Khi các công ty phương Tây rút tài trợ cho World Cup vì scandal hối lộ tại FIFA là lúc các doanh nghiệp Trung Quốc lấp vào chỗ trống.
Khi trận khai mạc giữa Nga và Saudi Arabia tại sân vận động Luzhniki ở Moskva diễn ra ngày 14/6, người hâm mộ sẽ được xem một quảng cáo dài 7 phút về sữa chua uống và sữa tươi của Mengniu Group. Quảng cáo này sẽ được phát trong cả 64 trận của giải đấu. Còn nếu muốn ăn kem, họ sẽ phải chọn trong những cái tên khá lạ tai, như Mood for Green, Ice+ hoặc Suibian SuiXinGuo, do Mengniu đã được bán độc quyền những đồ ngọt này trong các sân vận động.
Các thương hiệu ít tên tuổi khác sẽ xuất hiện xuyên suốt giải đấu là hãng điện thoại di động Vivo, hãng TV và tủ lạnh Hisense, hãng xe điện Yadea và tập đoàn đa ngành Dalian Wanda của tỷ phú Wang Jianlin. Các công ty Trung Quốc xuất hiện dày đặc tại World Cup, dù đội tuyển quốc gia của họ không được tham dự giải đấu lần này.
Hàng loạt công ty Trung Quốc trở thành nhà tài trợ cho World Cup lần này. Ảnh: Russian Business Today |
Simon Chadwick – giáo sư nghiên cứu doanh nghiệp thể thao tại Đại học Salford giải thích: “Vì nhiều công ty phương Tây hiện coi FIFA là một thương hiệu xấu, họ không muốn liên quan nữa. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã chộp lấy cơ hội này”. Sau scandal tham nhũng và hối lộ tại FIFA, hàng loạt doanh nghiệp, như Sony, Johnson & Johnson và Castrol đã rút tài trợ cho World Cup.
Chadwick cho biết việc mất nhiều nhà tài trợ cho World Cup 2018 ở Nga và 2022 ở Qatar đã khiến FIFA “tuyệt vọng trong việc tìm tiền mặt”. Các công ty Trung Quốc đã nhận ra đây là cơ hội quảng bá sản phẩm cho hàng tỷ người trên thế giới với chi phí phải chăng.
Wang Jianlin cho biết: “Hai hoặc ba năm trước, các công ty Trung Quốc và châu Á có lẽ không có cơ hội tài trợ cho FIFA, dù rất muốn. Nhưng khi các công ty phương Tây rút lui, chúng tôi đã có cơ hội”. Công ty của ông – Wanda – đã ký hợp đồng làm đối tác của FIFA. Đây là dạng tài trợ cấp cao nhất, bên cạnh Coca-Cola, Visa, Adidas và Gazprom (Nga) trong 4 kỳ World Cup tới.
Chadwick cho biết các hợp đồng tài trợ FIFA này được Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình khuyến khích, nhằm hiện thực hóa giấc mơ biến Trung Quốc thành “siêu cường bóng đá” năm 2050. Ngoài bản quyền truyền hình, tiền từ các nhà tài trợ cũng là nguồn thu lớn của FIFA, mang lại cho cơ quan này 1,6 tỷ USD năm 2014.
Jon Tibbs – Chủ tịch kiêm nhà sáng lập công ty quản lý hình ảnh thể thao – JTA cho biết các công ty Trung Quốc rất khôn ngoan khi dùng bóng đá để quảng bá. “Với các công ty muốn tìm thị trường mới, hợp tác với FIFA là cách giúp họ nâng cao quyền lực và thực hiện điều này dễ dàng hơn. Trung Quốc rõ ràng muốn đăng cai World Cup 2030. Nếu có nhiều công ty tài trợ cho FIFA, đây sẽ là xuất phát điểm rất tốt”.
Vivo đã trả 400 triệu euro cho hợp đồng tài trợ 6 năm, bao gồm cả World Cup 2018, 2022 và Cúp Liên đoàn các châu lục. Họ cũng ký hợp đồng với các cầu thủ José Roberto Gama de Oliveira (Brazil) và Ruud Gullit (Hà Lan). Chiến dịch video quảng cáo của họ đã bắt đầu từ tuần trước. “Cả thế giới đang dõi theo. Đây là thời khắc của chúng tôi”, Vivo cho biết.
Hà Thu (theo Guardian)/VNE