Liên đoàn Bóng đá Thế giới cho rằng kênh truyền hình BeoutQ của Arab Saudi phát sóng trái phép các trận đấu World Cup 2018.
Người hâm mộ ở thủ đô Riyadh xem trận khai mạc World Cup giữa đổi tuyển Arab Saudi và đội Nga qua kênh BeoutQ, trên màn hình là Hoàng tử Mohammed bin Salman (trái) ngồi xem trận đấu cùng Tổng thống Nga (phải) ở thủ đô Moskva. Ảnh: Independent. |
Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) khẳng định không cấp phép cho kênh BeoutQ của Arab Saudi phát sóng bất kỳ trận đấu nào trong khuôn khổ World Cup 2018. Tuy nhiên, kênh này vẫn chiếu cho khán giả xem trả phí toàn bộ 64 trận trong giải đấu, theo Independent.
“FIFA xem việc xâm phạm tài sản trí tuệ là rất nghiêm trọng và đang nghiên cứu mọi giải pháp nhằm chấm dứt vấn nạn này, bao gồm đưa ra những hành động cụ thể với các tổ chức ủng hộ các hành vi trái phép”, FIFA thông báo.
Đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng chính thức World Cup tại Saudi Arabia là beIN Sports, có trụ sở tại Qatar. Tuy nhiên, sau khi Arab Saudi ban hành nhiều lệnh cấm vận thương mại đối với Qatar do căng thẳng chính trị, người hâm mộ bóng đá tại quốc gia này không được phép xem kênh beIN Sports, bỏ lỡ cơ hội theo dõi ngày hội bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh dù đội tuyển của họ đang thi đấu tại vòng bảng.
Tập đoàn Truyền thông beIN được cho là đã mất 40% lượng người khán giả theo dõi sau khi không tiếp cận được khoảng 900.000 người xem tại Saudi Arabia.
Đại diện FIFA cho biết họ đã cố gắng ký kết hợp đồng cấp phép sở hữu bản quyền phát sóng World Cup với Arab Saudi nhưng hai bên không đạt được thỏa thuận. Kênh BeoutQ sau đó đã tiếp sóng các trận đấu World Cup từ beIN và phát trên lãnh thổ Arab Saudi.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cũng là một trong số các quốc gia suýt bỏ lỡ cơ hội xem World Cup vì cấm vận Qatar. Tuy nhiên, sau đó các kênh truyền hình của nước này đã đạt được thỏa thuận với beIN.
Ai Cập, một trong số các quốc gia cắt quan hệ với Qatar, cho rằng người hâm mộ có quyền theo dõi World Cup, thậm chí gợi ý các nhà cung ứng “câu lậu” các trận đấu do beIN phát sóng.
4 nước Arab gồm Bahrain, Arab Saudi, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cắt quan hệ ngoại giao với Qatar từ ngày 5/6, cáo buộc Doha ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và Tehran. Qatar bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời tuyên bố không chấp nhận các điều kiện để nối lại quan hệ ngoại giao.
An Hồng/VNE