật để gửi giúp cho phạm nhân được”.
“Tuy nhiên, chúng tôi có một tờ giấy phát cho phạm nhân với tên Inmate Message Slip, phạm nhân chỉ cần ghi vào đó bằng tiếng Việt rồi chuyển ra, chúng tôi sẽ dịch sang tiếng Anh giúp. Ở đây luôn có những đoàn tu của Phật giáo, Công giáo… vào tù để nói chuyện với phạm nhân, chúng tôi sẽ nhờ giúp, bên ngoài không mang vào được” – ông J. Phạm cho hay.
Ông J. Phạm cũng cho biết: “Ngoài ra, sách, báo, tạp chí, đồ dùng… phạm nhân muốn thì cũng phải được mua trên Internet, chẳng hạn Amazon, thì số đồ này mới được chuyển cho phạm nhân. Còn gia đình mua và chuyển vào bằng đường bưu điện cũng không được”.
Minh Béo cũng cho biết, từ khi bị bắt vào tù đến nay, anh mới gặp vài người, gồm anh P. – người mà Minh Béo ở nhờ những lần sang Mỹ, chị T., diễn viên Bé Mập, bầu show Johnny Nguyễn, một nhà báo. Và người anh cần gặp nhất là anh P., vì đây là mối dây liên kết giữa anh với gia đình ở Việt Nam.
Minh Béo bị bắt như thế nào?
Tôi hỏi Minh Béo rằng anh bị bắt như thế nào, vì khi bắt thì cảnh sát phải có lệnh của tòa án mới vào nhà bắt được? Minh Béo cho biết: “Khoảng 5h thứ năm, ngày 24/3, có một cuộc điện thoại gọi cho tôi, nằng nặc tôi ra gặp, nói là đang đứng trước nhà. Mới sáng sớm mà có người đứng trước nhà nên tôi thắc mắc, vừa ra khỏi cửa là bị bắt”.
Tuy nhiên, khi hỏi tiếp theo là gì thì anh cho biết: “Luật sư dặn không được nói, thông cảm cho tôi”.
Trong khi đó, ông P. – người mà Minh Béo ở nhờ những lần sang Mỹ kể: “Khi tôi vào thăm Minh, thấy tôi, Minh Béo òa lên khóc như một đứa trẻ rồi nói: “Anh P. ơi, sao bây giờ em ở đây, em chịu không được anh P. ơi. Tại sao ma quỷ nó dẫn đường em”.
“Tôi mới hỏi: “Tại sao em ở đây thì anh cũng không biết luôn. Mới có mấy tiếng đồng hồ anh em mình nói chuyện với nhau mà bây giờ em ở đây. Đầu đuôi anh muốn nghe em nói. Tại sao em phải ngồi đây?” – ông P. kể tiếp.
Rồi ông nói: “Minh Béo nói với tôi: ‘Em thành thật xin lỗi anh. Em làm liên lụy đến anh, nếu em mà nói với anh thì không bao giờ em ngồi đây đâu (nhà tù), em nói với anh là em biết anh cản em liền, không bao giờ anh cho em bước ra khỏi cửa đâu. Em xin lỗi anh, bây giờ em không biết nói sao, không biết tại sao em làm như vậy””.
Ông P. kể chuyện Minh Béo nói với ông: “Nó nhắn tin cho em. Lúc đó em đang ngủ nhưng tin nhắn cứ tới, nên em nói: ‘Không, không, anh không thể giúp em được. Bây giờ gần 5h rồi, anh chuẩn bị 7h dậy để sửa soạn ra sân bay để đi diễn ở Atlanta. Miệng nói không là không nhưng rồi em nghe hoàn cảnh đáng thương, em đi ra cửa. Em vừa bước ra cửa thì cảnh sát còng liền, rồi chở em lên xe. Chỗ bây giờ em nói chuyện với anh là chỗ thứ ba đó anh'”.
Ông P. rơm rớm nước mắt kể: “Minh Béo nói với tôi là ‘anh đừng nói với mẹ em biết, mẹ em biết là mẹ em chết liền. Anh gọi giùm bầu show cho em, là em xin lỗi, em có chuyện gấp phải về Việt Nam. Rồi anh gọi về Việt Nam thì báo là show tháng 5, 6, 7, 8 đã được lên lịch đầy rồi, bây giờ hủy giùm cho em. Anh xin lỗi mấy bầu show, nói ở đây Minh mất giấy tờ nên phải xin giấy tờ lại. Rồi anh nói với cháu em là chú Minh xin lỗi, chú Minh hứa với con là chú Minh đưa con qua Mỹ học nhưng bây giờ không được rồi'”.
“Minh Béo cũng dặn tôi và cũng viết thư gửi cho mẹ em và gửi cho tôi từ trong tù rằng: Kiếp này mẹ coi như mất đứa con này, đứa con này đã chết rồi. Con nghìn lời xin lỗi mẹ. Em xin lỗi anh (anh Kiên), anh coi đứa em này không còn trên cõi đời này nữa. Anh thay thế em lo cho mẹ. Nếu mà kiếp sau em là người, em sẽ báo hiếu cho mẹ và anh. Cho chú xin lỗi cháu…” – ông P. kể.
Trung Dương
Theo Pháp Luật TPHCM